Đà Nẵng cuối tuần

Dây bầu đường xanh mát miền thương

05:52, 25/07/2021 (GMT+7)

Trời miền Trung mấy nay nắng oi nắng cháy, nóng tới nỗi đau đầu khó ngủ. Má tôi ra vườn cắt mớ dây bầu đường (lạc tiên), đem phơi khô cả lá lẫn thân. Má bảo bầu đường khô sắc nước uống mát gan giải nhiệt. Ngày xưa, ngoại từng chữa chứng mất ngủ cho má bằng cách này, cứ thế bây chừ truyền lại cho tôi.

Dây bầu đường, còn gọi là lạc tiên, nhãn lồng hay chùm bao. Ảnh: thuocdantoc.org
Dây bầu đường, còn gọi là lạc tiên, nhãn lồng hay chùm bao. Ảnh: thuocdantoc.org

Hồi tôi còn nhỏ, mỗi lần nhà hết tiền chợ, má hay cắt phần đọt và lá bầu đường non đem rửa sạch, luộc chấm mắm nêm hoặc nấu canh với dầu phộng. Lá bầu đường nhiều lông tơ, có đầu nhọn với ba thùy tạo thành hình tim khá đẹp mắt, nên tôi chỉ ưa ngắm chứ không muốn ăn lắm. Tuy thế, tô canh bầu đường vị nhân nhẫn lẫn ngọt mềm vẫn làm tôi nhớ mãi.

Cây bầu đường thân mềm mọc bò dưới đất nhưng thường sẽ quấn leo lên thân cây khác. Hoa xinh xắn với nhiều cánh trắng, thêm một lớp tua nhỏ sợi tơ màu tím phía trên, nhị và nhụy hoa xanh vàng nơi chính giữa. Hè càng gắt, nắng lên hoa nở khắp, hứa hẹn một mùa trái đáng mong đợi suốt tuổi thơ của tôi.

Trái bầu đường nhỏ xíu xiu, chỉ bằng đầu ngón tay trỏ, tròn tròn, có màu xanh, được bao bọc bởi lớp lá tua rua hình lưới như cái lồng. Có vùng gọi là cây nhãn lồng cũng chính vì lẽ đó. Trái bầu đường khi chín có màu vàng tươi hoặc cam, hạt đen nhỏ xíu với lớp chất dịch trắng, tùy trái mà có vị chua chua, ngọt ngọt hoặc ngọt lịm.

Có lẽ trong ký ức mấy đứa trẻ con sinh ra ở miền quê như tôi, dù ở nơi đâu, gọi là lạc tiên hay bầu đường, kêu tên nhãn lồng hay chùm bao, thì thấy trái chín đều hái ăn. Tôi thường vạch lá canh lựa trái bầu đường vừa chín tới, vỏ nửa vàng nửa xanh, như vậy phần bên trong sẽ có đủ vị chua ngọt thì mới ngon. Một lần, tôi đã phản ứng gay gắt khi bắt gặp cô bé xóm dưới hái trộm trái bầu đường ở hàng rào. Nhờ lần làm quen nhớ đời đó, về sau tôi có một người bạn thân như tri kỷ.

Điều thú vị mà tôi quan sát được, dường như cây bầu đường có một loài sâu riêng dành cho nó. Đó là con sâu róm với các gai đen dài lởm chởm khá đáng sợ, nhưng phần thân lại có ba màu đỏ, vàng, đen xen kẽ khá đẹp mắt. Cây bầu đường mọc nhiều như một loài cây dại, ít người cắt bán hiếm kẻ tìm mua, nên người dân quê tôi không khi nào phun thuốc diệt sâu. Rảnh rang, bọn trẻ con tụi tôi vừa bắt sâu dọa nhau, lại vừa có thể ngăn cây bị ăn lá đục thân.

Sau bao nhiêu năm phiêu dạt khắp chốn, bây chừ tôi quay về nhà, vẫn thấy dây bầu đường ở đó xanh mát như chưa từng trải qua mưa nắng. Cây bầu đường ngoài vườn cứ làm trọn nhiệm vụ của mình, trái ăn sống, lá nấu canh, thân sắc nước. Cây quấn leo khắp nơi, phủ một màu xanh cho đời mà không hề hay biết đã đi vào kỷ niệm mong nhớ của biết bao người.

Cô bạn ngày xưa đã lấy chồng sinh con, không còn ở chốn này để tranh với tôi từng trái bầu đường chín vàng nữa. Tuy thế, những ký ức tốt đẹp trong miền thương của chúng tôi vẫn vẹn nguyên.
Chiều nay, má lại xách rổ ra vườn, hái mớ bầu đường vào đặng mai nấu canh với tôm sông. Chỉ nghĩ đến điều đó thôi là tôi đã thèm. Thế mới biết, bao nhiêu thức ngon món lạ bốn phương cũng không quý bằng về nhà ăn bát canh rau giản đơn quê mình.

NY AN

.