Để luôn nhìn thấy nhau

.

Sẽ có những con đường mang đến cho chúng ta nhiều bài học mới. Con đường làng rợp bóng tre, con đường dày cây xanh giữa trung tâm thành phố, con đường có nhiều cây cầu bắc qua sông… Riêng con đường cao tốc thì hầu như luôn yên lặng và trống vắng, nó chỉ khiến mọi người nhanh đến đích hơn mà thôi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Liên quan đến tốc độ và di chuyển, tôi nhớ lại một câu chuyện mình đọc cách đây khá lâu.

Tháng 12-2012, trong một cuộc đua việt dã ở đô thị Burlada thuộc tỉnh Navarre (Tây Ban Nha), trên đoạn đường về đích, vận động viên Tây Ban Nha Iván Fernández Anaya đang về nhì, dẫn đầu là vận động viên chạy bộ Abel Mutai. Tuy nhiên, khi chỉ còn cách vạch đích vài mét, Abel Mutai bị lúng túng bởi các bảng chỉ dẫn và dừng lại vì nghĩ rằng anh đã hoàn thành cuộc đua. Ivan lúc đó chạy ngay phía sau, nhận thấy điều đó nên đã hét lên để thúc giục Abel chạy tiếp. Nhưng Abel không biết tiếng Tây Ban Nha nên không hiểu. Kết cục, Fernandez phải đẩy mạnh vào người Abel Mutai, giúp anh tiếp tục cán đích giành chiến thắng.

Có thể khẳng định, nhờ sự lên ngôi của internet mà thế giới ngày càng phẳng hơn, mọi người có cơ hội để ngó nghiêng, “thám hiểm” hàng trăm hàng ngàn câu chuyện ở khắp nơi đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Trong vòng xoáy thông tin được cập nhật liên tục ấy, nhiều người có xu hướng tìm đến những tin tức tiêu cực, những vụ việc gây chấn động để bình phẩm và giải trí.

Tuy nhiên, nhiều người khác lại có cách gạn đục khơi trong, tự điều hướng để bản thân gắn kết với những câu chuyện tốt lành. Chính họ đã tạo ra những tổ chức, hội, nhóm luôn sống tích cực thông qua tư duy và hành động tử tế. Mỗi ngày, món quà mà họ dành tặng cộng đồng chính là nguồn năng lượng bình an. 

Trong câu chuyện kể về cuộc chạy đua việt dã ở Burlada, nhiều bạn đọc sẽ khó hiểu bởi hành động của vận động viên Ivan, người chạy thứ nhì. Theo lẽ thông thường, đã đua thì phải nỗ lực hết sức, tận dụng mọi cơ hội để giành giải. Thế nhưng, cuộc trò chuyện giữa Ivan và một nhà báo đã trả lời cho tất cả.

Nhà báo hỏi: “Tại sao anh lại làm thế?”.

Ivan trả lời: “Tôi luôn ao ước một ngày nào đó sẽ có một cộng đồng sinh sống mà ở đó, chúng ta giúp đỡ nhau cùng chiến thắng”.

Nhà báo tiếp tục hỏi: “Nhưng tại sao anh lại để Abel chiến thắng?”.

Ivan trả lời: “Tôi đã làm những gì tôi phải làm. Anh ấy là người chiến thắng xứng đáng. Abel đã tạo ra một khoảng trống mà tôi không thể thu hẹp nếu anh ấy không phạm sai lầm”.

Người phóng viên cứ khăng khăng: “Nhưng lẽ ra anh đã có thể thắng rồi!”.

Ivan nhìn người phóng viên và trả lời: “Vậy chiến thắng đó còn có ý nghĩa gì nữa? Còn gì là danh dự của chiếc huy chương? Mẹ của tôi sẽ nghĩ sao? Những giá trị này sẽ được truyền từ đời này sang đời khác. Chúng ta sẽ dạy con mình như thế nào khi bản thân là một kẻ cơ hội? Chúng ta thường lợi dụng và tấn công vào điểm yếu của người khác thay vì giúp đỡ họ khắc phục các điểm yếu đó. Tôi sẽ không hành động như vậy”.

Câu chuyện trôi qua đã lâu, nhưng tính nhân văn và thông điệp của nó thì không hề cũ, đặc biệt là trong thời điểm này - đại dịch đang bùng phát khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, có một điều may mắn, nơi nào có cỏ mọc, nơi đó có hoa tươi. Hành trình vượt sóng mùa dịch vẫn đang được xúc tiến, “nâng cấp” bằng nhiều nguồn sẻ chia. Đó là sự sát cánh của những mạnh thường quân thông qua những bữa cơm 0 đồng, những cây gạo ATM, những siêu thị thực phẩm miễn phí; đó là hành trình nắm chặt tay nhau để khởi động và lan tỏa những chuyến chi viện về nhân lực, gây quỹ vắc-xin ngừa Covid-19…

Trong cuộc sống này, có nhiều cơ hội và thời điểm mình phải nỗ lực hết sức để chiến thắng. Tuy nhiên, chỉ những người biết dùng đôi vai của mình để nâng đỡ người khác vượt lên trên sự khốn khó mới là nhà vô địch thực sự và mới xứng đáng nhận sự reo hò.

Nếu thành phố chỉ toàn đường cao tốc và ai cũng vội vã lao về phía đích đến, mọi người sẽ chẳng còn nhìn thấy nhau.

DIỆU THỐNG

;
;
.
.
.
.
.