Diện mạo y tế của Tourane/Đà Nẵng (1888-1952)

.

Nói đến diện mạo y tế Tourane, không thể không nhắc đến sự tôn vinh của nhà cầm quyền Tourane thông qua việc đặt tên đường phố đối với hai nhà y học người Pháp có nhiều công lao với nhân loại: Louis Pasteur - người phát minh vắc-xin phòng bệnh dại và Alexandre Yersin - người phát minh vắc-xin phòng bệnh dịch hạch.

Quân y viện Tourane được xây dựng đầu năm 1888 trong khuôn viên Thành Điện Hải. (Ảnh tư liệu)
Quân y viện Tourane được xây dựng đầu năm 1888 trong khuôn viên Thành Điện Hải. (Ảnh tư liệu)

Sau khi Tourane được chính thức thành lập theo Nghị định ngày 24-5-1889 của Toàn quyền Đông Dương Étienne Antoine Guillaume Richaud với tư cách một thành phố cấp II - municipalité de deuxième classe (đương thời là thành phố cấp II thứ hai ở Việt Nam - sau Chợ Lớn được thành lập theo Nghị định ngày 20-10-1879 của Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Villiers), nhà cầm quyền Tourane đã tiến hành quản lý thành phố nhượng địa bên sông Hàn theo mô hình phương Tây.

Chẳng hạn, về tổ chức quản lý y tế của Tourane, theo sách Annam en 1906 do Phòng Thương mại và Canh nông Trung Kỳ biên soạn, nhà in SAMAT & Công ty ấn hành (Bùi Thị Hệ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I dịch và giới thiệu), nhà cầm quyền Tourane thành lập một Ủy ban Vệ sinh “do Công sứ - Đốc lý làm chủ tịch, thành viên bao gồm bác sĩ Quân y viện, chỉ huy quân đồn trú, một Ủy viên Hội đồng thành phố, Chánh Sở Lục lộ (Sở Giao thông công chính - BVT), một Kiểm soát viên Thuế quan và một dược sĩ dân sự.

Ủy ban Vệ sinh cho ý kiến về mọi vấn đề liên quan đến y tế công cộng trong thành phố. Một tiểu ban gồm ba thành viên chịu trách nhiệm giám sát việc thi hành luật, quy định và quyết định của chính quyền về vệ sinh và y tế công cộng”.

Nhân vật bác sĩ Quân y viện được cơ cấu trong Ủy ban Vệ sinh Tourane nêu trên chính là đại diện cơ sở khám và chữa bệnh Tây y được thành lập sớm nhất ở thành phố nhượng địa bên sông Hàn: Quân y viện Tourane/Hôpital militaire de Tourane, là bệnh viện dã chiến thuộc Binh đoàn Thuộc địa. Từ đầu năm 1888, ngay trước khi nhận bàn giao thành phố nhượng địa Tourane, quân đội viễn chinh Pháp đã cho xây dựng Quân y viện Tourane/Hôpital militaire de Tourane trong khuôn viên Thành Điện Hải để khám chữa bệnh cho sĩ quan và binh lính Pháp ở Trung Kỳ nói chung, Tourane nói riêng.

Một bản nhật ký công trình làm đường giao thông lên đỉnh Bà Nà viết năm 1901 có thông tin về một tai nạn lao động: “Trong lúc làm việc, trung úy Decherf bị thương ngày 2 tháng 10 do cây đổ, đã chết ở Tourane ba ngày sau đó”[*]. Tuy nhật ký công trình không nói rõ nhưng chắc chắn viên trung úy viễn chinh này đã được đưa từ Bà Nà về Tourane cấp cứu tại Quân y viện Tourane, tuy nhiên do thương tích quá nặng và khả năng cứu chữa hạn chế nên không qua khỏi.

Trong danh sách thành viên liên kết của Hội Những người bạn Cố đô Huế năm 1928, có tên Giám đốc chính của Bệnh viện Tourane - bác sĩ Tardieu. Nhà Quảng Nam học Albert Sallet cũng từng tham gia khám và chữa bệnh tại quân y viện này vào năm 1906.

Về sau, bệnh viện quân sự này còn khám chữa bệnh cho cả người Pháp dân sự từ phía nam đèo Hải Vân trở vào nên được gọi chung là Bệnh viện Đà Nẵng/Hôpital de Tourane, người Việt quen gọi một cách dân dã là “Nhà thương Tây” để phân biệt với “Nhà thương thí” - bệnh viện dành cho người bản xứ, gọi là Bệnh viện bản xứ Tourane/Hôpital indigène de Tourane.

Sau khi người Pháp bị quân đội Nhật đảo chính trong Chiến dịch Minh Nguyệt/ Meigo Sakusen đêm 9-3-1945, Quân y viện Tourane phải đóng cửa cho tới lúc Pháp tái chiếm Đà Nẵng vào cuối tháng 12-1946 mới hoạt động trở lại. Bệnh viện Đà Nẵng/Hôpital de Tourane giờ chỉ còn… trong bưu ảnh, bởi từ năm 1955, bệnh viện này được chuyển thành Collège Français de Tourane/Trường Trung học Pháp tại Đà Nẵng, năm 1963 trường đổi tên thành Lycée Blaise Pascal.

“Nhà thương thí” - Bệnh viện bản xứ Tourane/Hôpital indigène de Tourane là cơ sở khám chữa bệnh Tây y thứ hai được người Pháp xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1906 trên đường République - nay là đường Hùng Vương, sau đó đổi tên thành Bệnh viện Đà Nẵng rồi thành Trung tâm Y tế toàn khoa Đà Nẵng. Ngoài ra, theo hồi ức của một cựu học sinh Trường Trung học Phan Châu Trinh là nhà thơ Luân Hoán khi nhắc đến ngôi trường cũ của mình:

“Mặt tiền nhìn ra đường Lê Lợi, mang số 37; đối diện với bệnh viện Việt Nam (về sau trở thành trường Nam Tiểu học)”, chứng tỏ địa điểm xây dựng trường Nam Tiểu học (sau này thành Trường THCS Kim Đồng rồi thành cơ sở 2 của Trường THPT Phan Châu Trinh) trước đó là một bệnh viện (hiện chưa có thông tin cụ thể về bệnh viện thứ ba này).

Xin nói thêm rằng đến năm 1965, Trung tâm Y tế toàn khoa Đà Nẵng được chuyển về đường Nguyễn Hoàng - nay là đường Hải Phòng - và được người dân địa phương quen gọi là Bệnh viện Giải phẫu, ở địa điểm trước năm 1963 là Trường Trung học Bán công Đà Nẵng. Từ đó, “Nhà thương thí” trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế; đến tháng 6-1976 là cơ sở của Trường Trung học Kỹ thuật Y tế Trung ương II mà tiền thân là Trường Cán bộ Y tế Trung - Trung Bộ thuộc Ban Dân y Khu V thành lập năm 1966 ở vùng giải phóng.

Trong Ủy ban Vệ sinh Tourane cũng có một nhân vật chứng tỏ ngay từ thập niên đầu thế kỷ XX, nhà cầm quyền Tourane không chỉ quan tâm xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh Tây y mà còn quan tâm đến sự phát triển thuốc Tây/ tân dược: dược sĩ dân sự. Nói đến thuốc Tây/ tân dược ở Tourane, không thể không nhắc tới Pharmacie Phạm Doãn Điềm của dược sĩ Phạm Doãn Điềm - anh rể của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (năm 1926, dược sĩ Phạm Doãn Điềm là một trong những trí thức của Tourane tham gia tổ chức truy điệu Nhà yêu nước Phan Châu Trinh).

Trong nửa đầu thập niên 1940, ở Tourane còn có viện bào chế thuốc Tây giải quyết nhu cầu cung ứng thuốc Tây bản địa cho cả Trung Kỳ. Theo Bùi Thị Hà trong luận án tiến sĩ Y tế phương Tây ở Bắc Kỳ từ năm 1873 đến năm 1945, bảo vệ năm 2019: “Trong những năm 1940-1945, việc gửi thuốc từ Pháp sang Đông Dương gặp nhiều khó khăn, các hãng dược phải nhường đại lý độc quyền hoặc giấy phép cho dược sĩ Pháp ở Sài Gòn, hoặc cung cấp hoặc sản xuất tại chỗ một số biệt dược.

Mỗi kỳ đều có một viện bào chế của riêng mình. Viện Bào chế trung ương Bắc Kỳ (Pharmacie Centrale d’approvisionnement du Tonkin) lúc đầu đặt tại phố Lê Thái Tổ (Hàng Trống), sau đó chuyển về số 12 phố Phủ Doãn.

Giám đốc là một dược sĩ Pháp. Ở Trung Kỳ có Viện bào chế tại Đà Nẵng, Nam Kỳ là tại Sài Gòn. Các viện bào chế này hằng năm bỏ thầu cho các dược sĩ để tiếp tế thuốc cho các sở y tế tại các tỉnh. Đó là một trong những đặc quyền của các hiệu thuốc Tây”.

Nói đến diện mạo y tế Tourane, không thể không nhắc đến sự tôn vinh của nhà cầm quyền Tourane thông qua việc đặt tên đường phố đối với hai nhà y học người Pháp có nhiều công lao với nhân loại: Louis Pasteur - người phát minh vắc-xin phòng bệnh dại và Alexandre Yersin - người phát minh vắc-xin phòng bệnh dịch hạch. Đường Pasteur cho đến nay vẫn được giữ nguyên tên và vị trí như trước; còn đường Yersin vẫn được giữ nguyên tên nhưng đến đầu năm 1956 được chia thành hai đường: Đường Yersin và đường Đông Kinh Nghĩa Thục. Năm 1984, đường Yersin được đổi thành đường Ngô Gia Tự.

Mãi đến năm 2010, tên đường Yersin mới được đặt lại ở địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Việc tôn vinh các thầy thuốc của nhà cầm quyền Tourane đến nay đang được người Đà Nẵng tiếp tục với những tên đường quen thuộc như: Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Văn Hưởng…

B.V.T

(*) Dẫn theo Một thế kỷ chinh phục đỉnh cao Bà Nà, VnExpress ngày 25-3-2019.

;
;
.
.
.
.
.