Đường Mai

.

Nhớ những ngày bình yên không dịch lang thang Sài Gòn, nhiều thứ để mình mê nhưng thích nhất là con phố sách cũ. Thôi thì đủ thứ, có cuốn đọc trong niềm kính trọng, có cuốn khai trí cho mình nhiều điều bình thường nhưng mới mẻ và ngạc nhiên như Sài Gòn Xưa & Nay (NXB Hồng Đức) để biết thêm cách mà người Pháp quy hoạch ban đầu cho đô thị lớn nhất miền Nam này. Ngay từ năm 1860, bên cạnh những con đường to, nhỏ, những phố và những khu chức năng phố thị, họ đã rất tập trung cho việc quy hoạch cây xanh.

Có lẽ, trên những con đường hiện nay, không ít những hàng cây còn lại là có từ sự lựa chọn ngày ấy. Thời đó, đi cùng với mở mang đường sá, việc chọn loại cây phù hợp thổ nhưỡng, dân cư hay công sở để trồng là cả một quá trình nghiên cứu nghiêm túc, quan trọng chẳng khác gì việc làm đường. Nét độc đáo mà họ đã để lại cho Sài Gòn bây giờ là những con đường với hàng cây cổ thụ me, dầu, sao... có thể gọi là di sản của người làm quy hoạch.

Hoa mai nở vàng rực rỡ trên tuyến đường Hùng Vương, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: baotintuc.vn
Hoa mai nở vàng rực rỡ trên tuyến đường Hùng Vương, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: baotintuc.vn

Có lẽ, điều góp phần làm nên hồn cốt của một thành phố là những hàng cây. Chính những tán lá xanh như những bàn tay đan xen che mát những con đường giữa trưa hè oi ả, hay những chồi non bật dậy sau kỳ ngủ đông dài như lời mời gọi thiết tha, đã trở thành niềm thôi thúc cho biết bao tin yêu và hoài niệm. Chắc chắn trong mỗi người Hà Nội, khi đi xa không thể thiếu nỗi nhớ những hàng cây xà cừ, sấu… phủ rợp phố phường. Rồi Thành phố Hồ Chí Minh nữa, nhiều khi tự hỏi, vì sao giữa không gian chật chội tấp nập ấy, vẫn còn đó những công viên đủ rộng cho những hẹn hò, những con đường với những hàng me bốn mùa xôn xao thơ nhạc...

Có lẽ cây tạo ra kỷ niệm, lá tạo nên sự thương và nhớ chăng. “Con đường có lá me bay, chiều chiều ta lại cầm tay nhau về...” (Diệp Minh Tuyền), “Tháng Năm rợp trời hoa phượng đỏ, ơi Hải Phòng thành phố quê hương” (thơ Hải Như, nhạc Lương Vĩnh), “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ... Mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió” (Trịnh Công Sơn) và khi nhìn những tia nắng xuyên qua những hàng cây cổ thụ cao ngất, người nhạc sĩ đã vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp “Ngàn cây thắp nến lên hai hàng. Để nắng đi vào trong mắt em”... Không quá xa xôi như Hà Nội - Sài Gòn, Huế cũng thật nhiều những con đường rợp bóng cổ thụ. Ai đến cố đô, bên cạnh lăng tẩm, thành quách, làm sao không mềm lòng trước những hàng cây trong lòng phố.

Nhiều lần tự hỏi vì sao thành phố nơi tôi sống ít có những ca khúc, những bài thơ lay động tâm hồn như những nơi khác. Đà Nẵng, với truyền thống và vị trí độc đáo về địa lý, thổ nhưỡng xứng đáng có nhiều hơn những ca khúc hay, nhưng rất tiếc điều này vẫn là mong ước và là câu hỏi. Cái để thành tâm hồn, để ngân lên thành nhạc, thành thơ là tổng hợp, trong đó có lẽ không thể thiếu những hàng cây. Tôi đọc đâu đó nói rằng, do điều kiện thời tiết nên cây ở thành phố này khó lâu năm để thành cổ thụ. Tôi không tin nhận xét khiên cưỡng này. Đọc sách cũ, biết rằng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, những hàng mù u mà hột của nó trở thành vũ khí cho những nghĩa sĩ một thời không xa.

Không thể so sánh với Đà Lạt thành phố ngàn hoa, thời gian gần đây các nơi đều có những lễ hội hoa làm say đắm bao người. Ngoài Bắc, nhiều địa phương có những lễ hội hoa ban, hoa cúc; Gia Lai có lễ hội dã quỳ; Hải Phòng từ lâu nổi tiếng với hoa phượng; Nghệ An mới đây có lễ hội hoa hướng dương...Đọc xa nghĩ gần, chợt mơ Đà Nẵng cũng có một lễ hội hoa mai. Sẽ có những con đường, những công viên rực rỡ một sắc mai vàng rực rỡ, màu của sự giao thoa giữa đất và trời rộn rã mỗi khi Tết đến, xuân về. Những đường mai ấy đủ lay động du khách muôn phương, để mỗi người dân thành phố, trong bao bận rộn cũng dành thời gian dạo bước dưới những con đường thơm của sắc vàng ươm phương Nam nắng gió.

Và để nơi này, ngoài hoa đào chuông bồng bềnh đường lên tiên cảnh, đường mai sẽ là dấu ấn khó phai trong lòng du khách. Thầm ước, phố đi bộ “Đường Mai” với hàng vạn cây mai tít tắp sẽ là nền cho những bức ảnh để nhớ về thành phố quê hương tôi. Và biết đâu, từ đây sẽ có nhiều bài thơ, bản nhạc làm say đắm những khát khao, yêu và nhớ nơi này. Những ngày thành phố đang căng mình với dịch, liệu ước mơ “Đường Mai” có quá lãng mạn?

TRẦN THU THỦY

;
;
.
.
.
.
.