Nghĩ về vùng đất Đà Nẵng giai đoạn từ khởi thủy đến năm 1604

.

Khái niệm “khởi thủy” ở đây là từ bao giờ? Có phải từ khi người Đại Việt bắt đầu cộng cư với người Champa sau cuộc hôn nhân của Công chúa Đại Việt Trần Huyền Trân và vua Champa Jaya Simhavarman Đệ Tam/Chế Mân năm Bính Ngọ 1306, dẫn đến vùng đất này chính thức thuộc về lãnh thổ Đại Việt như quà sính lễ từ năm Đinh Mùi 1307?

Một góc phố của thành phố Đà Nẵng ngày nay. Ảnh: XUÂN SƠN
Một góc phố của thành phố Đà Nẵng ngày nay. Ảnh: XUÂN SƠN

1. Phát biểu về những điểm mới của Bộ Quốc sử được biên soạn và bàn giao bản thảo hồi tháng 11-2020, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Giáo sư Vũ Minh Giang cho biết, trong bộ Quốc sử lần này, “quan điểm trước đây thường cho lịch sử khởi đầu từ các lớp cư dân nguyên thủy ở miền Bắc, về phía Nam, người Việt đi đến đâu thì mới có lịch sử tới đó, gần như bỏ trống thời gian trước thế kỷ 16-17 trong lịch sử Trung Bộ và Nam Bộ như thời kỳ của các vương quốc Champa và Phù Nam, đã được khắc phục triệt để”(1). Như vậy, với quan điểm lịch sử là lịch sử của tất cả những sắc tộc từng cư trú trên một vùng đất nào đó, rõ ràng quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Đà Nẵng không thể bắt đầu từ năm 1306 mà phải bắt đầu sớm hơn nhiều.

Sớm hơn bao nhiêu thiên niên kỷ và quá trình ấy diễn ra như thế nào, câu trả lời bước đầu đã có - dầu chưa thật rõ ràng - rằng “khởi thủy” của lịch sử vùng đất Đà Nẵng là vào thời kỳ Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh. Những kết quả khai quật khảo cổ học từ cuối thế kỷ XX đến nay tại một số di chỉ khảo cổ như vườn đình Khuê Bắc, nam Thổ Sơn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn cho phép đề ra một số giả thuyết về thời điểm “khởi thủy” và về cư dân bản địa vùng đất Đà Nẵng thời kỳ tiền sơ sử trước khi bước vào thời kỳ hữu sử Lâm Ấp và Champa.

Chẳng hạn, giả thuyết cho rằng Đà Nẵng là vùng đất cổ, từ thời kỳ Tiền Sa Huỳnh, cách đây khoảng 3.000 - 3.500 năm đã có cư dân sinh sống, thậm chí như nhận định của cố giáo sư Trần Quốc Vượng - sau đợt khai quật năm 2000 - rằng ở đây từng hình thành một kiểu “làng - bến - thị tứ có quan hệ giao thương, tiếp xúc văn hóa với bên ngoài”. Nói khác đi, với nhiều yếu tố địa chính trị thuận lợi như có cửa biển/duyên hải, giàu khoáng sản…, vùng đất Đà Nẵng thời kỳ Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh từng hình thành quan hệ giao thương kinh tế/giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhất là Đông-Nam-Á-hải-đảo…

2. Thời kỳ sau-Sa-Huỳnh, ở vùng đất Đà Nẵng là lịch sử lập quốc của Lâm Ấp và Champa. Lâm Ấp là một vấn đề thú vị trong nghiên cứu về lịch sử vùng đất Đà Nẵng, bởi giới sử học từng đặt vấn đề biên giới phía nam của vương quốc này ở phía bắc hay phía nam núi Hải Vân (chỉ dừng ở khoảng núi Bạch Mã hay vượt qua núi Hải Vân)? Nếu không chứng minh được Lâm Ấp vượt qua núi Hải Vân, nước Lâm Ấp trở thành ngoại vi của lịch sử vùng đất Đà Nẵng, mà ngược lại thì lịch sử hình thành vương quốc này từ thế kỷ II sau Công nguyên (đây cũng là nội dung tranh cãi của giới sử học về hai thời điểm năm 137 sau Công nguyên và năm 192 sau Công nguyên - BVT) sẽ trở thành một bộ phận quan trọng trong lịch sử vùng đất Đà Nẵng thời kỳ sau-Sa-Huỳnh.

Về vấn đề này, nhà Champa học Đổng Thành Danh trong bài Vấn đề nhà nước Lâm Ấp trong lịch sử đăng trên Nghiên cứu quốc tế ngày 17-10-2019 đã thiên về quan điểm rằng “Lâm Ấp là cách gọi của một quốc gia tiền Champa, một Nhà nước sớm hình thành trên cơ tầng bản địa ở phía Nam, đó là quốc gia hình thành trên sự liên minh hay thu phục của các trung tâm quyền lực trong khu vực Nam đèo Hải Vân, hay gần hơn là lưu vực sông Thu Bồn”.

Như vậy, với việc thành lập vương quốc Lâm Ấp từ thế kỷ II sau Công nguyên, vùng đất Đà Nẵng đã cơ bản giành được độc lập về chính trị - thoát khỏi sự thống trị của bá quyền Trung Hoa (sớm hơn Đại Việt cả 800 năm). Một số vấn đề thú vị nữa của vùng đất Đà Nẵng thời kỳ sau-Sa-Huỳnh là sự phát triển kinh tế biển (qua vai trò động lực của các thành phố cổ của Lâm Ấp/Champa, bao gồm Rudrapura - thành phố Thần Bão tố ở Cẩm Lệ với Hiên cảng - một cảng thị cổ nằm tại làng Nại Hiên Tây; qua tình hình phát triển giao thương kinh tế/giao lưu văn hóa qua cửa Hàn/cửa Đại/Lộ Cảnh giang); là dấu ấn văn hóa Champa trong đời sống người Đà Nẵng đương đại (thể hiện qua các di sản kiến trúc/điêu khắc, qua tín ngưỡng/lễ hội, qua ngôn ngữ/địa danh…); từ đó xác định vai trò của cư dân Champa/Cơ tu bản địa trong quá trình phát triển của vùng đất Đà Nẵng.

Trường hợp Lưu Kỳ Tông, người gốc Đại Việt làm vua Champa vào năm Bính Tuất 986, cũng rất đáng được chú ý, vì cùng với cuộc hôn nhân chính trị của Công chúa Huyền Trân, đây có thể là tác nhân thuận lợi, mà cũng có nhiều khả năng là tác nhân bất lợi trong quá trình cộng cư giữa lưu dân Đại Việt với cư dân Champa/Cơ tu bản địa.

3. Có thể khẳng định, năm Đinh Mùi 1307 là thời điểm Đại Việt chính thức tiếp quản vùng đất kéo dài từ bờ nam sông Hiếu đến bờ bắc sông Thu Bồn - trong đó có vùng đất Đà Nẵng - với tư cách quà sính lễ của Chế Mân và với tư cách vùng phên giậu cực nam của Đại Việt. Nổi bật nhất trong lịch sử Đà Nẵng thời kỳ sau-Huyền-Trân là vấn đề Đại Việt tiếp biến văn hóa Champa, thể hiện qua tư duy đại dương/hướng biển, qua tín ngưỡng cúng tá thổ, thờ cúng cá voi/lễ hội cầu ngư, qua sự phát triển ngư nghiệp đánh bắt xa bờ…

Nổi lên trong lịch sử vùng đất Đà Nẵng thời kỳ sau-Huyền-Trân còn có vai trò của Hồ Hán Thương vào năm Nhâm Ngọ 1402 và Lê Thánh Tông vào năm Canh Dần 1470 trong việc chinh phạt bằng quân sự, góp phần chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang giữa Đại Việt và Champa.

Không phải ngẫu nhiên mà sau năm 1402 và nhất là sau năm 1471 cũng là thời điểm lưu dân Đại Việt tập trung chuyển cư quy mô lớn vào vùng đất mới để khẩn đất lập làng; đăc biệt có vai trò của Bùi Tá Hán - người được hậu thế xem là Thành hoàng của đất phương Nam không phải do có nhiều công lao trong chiến trận, mà chủ yếu do có nhiều công lao trong quản lý vùng đất phên giậu đầu sóng ngọn gió của nước Đại Việt thế kỷ XVI bằng “sức mạnh mềm”, bằng các chính sách an dân và bằng tư duy đổi mới so với đương thời, trong hơn 20 năm, từ năm Ất Tỵ 1545 đến năm Mậu Thìn 1568 .

Đặc biệt nổi lên là vai trò mang tính động lực của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trong lịch sử Đà Nẵng thời kỳ sau-Huyền-Trân. Lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành sơn nhất đới vạn đợi dung thân” đã tạo cảm hứng và quyết tâm chính trị cho Nguyễn Hoàng trong việc gầy dựng cơ nghiệp lâu dài ở Thuận Hóa - bao gồm vùng đất Đà Nẵng đương thời đang trực thuộc phủ Triệu Phong.

Cuộc vượt Đèo Ngang của Trấn thủ Thuận Hóa Nguyễn Hoàng vào năm Mậu Ngọ 1558 không chỉ bổ sung một đợt tập trung chuyển cư quy mô lớn của lưu dân Đại Việt vào vùng đất Đà Nẵng nói riêng và vào vùng đất kéo dài đến tận núi Đá Bia/Thạch Bi sơn nói chung, mà còn mở ra một giai đoạn phát triển vượt bậc cho vùng đất Đà Nẵng - sau cuộc tuần du vào trấn Quảng Nam vào năm Nhâm Dần 1602 và sau khi định vị núi Hải Vân đúng là “chỗ yết hầu của miền Thuận Quảng”, như đánh giá của Chúa Trịnh Kiểm(2), Nguyễn Hoàng với tư cách người đứng đầu Thuận Hóa và Quảng Nam đã quyết định điều chỉnh địa giới hành chính giữa hai địa phương này vào năm Giáp Thìn 1604 - nâng cấp huyện Điện Bàn thành phủ và chuyển phủ Điện Bàn - bao gồm vùng đất Đà Nẵng nằm trên địa bàn huyện Hòa Vang bên tả ngạn và huyện Diên Phước bên hữu ngạn sông Hàn - vào trực thuộc dinh Quảng Nam, đưa thời điểm 1604 thành một trong những mốc lịch sử quan trọng của lịch sử vùng đất Đà Nẵng.

BÙI VĂN TIẾNG

--------------------------
(1) Xem Bảo Như, Bộ Quốc sử:
Bao quát lịch sử các cộng đồng cư dân, tộc người, vương quốc trên lãnh thổ Việt Nam, Báo Khoa học và Phát triển, ngày 13-11-2020.
(2) Xem Bùi Văn Tiếng,
Đèo Hải Vân trên hành trình Quảng Nam mở cõi, Báo Đà Nẵng điện tử ngày 18-11-2013.

;
;
.
.
.
.
.