Đà Nẵng cuối tuần

Người Quảng Nam trấn thủ, phòng vệ bờ biển Quảng Bình

10:08, 18/07/2021 (GMT+7)

Ông Trần Sài (còn gọi là Trần Văn Sài) sinh vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XIX, quê ở thôn Phú Quý Thượng, tổng An Hòa, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là thôn Quý Ngọc, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), từng đảm nhận việc trấn thủ, phòng vệ bờ biển ở Quảng Bình...

Sắc phong năm Tự Đức thứ 9 (1856) thăng Trần Sài từ Cai đội lên Thành thủy úy (ảnh trái) và tấm bia trên mộ đất của ông. Ảnh: A.T
Sắc phong năm Tự Đức thứ 9 (1856) thăng Trần Sài từ Cai đội lên Thành thủy úy (ảnh trên) và tấm bia trên mộ đất của ông. Ảnh: A.T

Theo gia phả tộc Trần xã Tam Phú, thời trẻ, Trần Sài có sức khỏe dẻo dai, sống gần sông biển nên rất giỏi bơi lội. Khi đủ tuổi, ông được tuyển quân phục vụ trong lực lượng thủy binh của quân đội triều Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng. Đường hoạn lộ của ông rất hanh thông với những chiến công lập được suốt 3 triều vua nhà Nguyễn, từ Minh Mạng, Thiệu Trị đến Tự Đức.

Theo nội dung bản dịch của 6 đạo sắc mà tộc Trần còn lưu giữ, trong vòng 15 năm (1841-1856), từ người lính thủy binh, Trần Sài được thăng chức 6 lần: từ binh thăng lên làm Ngoại úy Đội trưởng rồi đến Đội trưởng, Thí sai Chánh đội trưởng, Chánh đội trưởng, Cai đội và cuối cùng được thăng chức Thành thủy úy sung Hiệp quản.

Văn bằng thăng cấp đầu tiên cho ông Trần Sài do Đề đốc Thủy sư kinh kỳ cấp vào ngày 15 tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 22 (năm 1841) có đoạn: “... Xét thấy Trần Văn Sài là lính đội 1 vệ 2, Hữu doanh thuộc Thủy sư kinh kỳ, làm công vụ thành thục, mẫn cán...” nên được thăng lên làm Ngoại úy Đội trưởng Đội 1, vệ 2, Hữu doanh Kinh kỳ Thủy sư.

o cần mẫn công cán, lập được nhiều chiến công nên hai năm sau, ngày 22 tháng 7 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), ông được vua ban sắc thăng cấp từ Ngoại úy Đội trưởng lên làm Đội trưởng. Cũng trong năm này, vào ngày 13 tháng 11, ông lại được Đô thống Thủy sư cấp văn bằng thăng chức từ Suất đội lên làm Thí sai Chánh đội trưởng Đội 6, vệ 2 của lực lượng Thủy sư kinh kỳ.

Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), do làm tốt việc quân, có tài thao lược, lại cần mẫn và được cấp trên thỉnh xin đề bạt..., ông được vua ban sắc thăng từ Thí sai Chánh đội trưởng bổ thụ Chánh đội trưởng (hàm Tòng lục phẩm) vào ngày mồng 1 tháng 12.

Đến đời vua Tự Đức, ông được vua hai lần cấp sắc thăng chức. Ngày 23 tháng 11 năm Tự Đức thứ 3 (1850), vua cấp sắc thăng ông từ Chánh đội trưởng đội 1, vệ 2, Hữu doanh Thủy sư kinh kỳ lên làm Cai đội (hàm Chánh ngũ phẩm) thuộc Thủy sư Kinh kỳ. Nội dung bản dịch tờ sắc ghi rõ: “Sắc cho Trần Sài, Chánh đội trưởng suất đội đội 6, vệ 2, Hữu doanh của Thủy sư kinh kỳ, tại chức lâu năm, hành sự xuất sắc. Nay cai quản viên lên tiếng thỉnh xin đề bạt, chuẩn ngươi thăng làm Cai đội đội 6, thống lĩnh biện binh theo sự phân phó công vụ của cai quản viên. Nhược bằng quyết chức không nghiêm, dùng quân chính luận tội. Nghe lệnh vậy”.

Sáu năm sau, năm Tự Đức thứ 9 (1856), ông được vua ban sắc thăng từ Cai đội lên làm Thành thủ úy của Thủy vệ tỉnh Quảng Bình, sung Hiệp quản biện binh vệ 6 (hàm Tứ phẩm) với nhiệm vụ chỉ huy, đốc thúc công việc phòng thủ, tuần tra, bảo vệ khu vực biển đảo ở Quảng Bình. Nội dung bản dịch tờ sắc ghi ngày 8 tháng 3 năm Tự Đức thứ 9 ghi: “Sắc cho Trần Sài, Cai đội đội 6 vệ 2, Hữu doanh thuộc Thủy sư kinh kỳ, tại ngũ đã lâu, việc binh có chút am hiểu sự luật. Nay chuẩn ngươi được thăng làm Thành thủ úy, đưa về Vệ thủy quân Quảng Bình, hiệp quản biện binh vệ 6. Phàm các công vụ cứ theo lệ phụng hành, nhược bằng không giữ sự luật, cứ theo minh chương trị tội. Nghe lệnh vậy”.

Với chức Thành thủ úy sung Hiệp quản, Trần Sài chỉ huy khoảng 500-600 lính. Trong thời gian làm quan ở Quảng Bình, ông góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ yên bờ biển Quảng Bình; xây dựng lực lượng thủy binh thường trực sẵn sàng ứng chiến đề phòng khi bị quân Pháp tấn công. Được một thời gian, do sức khỏe ngày càng giảm sút nên ông tạm lui chốn quan trường xin về quê dưỡng bệnh sau gần 20 năm phục vụ trong lực lượng thủy binh triều Nguyễn. Về quê một thời gian thì ông mất (không rõ năm nào), được an táng tại xứ đất Bãi Dương Thượng, làng Quý Thượng (nay thuộc thôn Quý Ngọc, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).

Ngôi mộ ông hiện vẫn là mộ đất, tọa lạc trên một nổng cát thấp, xung quanh cây cối xanh tươi bao phủ. Phía trước mộ có tấm bia đá khắc chữ Hán - Nôm, cao 60cm và rộng 40cm. Nội dung tấm bia cho biết, bia được hai người cháu nội là Trần Nhị và Trần Phấn lập vào trung tuần tháng 8 năm Đinh Mão, niên hiệu Bảo Đại (năm 1927), trên bia khắc dòng chữ “Mộ hiển tổ Trần Phủ quân, nguyên chức Thành thủ úy sung Hiệp quản”...

Qua 6 đạo sắc mà tộc Trần xã Tam Phú lưu giữ đến ngày nay, có thể thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ vùng biển đảo nước ta vào những năm nửa đầu thế kỷ XIX; đồng thời cho thấy sự chú trọng phát triển, củng cố lực lượng thủy quân và tầm nhìn chiến lược của nhà Nguyễn trong việc quan tâm đến nền an ninh cõi biển và phòng thủ biển. Triều đình lúc bấy giờ đã cắt cử, cất nhắc và chọn người tài giỏi (một trong số đó là Thành thủy úy Trần Sài) để thành lập những đội phòng vệ thủy quân cáng đáng việc bảo vệ vùng biển nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

AN TRƯỜNG

.