THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT

"Thước đo" thành phố thông minh

.

Kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT) thành phố giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025, Đà Nẵng có từ 55% dân số quận trung tâm, 30% dân số quận, huyện ngoại thành tham gia mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).

Thẻ ngân hàng được khuyến khích sử dụng trong thanh toán trực tuyến hiện nay. Ảnh: TIỂU YẾN
Thẻ ngân hàng được khuyến khích sử dụng trong thanh toán trực tuyến hiện nay. Ảnh: TIỂU YẾN

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đẩy nhanh thương mại điện tử, TTKDTM là “thước đo” thành phố thông minh khi tiết kiệm quỹ thời gian, rút ngắn thủ tục, giảm chi phí kiểm đếm, in ấn cũng như minh bạch các khoản thu, chi tài chính…

Tích cực triển khai ứng dụng hỗ trợ

Ông Nguyễn Nho Túy, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Đà Nẵng thuộc Tổng Công ty Vinaphone đánh giá TTKDTM là nhu cầu cấp thiết, thúc đẩy chuyển đổi số cũng như xây dựng thành phố thông minh. Ông Túy ví von thành phố thông minh giống như một bức tranh với nhiều mảnh ghép, gồm môi trường thông minh, giáo dục thông minh, cư dân thông minh, đời sống thông minh, chính quyền thông minh, di chuyển thông minh và nền kinh tế thông minh (bao gồm thanh toán điện tử). Một phần nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa gây áp lực lớn lên hệ thống thanh toán truyền thống, nhất là khi phải xử lý các dòng tiền lớn như thanh toán dịch vụ công, các khoản tiền phạt, các loại phí, thuế, bảo hiểm…

“Việc số hóa các khoản thanh toán giúp việc xử lý tiền tệ hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn, tăng tính minh bạch và tăng hiệu quả giám sát tài chính. Đặc biệt, việc thanh toán số sẽ giảm thấp nhất nguy cơ lây lan SARS-CoV-2 và các bệnh lây nhiễm qua vật tiếp xúc, cụ thể là tiền mặt”, ông Nguyễn Nho Túy khẳng định.

Đồng hành với Đà Nẵng trong xây dựng thành phố thông minh, Tập đoàn VNPT cung cấp dịch vụ thanh toán không tiền mặt thông qua các ứng dụng thu hộ, chi hộ, ví điện tử. Cụ thể, ví điện tử VNPT Pay cung cấp các tính năng nạp tiền, rút tiền, chuyển tiền giữa các tài khoản VNPT Pay, mở rộng thanh toán hóa đơn, nạp tiền card, mua mã thẻ di động, liên hết 50 ngân hàng hỗ trợ thu hộ, chi hộ tiền điện, nước với nhiều ưu đãi so với nộp tiền mặt.

Ở tiêu chí giáo dục thông minh, việc TTKDTM giúp phụ huynh thuận tiện trong việc chi trả, giảm tải công việc tại bộ phận tài chính. Chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) cho hay, từ năm học 2019-2020, chị bắt đầu làm quen với việc thanh toán học phí cho con qua ứng dụng Sổ liên lạc điện tử vnEdu Connect. Ngoài tiện ích nhanh, gọn, dễ nhớ, tiết kiệm thời gian, những thông tin trên Sổ liên lạc điện tử cũng giúp chị thống kê, so sánh những khoản mình đã thanh toán qua từng năm học.

Được biết, đây cũng là ứng dụng được VNPT Đà Nẵng trang bị cho hơn 100 trường học tại Đà Nẵng từ năm 2019. Ở hệ thống cửa hàng bán lẻ, chuỗi dịch vụ, VNPT xây dựng mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán trực tuyến (gọi là các Merchant thanh toán) cùng với dịch vụ Mobile Money, hỗ trợ đẩy nhanh tiến trình TTKDTM mà UBND thành phố hướng đến trong tương lai.

Kế hoạch phát triển TMĐT thành phố giai đoạn 2021-2025, do UBND thành phố ban hành vào cuối năm 2020 đề ra nhiều mục tiêu quan trọng; trong đó, hướng đến năm 2025 có trên 50% dân số thành phố sử dụng TTKDTM; 100% các giao dịch mua hàng có hóa đơn điện tử; 100% doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử; 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử...

Để thực hiện lộ trình này, thành phố giao các Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Quản lý thị trường xây dựng nền tảng mã định danh, xác thực điện tử cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời tích hợp, kết nối mã bưu chính hộ gia đình do Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng trên cơ sở dữ liệu nhân khẩu, phục vụ trả kết quả thủ tục hành chính qua bưu chính và hỗ trợ TMĐT thành phố; cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 3 trở lên đối với thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh và đầu tư, các thủ tục khác liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ số.

Ngoài đẩy mạnh hình thức mua sắm, thanh toán trực tuyến, thị trường TMĐT được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác kiểm tra, bảo đảm công bằng, minh bạch nghĩa vụ tài chính giữa các trang TMĐT.

Theo ông Nguyễn Nho Túy, VNPT có lợi thế khi tham gia cùng Chính phủ trong việc số hóa hoạt động thanh toán, cung cấp hệ sinh thái công nghệ thông tin ở nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục, khối hành chính công, cơ sở dữ liệu trên nền tảng lõi AI, Bigdata.

Chủ động trang bị các biện pháp bảo mật

TTKDTM tăng trưởng khá nhanh qua tần suất sử dụng ví điện tử, chuyển khoản online và mã QR. Để tăng sức cạnh tranh, các nhà cung cấp công nghệ thanh toán không tiếp xúc cũng tăng cường tính bảo mật, như thanh toán bằng mã QR Code, mã hóa thông tin thẻ. Đơn cử, các ứng dụng của Sacombank trên điện thoại di động tích hợp thêm giải pháp đăng nhập bằng vân tay, khuôn mặt, mống mắt, cho phép khách hàng tự lấy mã OTP sau khi đăng nhập ứng dụng. Trong khi đó, HDBank sử dụng giải pháp định danh khách hàng trực tuyến eKYC, nhận dạng người dùng qua sinh trắc học, SMS OTP, HDBank OTP với tính năng bảo mật 2FA (xác thực 2 yếu tố) nâng cao...

Thạc sĩ Mai Xuân Bình, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Duy Tân cho rằng, mục tiêu của chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính là người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận, sử dụng an toàn, thuận tiện các dịch vụ tài chính. Từ năm 2018, Đà Nẵng bắt đầu sử dụng chính thức Cổng thanh toán trực tuyến phục vụ các dịch vụ hành chính công, nhiều doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh đã tận dụng công nghệ để cung cấp cho khách hàng những phương thức thanh toán khác nhau. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng đưa ra một số chương trình ưu đãi nhằm thúc đẩy nhu cầu sử dụng dịch vụ TTKDTM của khách hàng, ví dụ ngân hàng có chương trình miễn phí mở thẻ, phí thường niên, phí chuyển khoản, được hoàn một phần tiền khi thanh toán qua ví điện tử…

Để đẩy nhanh lộ trình TTKDTM, theo ông Bình, Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, tạo cơ sở để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoạt động. Ngược lại, đơn vị cung ứng dịch vụ cần cung cấp đầy đủ thông tin cho người dùng như thuận lợi và những rủi ro có thể xảy ra. Về phía người dùng cần chủ động trang bị kiến thức về dịch vụ thanh toán trực tuyến, vì đây là xu hướng phát triển, phù hợp với xã hội hiện đại.

Trong khi đó, ông Nguyễn Nho Túy cho biết, đơn vị đang nỗ lực để các giao dịch của khách hàng được thực hiện trong môi trường số có tính bảo mật tốt nhất. Điều này không chỉ quan trọng đối với uy tín của VNPT khi phục vụ khách hàng, mà còn là sự cam kết với các đối tác VNPT Pay. Ở mức độ cao hơn, đây còn là trách nhiệm của VNPT đối với quốc gia khi đồng hành với Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong công cuộc chuyển đổi số.

“Vừa qua, hệ sinh thái thanh toán số VNPT Pay của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT chính thức được cấp chứng chỉ bảo mật quốc tế PCI DSS 3.2.1 sau khi vượt qua 12 nhóm tiêu chuẩn khắt khe của Hội đồng Tiêu chuẩn Bảo mật. Khi sử dụng các phần mềm, ứng dụng thanh toán trực tuyến, người dân cần lưu ý không gửi OTP, username/mật khẩu cho người lạ, không click vào các đường link lạ gửi qua SMS, đặt mật khẩu đủ mạnh theo hướng dẫn của nhà cung cấp dịch vụ, thiết lập thêm các biện pháp bảo mật/xác thực chặt chẽ hơn với các giao dịch có giá trị lớn. Đồng thời nên cân nhắc sử dụng ứng dụng (App) và số điện thoại nhận OTP trên 2 thiết bị/điện thoại khác nhau”, ông Túy khuyến cáo.

"Khi sử dụng các phần mềm, ứng dụng thanh toán trực tuyến, người dân cần lưu ý không gửi OTP, username/mật khẩu cho người lạ, không click vào các đường link lạ gửi qua SMS, đặt mật khẩu đủ mạnh theo hướng dẫn của nhà cung cấp dịch vụ, thiết lập thêm các biện pháp bảo mật/xác thực chặt chẽ hơn với các giao dịch có giá trị lớn. Đồng thời, nên cân nhắc sử dụng ứng dụng (App) và số điện thoại nhận OTP trên 2 thiết bị/điện thoại khác nhau"

Ông Nguyễn Nho Túy, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Đà Nẵng,
thuộc Tổng Công ty Vinaphone

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.