Với sự hỗ trợ của nhà trường và Thành Đoàn Đà Nẵng, nhiều sinh viên tiếp cận nghiên cứu khoa học và có nhiều đề tài ứng dụng vào thực tiễn. Điều này không chỉ giúp sinh viên phát huy đam mê sáng tạo mà còn góp phần tạo ra những sản phẩm thiết thực và hữu ích cho cuộc sống.
Sinh viên và giảng viên Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tặng máy rửa tay sát khuẩn cho Ban quản lý chợ Cồn. Ảnh: Đ.H.L |
Sáng chế nhiều sản phẩm ưu việt
Chung tay cùng thành phố trong cuộc chiến chống Covid-19, thời gian qua, sinh viên các trường đại học (ĐH) thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng đã nghiên cứu, sáng chế nhiều sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích như: Máy đo thân nhiệt từ xa, robot vận chuyển nhu yếu phẩm phục vụ khu cách ly, máy rửa tay sát khuẩn tự động, robot diệt khuẩn bằng tia UV, buồng khử khuẩn tự động…
Điển hình, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm và Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật đã chế tạo, chuyển giao ứng dụng thực tế máy rửa tay sát khuẩn tự động cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố phục vụ công tác phòng, chống dịch. Hầu hết các máy rửa tay sát khuẩn có cấu tạo đơn giản gồm: hệ thống cảm biến, vòi phun và bình đựng dung dịch nước sát khuẩn. Để lấy dung dịch sát khuẩn, người dùng chỉ cần đưa lòng bàn tay vào dưới vòi phun (không tiếp xúc thiết bị), hệ thống cảm biến tự động được kích hoạt sẽ phun một lượng dung dịch vừa đủ vào tay người cần rửa.
Điển hình là máy rửa tay sát khuẩn tự động của nhóm “BK Maker” gồm 4 sinh viên Nguyễn Văn Thuần, Nguyễn Đắc Quy, Phan Ben và Phan Thị Mai dưới sự hướng dẫn của TS. Ngô Đình Thanh, giảng viên khoa Điện - Trường ĐH Bách khoa phối hợp với bác sĩ Phan Hữu Phước - Bệnh viện Đà Nẵng - có nhiều tính năng ưu việt, kích thước nhỏ gọn, dễ sử dụng.
Mới đây, một nhóm sinh viên khoa Cơ khí - Trường ĐH Bách khoa phối hợp với giảng viên nghiên cứu, sáng chế thành công cabin chở bệnh nhân Covid-19 trong khu cách ly của bệnh viện. Đây là cabin áp lực âm nên khi di chuyển sẽ không phát tán virus ra bên ngoài. Cabin được trang bị đầy đủ thiết bị phun khử khuẩn, bình oxy, đèn cảnh báo, di chuyển dễ dàng bằng xe máy điện hoặc kéo tay với hệ thống cơ khí linh hoạt và có thể chở được tải trọng hơn 100kg.
Chia sẻ về sáng chế mới này, Thạc sĩ Đặng Xuân Thủy, giảng viên khoa Cơ khí - Trường ĐH Bách khoa cho biết: “Vì trong bệnh viện không thể sử dụng các xe ô-tô lớn, xe cứu thương để chở bệnh nhân nên sản phẩm này có thể chở được những bệnh nhân nghi mắc Covid-19 cũng như những bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm. Khi đưa bệnh nhân lên cabin có thể chở đến các khu khác trong bệnh viện và vào tận trong phòng”.
Sau khi cabin được đưa vào sử dụng tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, bác sĩ Lê Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế quận, đánh giá chiếc cabin giúp thuận tiện trong quá trình vận chuyển bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19 ở khu cách ly tới các khoa đối với bệnh viện có khoảng cách các khoa cách xa nhau. Ngay cả bệnh nhân đã xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vẫn được vận chuyển đi trong nội bộ bệnh viện mà không sợ lây nhiễm ra bên ngoài.
Phát huy tính sáng tạo
Cùng với những sáng chế phục vụ công tác phòng, chống dịch, thông qua các cuộc thi do Thành Đoàn cùng Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức, nhiều sinh viên đã phát huy tính sáng tạo, đưa ra nhiều ý tưởng hay, có tính thực tiễn cao. Điển hình nhất là cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên, sinh viên”. Có thể kể đến dự án “Autolau - Thiết bị lau kính tự động” và dự án “Khẩu trang làm từ bả mía” của nhóm sinh viên Trường ĐH Duy Tân, dự án “Chế phẩm Bio-Pro xử lý phụ phẩm công nghiệp sản xuất tôm” của nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng…
Chia sẻ về “Autolau - Thiết bị lau kính tự động”, sinh viên Nguyễn Trường Huy, trưởng nhóm dự án cho biết, ý tưởng này xuất phát từ việc các bạn nhận thấy trên thị trường chưa có thiết bị lau kính tự động mà chỉ mới có thiết bị hút bụi. “Việc vệ sinh các mặt kính là điều khá phức tạp, đòi hỏi người làm phải khéo léo. Rào cản với họ là độ cao và không dễ bám khi đi lên mặt kính. Thiết bị lau kính tự động sẽ cung cấp giải pháp an toàn cho người lao động, giải phóng sức người, giảm chi phí thuê nhân công trực tiếp cho doanh nghiệp. Cũng nhờ thực hiện dự án này mà chúng em được rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học, đồng thời nắm rõ mô hình phát triển kinh tế của một dự án để phát triển sản xuất kinh doanh”, Huy giải thích.
Trong khi đó, sinh viên Trần Vĩnh Phúc (Trường ĐH FPT Đà Nẵng) chia sẻ, thời gian qua, nhóm em tham gia một dự án trong chương trình F-Shark do trường tổ chức liên quan đến Start up. Dự án của nhóm Phúc chọn nghiên cứu nền tảng web về môi giới tư vấn đầu tư tài chính bởi đây là một lĩnh vực đang “hot” và có xu hướng phát triển trong tương lai. Nền tảng web này sẽ kết nối những chuyên gia tư vấn và những nhà đầu tư lại với nhau. “Qua cuộc thi Start up của chương trình F-SHARK, chúng em được học thêm nhiều kỹ năng về Graphic Design, đặc biệt là ở UI/UX Design. Bên cạnh đó, chúng em cũng học thêm nhiều điều thú vị ở các mảng khác như tài chính, kinh doanh, cũng như cách một nền tảng vận hành như thế nào”, Trần Vĩnh Phúc nhấn mạnh.
TS. Đường Thị Liên Hà, Phó trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) cho biết, ngày nay, sinh viên nghiên cứu khoa học mang tính trải nghiệm cao. Từ năm 1, các em đã có cơ hội theo đuổi một dự án nghiên cứu gắn với một doanh nghiệp cụ thể. Khi tham gia nghiên cứu, các em được nhận 3 sự hỗ trợ: Sự hướng dẫn của giảng viên tham gia dự án thực tế, được trải nghiệm khi đưa dự án ra thị trường; tham gia các lớp học định kỳ về tăng cường phương pháp nghiên cứu khoa học cho sinh viên; sử dụng phòng nghiên cứu và nguồn dữ liệu của Tổng cục Thống kê. Vì vậy, hằng năm có nhiều sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Riêng năm 2020, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng có 1.400 sinh viên nghiên cứu khoa học với 360 đề tài, đạt nhiều giải thưởng cấp bộ và cấp thành phố, điển hình như giải Nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ về tăng cường hiệu quả truyền thông trên Internet ứng dụng hai dịch vụ ăn uống và taxi công nghệ; giải Nhất Giải thưởng kinh tế lượng của Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam; giải thưởng cấp thành phố về hệ thống quản lý thông tin các website khách sạn…
Tuy nhiên, cũng theo TS. Đường Thị Liên Hà, do áp lực học tập và công việc nên một số sinh viên gặp khó khăn trong việc định hướng ban đầu khi tham gia nghiên cứu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hiện nay chưa mặn mà với việc đưa các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên vào ứng dụng thực tế. Ngoài ra là việc thiếu nguồn quỹ đầu tư cho nghiên cứu, nguồn cơ sở dữ liệu chưa đáp ứng nhu cầu. Do đó, vai trò của khoa và giáo viên hướng dẫn rất quan trọng. Các em được nhà trường phân công giáo viên hướng dẫn suốt 9 tháng và truyền lửa cho các em niềm đam mê nghiên cứu khoa học; đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ tài chính từ nguồn quỹ theo quy chế chi tiêu nội bộ và mở rộng kết nối với doanh nghiệp. Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng đã kết nối 10 doanh nghiệp trong lĩnh vực IT và các dự án quốc tế, Sở Khoa học và Công nghệ để có thêm nhiều kênh thông tin cho sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học.
"Hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ tương đối nhiều, quy mô sản xuất kinh doanh còn nhỏ nên chưa chú trọng việc ứng dụng các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên. Bên cạnh đó, việc truyền thông kết quả nghiên cứu khoa học đến cộng đồng doanh nghiệp chưa tốt. Do đó, cần sự nỗ lực rất lớn của cả người nghiên cứu lẫn người ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn vì cần có thời gian. Tuy các dự án tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên, sinh viên” chưa hoàn thành nhưng gợi mở nhiều ý tưởng hay và cần có thời gian để thực hiện. Để tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu khoa học, thời gian qua, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đã ký hợp tác toàn diện với Tổng cục Thống kê trong việc cung ứng dịch vụ; đồng thời khuyến khích các em nuôi dưỡng niềm đam mê để sau khi đi làm, tích lũy nhiều kinh nghiệm quý giá sẽ quay trở lại phát triển ý tưởng của mình thành hiện thực” PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG