Về nhà

.

Những ngày tháng 7 này, Thành phố Hồ Chí Minh có những trận mưa to nhưng không khí vẫn nóng với những con số trong bản tin của Bộ Y tế về tình hình Covid-19. Đúng lúc này, chúng tôi - những người con của Đà Nẵng nhận được tin Đà Nẵng sẵn sàng giang rộng vòng tay yêu thương đón những đứa con xa quê muốn về nhà. Ngày 21-7, hơn 600 bà con đồng hương Đà Nẵng tại Thành phố Hồ Chí Minh được bố trí về quê trên 3 chuyến bay lúc 10 giờ, 14 giờ và 18 giờ.

Về nhà. Có từ nào êm ấm mà ngân nga hơn thế? Lúc nhận được tin Đà Nẵng đón công dân trở về, chúng tôi nhanh chóng gửi cho nhau bức thư của UBND thành phố Đà Nẵng. Thông tin cứ thế lan xa kèm những dặn dò, hướng dẫn cùng lời động viên...

Những người con xa quê, ai chẳng muốn lập nghiệp thành công hoặc có cuộc sống đủ đầy để lo cho bản thân và gia đình. Những người con xa quê - họ có thể là những doanh nhân hay thành đạt ở những ngành nghề khác. Họ có thể là những công nhân, sáng 6 giờ ra khỏi nhà, chen chúc trong dòng người đông nghẹt để đến nơi làm đúng giờ. Khi về đến nhà đã 21, 22 giờ sau buổi tăng ca. Bữa sáng có khi chỉ củ khoai, trái bắp hay ổ bánh mì. Nhưng có hề gì khi cuối tháng, lương lãnh được đủ chi tiêu và có thể dành dụm chút ít.

Họ có thể là những người lao động tự do, người có cái quán be bé bán vài món quê nhà, gặp người khách nói giọng khê nồng xứ mình thì thấy thân quen, chuyện trò thăm hỏi...

Họ có thể là người thức dậy lúc 3 giờ, đến chợ đầu mối lấy một xe rau củ quả và đi bán dạo khắp phố phường. Một ký rau củ lời được năm, bảy ngàn đồng, trừ tiền xăng, hao hụt thì chẳng còn bao nhiêu nhưng tích tiểu thành đại, gom góp chắt chiu đủ nuôi gia đình.

Những ngày Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống Covid-19, người ta chia cho nhau miếng thịt, con cá gửi từ quê vào, gọi vui là “hàng cứu trợ”. Dăm ngày, một tuần còn trụ được, thôi thì tằn tiện tiết kiệm, ngày ba bữa còn hai cũng không sao. Nhưng sau đó thì sao khi Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp?
Đầu tiên là thông báo hỗ trợ của các hội đồng hương. Những cái tên Hòa Vang, Cẩm Lệ, Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Liên Chiểu... bỗng trở nên gần gũi lạ kỳ cùng với những lời chối từ khe khẽ, nhường nhau suất về nhà: “Anh/em còn trụ được, xin được nhường người khác!”.

Nối tiếp sau đó là thông báo những người con xa quê sẽ được về nhà trên những chuyến xe tình nghĩa khiến mọi người vui mừng. Vui đó nhưng vẫn phải đắn đo bấm đốt tay tính toán. Đó là trước khi về phải xét nghiệm, về rồi phải cách ly tập trung. Như hiểu được nỗi lo, những cánh tay thiện nguyện lại nối dài; nghĩa cử của các doanh nghiệp, cá nhân chia sẻ kịp thời để những người con xa quê được trở về bằng máy bay miễn phí, được bố trí cách ly tại 5 khách sạn trên địa bàn thành phố.

Suốt mấy ngày, tôi vui theo niềm vui chung, niềm vui này nhẹ nhàng nhưng mãnh liệt, cứ âm thầm dịu dàng bủa vây tôi bởi hai tiếng “Về nhà”. Những ngày này, câu được nói nhiều nhất có lẽ là Đà Nẵng nghĩa tình, thành phố đáng sống...

Đà Nẵng giang tay ôm những đứa con xa vào lòng, giúp Thành phố Hồ Chí Minh giảm tải nhưng lại choàng gánh nặng lên vai mình. Có thêm khu cách ly nghĩa là có thêm nhân viên chăm sóc y tế, thêm người làm công tác giữ gìn an ninh, bảo vệ, phục vụ... Có nhiều người cha phải xa gia đình, có nhiều người mẹ xa con nhỏ vì nhiệm vụ, vì lương tâm. Có những người con gửi cha mẹ già của mình cho anh chị em, hàng xóm láng giềng, còn mình lại bận tâm bởi những người xa lạ... Mắt nào nhìn thấy hết những tấm lòng, tai nào nghe hết những thiết tha, tim nào chứa hết được những rung động và lời nào kể hết những biết ơn?

Tôi là một trong số những người ở lại vì lý do riêng, nhưng có lẽ từ nay, khoảng cách một nghìn cây số giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng không còn xa xôi nữa. Có quê hương làm điểm tựa, có những người lạ hóa thân quen. Chúng tôi - những người con xa quê - bỗng thấy tự tin hơn, ấm áp hơn và mạnh mẽ hơn.

Rồi dịch sẽ tan bởi lòng người gắn kết. Màu xám u ám sẽ bị màu đỏ trong tim đẩy lùi xa. Ngày ấy sẽ sớm đến thôi, và chúng tôi - những người chưa lên những chuyến máy bay nghĩa tình hôm nay - sẽ tiếp tục có những chuyến bay nghĩa tình ngày mai.

Nhà luôn là nơi bình yên. Không có gì ấm áp, thân thương hơn hai tiếng “Về nhà”. Bởi lẽ, nhà là nơi đang neo đậu trái tim mình.

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH

;
;
.
.
.
.
.