Đà Nẵng cuối tuần

Về nhà nha anh!

05:49, 25/07/2021 (GMT+7)

Vinh giật mình tỉnh giấc. Cậu thanh niên mặc đồng phục của quán nhậu đang lay lay vai Vinh. Loạng choạng đứng dậy đưa tay lục khắp các túi áo quần, Vinh lấy tiền thanh toán hóa đơn đang chìa ra trước mặt.

Trong bộ dạng lôi thôi, xộc xệch, Vinh rời khỏi bãi xe với tâm trạng bực tức, lẩm bẩm nói về mấy gã bạn thân, đi cùng nhau biết bao nhiêu trận mà cứ hay để quên Vinh lại.

***

Sáng nay, trước khi ra khỏi nhà, Vinh chỉn chu biết bao nhiêu.

Vinh đứng trước gương chải chuốt mái tóc cắt tỉa rất hợp thời trang, còn Thùy dẹp đống chén đũa hai vợ chồng vừa ăn sáng. Thấy vợ ở luôn trong bếp, Vinh càu nhàu hỏi Thùy sao không gọi con dậy để chuẩn bị cho con đi học. Thùy vừa tranh thủ rửa chén, vừa trả lời rằng bé Su mới đi học rồi.

Bằng giọng nhát gừng, Vinh tiếp tục chải tóc và hỏi ai đón con. Khi nghe vợ nói dì Hường, người thường cằn nhằn mình về lối sống, cách cư xử với vợ con thì Vinh cau mày.

- Con mình mà cứ để người khác đưa đón là sao? Phiền hà người ta.

Thùy đi ra, tranh thủ lấy túi xách và mấy thứ vật dụng cần thiết.

- Dì Hường, dì ruột của anh chứ có phải là người ngoài đâu.

Vinh im lặng xỏ giày, nét mặt không vui vẻ. Thùy chải vội mái tóc rồi cột cao lên. Liếc nhanh nhìn khuôn mặt mình trong gương với những vết nám mờ và tàn nhan trên cánh mũi, Thùy thở dài rồi quay sang nhìn chồng.

- Chiều anh về sớm ăn với con luôn nha?

Vinh dừng tay cột dây giày, quay sang quạu vợ vì cứ dăm bữa nửa tháng lại càm ràm nhắc anh chuyện về nhà ăn cơm.

Thùy đưa mắt nhìn chồng lạ lẫm. Cô không thể tin anh lại mau chóng quên lời hứa với con gái vào tuần trước rằng sinh nhật nó, anh nhất định sẽ về sớm. Anh quên mất đã hai năm liền anh không có mặt ăn cơm cùng con trong ngày sinh nhật.

Vinh đá sầm cửa tủ giày, quát tháo Thùy:

- Đúng là đàn bà. Lúc nào cũng chỉ biết muốn, muốn, muốn. Có mỗi cái việc đi làm, rồi về chăm con, nấu ăn rồi dọn dẹp nhà cửa mà suốt ngày ca thán lải nhải.

Lời qua tiếng lại, Vinh ra khỏi nhà với vẻ mặt cau có. Anh thấy mình đúng là ngu ngốc, ước gì mình chưa vợ chưa con, vẫn là gã trai độc thân không vướng bận gì. Thích đi đâu thì đi, thích làm gì thì làm, không ai quản thúc, tự do bay nhảy. Vinh chép miệng tiếc rẻ cái thời tha hồ bay nhảy, ăn uống, hát hò với bạn bè và các cô đồng nghiệp trẻ trung tới tận nửa đêm.

Hôm nay thứ bảy, công ty chỉ làm nửa buổi. Nhóm chiến hữu của Vinh từ mấy hôm trước đã lên kịch bản trong nhóm chat với nhau những trò chơi hay ho cho ngày giải nhiệt cuối tuần.

Đồng hồ vừa điểm đúng giờ tan ca, Vinh cùng nhóm chiến hữu nháy mắt nhau ra hiệu. Họ kéo đi nhậu tăng đầu ở một hồ câu cá giải trí, rồi làm tiếp tăng hai trong phòng hát máy lạnh với những ly bia chảy tràn bất tận. Chán chê, họ kéo nhau đi tiếp tăng ba ở một quán lẩu nướng bình dân bên bờ kè một khu dân cư mới.

Vinh bắt đầu quên hết mọi thứ xung quanh, cho đến khi cậu nhân viên lay Vinh dậy thanh toán hóa đơn. Lúc này, Vinh mới nhận ra sau mỗi cuộc vui thả cửa, lần nào Vinh cũng bị bỏ ở lại với những hóa đơn tiền triệu.

***

Thùy hối hả vào nhà, tay xách lỉnh khỉnh túi đồ mà cô vừa ghé qua chợ mua để chuẩn bị bữa tối. Gần 6 giờ chiều. Thùy gọi cho dì Hường định nhờ đưa bé Su về giúp cô để tắm rửa, thay đồ mới rồi đón ba về ăn sinh nhật thì nghe tiếng dì lanh lảnh ngoài cửa.
Nhìn căn nhà còn chưa kịp bật đèn, dì Hường biết ngay thằng cháu quý hóa của mình vẫn chưa về. Dì hỏi Thùy về Vinh. Thùy chỉ biết chép miệng.

Dì Hường lắc đầu mắng Thùy nhu nhược. Dì bảo đàn ông cũng chỉ như đứa trẻ lớn xác, cái hay cái tốt thì khó học, chứ ba cái thứ hư hỏng cám dỗ thì dễ nhiễm. Rồi dì ca thán rằng ai có bản lĩnh thì không nói, chứ ông cháu quý hóa thì dì rõ như lòng bàn tay. Mọi sự đều do mẹ chồng của Thùy nuông chiều quá mức từ lúc Vinh mới lọt lòng, nên mới ra cớ sự này. Dì nói một hơi không ngừng nghỉ, nét mặt Thùy buồn buồn, chỉ biết dạ vâng cho qua chuyện.

Dì Hường để lại cặp bánh tét Trà Cuôn mà người quen của dì ở tuốt miệt Trà Vinh mới gửi làm quà rồi dặn Thùy bữa nay cứ để bé Su ở bên đó ngủ với bé Na cháu nội dì, hai đứa nhỏ cùng tuổi nên rất thích nhau, chơi với nhau từ sáng tới giờ chưa chán. Cuối tuần rồi, dì dành cho hai vợ chồng một buổi tối thảnh thơi. Liệu mà lựa lời, nói sao cho chồng từ từ thay đổi. Còn nếu cùng quá thì cứ phải mạnh tay lẫn mạnh miệng, dọa nó ôm con về nhà ngoại cho biết mặt.

Thùy chỉ cười mỉm, tiễn dì Hường về rồi quay vào bếp, tất bật với đám cá gà hành dầu mắm muối rau củ.

Thùy không phải không muốn thay đổi chồng. Hơn sáu năm làm vợ chồng với nhau thì hơn năm năm Vinh dính vào đám bạn ăn nhậu. Cô đã từng nhiều lần bày tỏ suy nghĩ, đặt tính nặng nhẹ các mối xã giao của chồng lên bàn cân. Đổi lại, Vinh càng lúc càng khó chịu, cho rằng Thùy học thói hư của mấy bà nội trợ trên các group nhảm nhí tràn lan trên mạng nên làm quá lên. Việc nhà có gì nặng nhọc đâu mà cần chồng chia sẻ. Lý lẽ của Vinh là ngày xưa, phụ nữ sinh đẻ nhiều mà vẫn thừa sức làm việc nhà phơi phơi, có như phụ nữ bây giờ hở chút là kêu ca. Ừ thì Thùy có đi làm, nhưng xác định cũng chỉ sinh một, hai đứa con thì dù có làm thêm việc nhà, chăm sóc con cái cũng chẳng có gì nặng nề, chẳng thấm vào đâu. Còn Vinh là đàn ông, ra đường phải đối mặt với bao nhiêu áp lực, từ công việc, quan hệ cấp trên, đồng nghiệp đến quan hệ đối tác, rồi công việc làm ăn nhiều lúc stress. Mà stress thì phải xả stress mới có thể làm việc tiếp tục chứ.

Cứ vậy, mỗi lần Thùy góp ý là thêm một lần hai vợ chồng bất hòa. Dần dần Thùy không còn muốn nói nữa. Thùy nghĩ, nói ra chuốc thêm bực bội thì thà im lặng làm hết việc cho xong.

Thùy mang mấy món ăn nóng hổi bày biện ra bàn rồi cũng chỉ để đó lặng im.

Điện thoại cho Vinh mấy cuộc từ chiều đều rơi vào gọi nhỡ. Thùy thở hắt ra, lấy lồng bàn úp lại mâm cơm đã tươm tất rồi vào trong bắt đầu công việc quen thuộc như đã được lập trình sẵn suốt sáu năm qua, lau chùi nhà cửa bếp núc, giặt giũ đống quần áo rồi mang phơi.

***

Bước chân liêu xiêu, Vinh cầm ổ bánh mì vung vẩy trên tay, một tay cầm điện thoại ốp vào tai, miệng nói lớn tiếng.

Giọng Vinh lè nhè, gọi cho từng người bạn để hỏi xem họ có cầm thẻ gửi xe không sau khi lục tung các túi áo quần, thậm chí bới luôn đống giấy lau lẫn lộn với đám rác thải từ thức ăn dưới đất để tìm. Bằng lái và chứng minh cũng không mang theo, Vinh đành viết giấy cam kết gửi lại xe ở quán rồi đi bộ ra đường lớn đón xe ôm.

Đám chiến hữu của Vinh lúc rủ rê nhau đi ăn nhậu hát hò nhanh nhẹn tốc hành bao nhiêu thì lúc này lại bặt vô âm tín bấy nhiêu. Điện thoại chỉ thấy những hồi tút dài. Có người bắt máy thì bằng cái giọng nhừa nhựa và một tràng ngáy o o o kéo tiếp trong vô tận.

Vinh bực bội cúp máy, định gọi cho vợ. Nhưng Vinh chợt nhớ ra mình bỏ đi ăn nhậu, giờ này mà gọi cho vợ thì sĩ diện thằng đàn ông còn lại gì. Rồi lần sau vợ lại có lý do càm ràm tiếp. Nghĩ vậy, Vinh quyết định chờ xe ôm đã đặt qua app.

Vinh ngồi xuống ghế đá, lúc này mới để ý mình đang đứng trong một hoa viên nhỏ, đèn năm ngọn tỏa ánh sáng vàng vọt xuống những khóm cây cắt tỉa tròn trịa như trái bóng lớn. Trời về khuya, nhiệt độ xuống thấp. Vinh bất giác thèm một tô canh nóng. Vinh chép miệng, mùa hè Thùy hay nấu canh chua cá lóc.

Vinh nhìn về hướng trước mặt, thầm mắng gã xe ôm công nghệ nào đó tắc trách bắt khách đợi. Vinh nhớ mấy món ăn từ trưa mà không nhớ nổi nó là những món gì. Bụng cồn cào chuỗi âm thanh sôi òng ọc. Vinh xoa cái bụng, nhìn ổ bánh mì, ánh lên chút hạnh phúc yếu ớt.

Vào đúng giây phút thấy thức ăn có giá trị biết bao với một kẻ ăn nhậu vô chừng, Vinh giật mình. Ngay bên cạnh là gã đàn ông ăn mặc tuềnh toàng ngước mắt nhìn Vinh rồi chuyển sang nhìn ổ bánh mì. Gã nhe răng cười nhăn nhở.

- Cho tui xin miếng đi.

Vinh nhìn gã trân trân.

- Ông hỏi tui hả?

- Ừ, hỏi ông.

- Thấy ông đâu phải người nghèo?

- Không nghèo. Tui chuyên đi thu mua đồ lạc xoong. Chiều giờ lo đi chở mấy chuyến hàng mệt quá, tấp xe vô đây nghỉ xíu ai dè ngủ quên tới giờ luôn. Nghe mùi bánh mì của ông mới giật mình dậy.

Vinh nhìn gã, rồi nhìn xung quanh. Vinh thở dài rồi chìa ổ bánh cho gã.

Gã chụp nhanh ổ bánh, nhai ngấu nghiến. Nhìn hình ảnh đó, Vinh bất giác hỏi.

- Sao phải ngủ ở đây vậy ông?

Gã không ngước mặt lên, tập trung tận hưởng bữa ăn miễn phí. Gã nhai thêm mấy miếng, nuốt đánh ực, cắn tiếp miếng khác rồi nói.

- Thì còn công việc, chạy về nhà thì xa nên chừng nào hết chuyến rồi về. Mà sao giờ này ông ở đây?

Ông có vợ con rồi hả? Có gia đình thì sao không về nhà? Nhìn ông trông thảm... hơn tui.

Vinh nhăn mặt.

- Thôi đi ông. Ăn ké mà bày đặt nhiều chuyện.

- Để coi, có nhà không ở, rồi cũng có ngày. Trước tui cũng có vợ con, nhưng ai biểu tui ngu, ham vui ham chơi. Đâu nghĩ gì tới vợ con, đâu ai nhẫn nhịn mà tha thứ chờ đợi mình hoài được. Tui thì giờ đứt rồi, còn ông đó, nếu còn kịp thì mau mau mà quay đầu đi, không thôi mai mốt y như tui đó. Nể tình… ổ bánh mì, tui cho ông lời khuyên kinh nghiệm.

Gã cười he he, nhét miếng bánh cuối vào miệng, chùi tay vào mông quần rồi lếch thếch đi tới chỗ dựng cái xe, leo lên nổ máy vù đi mất.

Vinh ngồi lại một mình. Những lời nói của gã khi nãy Vinh coi như tấu hài nhưng giờ lại bắt đầu dấy lên trong đầu Vinh thứ cảm giác mơ hồ. Vinh nhớ về những lời nói của vợ, những bữa cơm có ba người, những lần hai vợ chồng cười với nhau không biết từ lúc nào đang vơi dần đi cũng như số lần Vinh ăn cơm tối ở nhà ngày càng hiếm hoi. Vinh lại nhớ tới đám chiến hữu, những người nhiệt tình rủ rê Vinh đi và cũng nhiệt tình để quên Vinh lại với những hóa đơn và những cuộc gọi không người bắt máy.

Vinh nhớ những món ăn nóng hổi mà vợ cất công nấu nướng nhưng đổi lại thái độ lạnh nhạt cáu bẳn của Vinh.

Lúc này, Vinh thấy thèm một tô canh chua cá lóc.

Vinh đứng bật dậy, không cần đợi gã xe ôm vẫn còn tắc đường hay ngủ quên đâu đó.

***

Khựng lại trước cổng nhà, bên trong đèn vẫn sáng, mâm cơm vẫn trên bàn chờ Vinh và Thùy đang ngồi dựa người vào ghế.

Vinh nhìn xung quanh sân nhà. Từ khi nào những mảng tường tróc vôi được quét lại? Cái bản lề rỉ sét đã được thay mới? Bàn thờ trước sân từng bị gãy mái che ai đã sửa chữa? Và cả cái máng xối trước nhà tuần trước Vinh còn nhìn thấy ống dẫn bị bể, sao bây giờ lành lặn như chưa có gì?

Tự bao giờ anh quên mất căn nhà này luôn cần vun đắp, sửa chữa, chăm sóc và vốn là căn nhà ấm áp của anh.

Ừ thì… thỉnh thoảng có tiếng cãi vã, giận hờn. Nhưng xen kẽ với những vụn vặt đó còn có cả những bữa cơm đầm ấm chứ không phải những món nhậu ngập ngụa rượu bia, có người vợ sẵn sàng chờ đợi anh về chứ không phải những chiến hữu sẵn sàng bỏ rơi anh, có rất nhiều quan tâm lo lắng chứ không phải thờ ơ lảng tránh sau mỗi cuộc vui.

Vinh đẩy cánh cổng bước vào nhà, nhẹ nhàng đến sau lưng vợ, hai tay đặt lên đôi vai Thùy đang nghiêng người ngủ gục.

Thùy giật mình tỉnh giấc, nhìn Vinh.

- Con ngủ rồi hả em?

Thùy ngạc nhiên với thái độ của chồng nhưng vẫn nhỏ nhẹ nói hôm nay con ở lại bên nhà dì Hường với bé Na.

Vinh nắm tay vợ thì thầm.

- Mai mình tổ chức sinh nhật bù cho con nha em.

Thùy nhìn Vinh không chớp mắt. Có lẽ cô vẫn chưa thể hiểu hết những gì đang diễn ra. Không hiểu sao Vinh lại thay đổi đột ngột thái độ như vậy.

Thấy vợ có vẻ lúng túng, Vinh ngại ngùng.

- Anh xin lỗi. Lâu nay anh đã làm hai mẹ con buồn. Từ giờ sẽ không như vậy nữa.

Đồng hồ treo tường điểm 12 giờ đúng. Vinh quay về, dù muộn vẫn hơn không. Thùy mỉm cười.

Căn nhà như bừng sáng hơn dù không thêm bất cứ ánh đèn nào.

KA HUYÊN

.