Xin em khép lại nỗi buồn

.

Những ngày giãn cách.

Mỗi ngày em cập nhật tâm trạng ngổn ngang với những nỗi buồn.

Này thì buồn vì nhớ ly cà phê buổi sáng. Quán đẹp với những phù điêu nhìn phía xa xăm treo mình trên tường rêu phong. Nhạc Trịnh buồn vừa đủ để em đăng Facebook rằng đang lơ đãng cà phê một mình, có ai làm bạn cùng em.

Này thì buồn với sự cuồng chân. Bởi lẽ, em vốn quen tung tăng quán xá, gặp gỡ bạn bè. Những cuộc gặp nối nhau cùng hàng trăm mối quan hệ khác mà em tìm thấy. Cuộc sống của em vốn dĩ rộn ràng, náo nhiệt biết bao nhiêu.

Này thì nỗi buồn của em trải dài theo muộn phiền đâu đó khi em lướt Facebook và nghe người ta than vãn rằng họ cũng dày đặc nỗi buồn giữa chật chội bốn bức tường cao, giữa những dãy phố có dây giăng. Thành phố đang thực hiện giãn cách để phòng chống dịch, người dân được khuyến cáo ở trong nhà nên những con phố cũng như em, buồn hắt hiu.

Nhưng nỗi buồn của em bé nhỏ phải không?

Khi những bạn bè em, họ đang căng mình ở các chốt phòng chống dịch. Đêm như ngày, mắt đỏ au sau tấm chắn giọt bắn để làm nhiệm vụ kiểm soát các phương tiện ra vào thành phố, hay việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch. Giữa cơn mưa trắng trời, co cụm vào nhau, giữ ấm dưới mái bạt che tạm bợ. Họ chẳng có thời gian để buồn. Sau chiếc khẩu trang có lẽ vẫn là nụ cười. Sau tấm chắn giọt bắn vẫn là ánh mắt lạc quan...

Khi những người em quen, họ đang vận động từng ký gạo, từng thùng mì tôm, từng chai nước uống, từng mớ rau để hỗ trợ cho những khu vực đang phải thực hiện phong tỏa cứng để phục vụ công tác truy vết, hay để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. Ở những nơi phong tỏa cứng, tiếng họ vọng trong loa tay từ sáng đến chiều rằng bà con ở yên trong nhà, mọi việc đã có chúng tôi.

Khi những bác sĩ, điều dưỡng ở tuyến đầu, họ gồng mình trong cuộc chiến khắc nghiệt này. Mồ hôi đẫm ướt lưng áo vì bộ đồ bảo hộ quá nóng, mắt tấy đỏ vì tiếp xúc với hóa chất quá thường xuyên. Mở khẩu trang ra gương mặt đầy vết hằn. Họ vừa là bác sĩ, điều dưỡng, vừa là người thân chăm sóc cho những bệnh nhân Covid-19. Họ bật khóc mừng rỡ khi bệnh nhân Covid-19 mới hôm trước trở nặng, thở oxy trầy trật mà sáng nay mở mắt, vẫy tay gọi bác sĩ ơi...

Những đêm dài không ngủ. Làm gì có thời gian dành cho những nỗi buồn.

Em có thể khép lại nỗi buồn bé nhỏ của mình sau cánh cổng nhà cùng những trang sách dở dang. Chúng vẫn lặng yên phủ bụi trên giá gỗ từ rất lâu mà em từng quên mất đã nâng niu chúng. 

Hay em khép lại nỗi buồn bằng cuộc gọi cho người thân sau bao nhiêu năm bận rộn không thể còn thời gian để nhớ. Để nói lời chúc bình an.

Rồi thì pha cho cha em bình trà thơm lúc sớm mai, bù cho những ngày mải mê bị cuốn đi vì công việc và thú vui của tuổi trẻ. Hình như em quên mất rồi, cha đã không còn khỏe để dắt xe lên đoạn dốc qua bậc thềm cho em nữa đấy thôi.

Những nỗi buồn của em sẽ vơi. Phía bên kia của những đoạn dây được giăng ra, hàng ngàn người vẫn đang căng mình chống dịch để em được yên bình trong nhà. Vậy thì sao em có thể giữ mãi những nỗi buồn bé nhỏ, phải không em?

NiÊ THANH MAI

;
;
.
.
.
.
.