Ai còn nhớ cối xay lúa?

.

Thế hệ 7X và đầu 8X ở vùng quê, không ai không biết cối xay lúa. Ngày ấy, hầu như nhà nào cũng có một chiếc cối xay lúa để tiện xay xát. Cối xay lúa, đúng như tên gọi của nó, là vật dụng để bóc tách hạt lúa, tách trấu ra khỏi hạt gạo.

Trong cuộc sống hiện đại, có lẽ chẳng nhà nào ở miền quê có cối xay lúa nữa.  (Ảnh tư liệu)
Trong cuộc sống hiện đại, có lẽ chẳng nhà nào ở miền quê có cối xay lúa nữa. (Ảnh tư liệu)

Vật liệu để làm cối xay lúa gồm tre, gỗ, đất sét và vỏ trấu. Tre được chẻ nhỏ thành các nan để đan thân cối. Gỗ được cưa thành các khúc ngắn theo thớ dọc của gỗ, sao cho không bị dằm và được phơi khô để không nứt nẻ. Còn phần mặt cối, hai rãnh được làm từ đất sét trộn với trấu.

Cối xay lúa được đặt trên một cái giá có bốn chân vững chãi. Chân có thể làm bằng gỗ, hoặc đúc sẵn xi-măng. Ngoài thân cối sẽ có thêm một tay cầm làm bằng đoạn tre hoặc gỗ, dài chừng 1 mét, được đẽo thành hình chữ T. Phần cuối của tay cầm có mấu xỏ vào tai cối ở phía trên, phần còn lại được buộc dây treo lên cao để giữ vị trí ổn định của cối.

Ngày trước, một chiếc cối được làm rất công phu. Hầu hết các làng quê chỉ có một vài bậc cao niên làm được cối. Mọi người thường phong các cụ là “nghệ nhân làm cối”. Vậy nên, công việc làm cối của họ diễn ra quanh năm, hết nhà này đến nhà khác, nhưng tiền công cũng chẳng đáng là bao, chủ yếu giúp đỡ mọi người.

Đến mùa gặt, lúa phơi khô xong, người dân bắt đầu đổ vào cối để xay. Khi xay lúa, người ta đổ vào cối lượng lúa vừa phải, để sao khi xay, lúa không bị văng ra ngoài. Người xay lúa cần phải có một lực mạnh nhất định để lúa mới được quay đều, không bị nát. Vì thế, công việc xay lúa thường được các ông bố và con trai trong nhà đảm nhiệm. Song song với mỗi vòng quay đều đặn, nhịp nhàng ấy lại phát ra những tiếng kêu cút kít khá vui tai. Hồi đó, mấy anh em tôi mỗi lần thấy bố xay lúa thì lon ton chạy ra xem, chủ yếu vì thích nghe tiếng cút kít đó. Sau này nhắc lại, chị gái tôi còn ví tiếng cút kít ấy giống như một bản nhạc. Thật thú vị biết bao!

Hạt lúa từ còn nguyên, dần dần bị tróc vỏ rơi xuống vành cối hình phễu, chạy theo rãnh rồi rớt xuống cái nia đặt sẵn dưới chân cối. Tiếp đến là cộng đoạn dành cho những người phụ nữ. Công đoạn rê sàng để phân loại gạo và vỏ trấu. Gạo được đựng vào hũ sành hoặc bao tải. Còn trấu được chất ở chái bếp dùng để đun nấu hằng ngày.

Mỗi lần nhớ về cối xay lúa, tôi lại nhớ câu “Gà què ăn quẹn cối xay”. Bà tôi giải thích rằng, câu đó hàm ý chê những người hèn kém, không dám vươn xa để học hỏi, chỉ ru rú ở góc nhà, xó bếp. Bà mong mấy chị em tôi dũng cảm thoát khỏi vùng quê, ruộng đồng, nỗ lực học hành, tích lũy kiến thức, tiếp thu những cái mới, cái hay của khoa học.

Từ khi có điện, có máy xay, chiếc cối xay lúa dần bị quên lãng. Bây giờ, có lẽ chẳng nhà nào có cối xay lúa nữa. Nghề làm cối xay lúa thủ công cũng đã mai một. Công nghệ hiện đại đã tạo ra các máy xay lúa tiện lợi và nhanh chóng. Đó là điều tất yếu, phù hợp với quy luật phát triển. Tuy nhiên, có một điều không thể chối cãi, cối xay lúa không chỉ là vật dụng xay lúa bình thường mà còn là ký ức về một thời khó khăn nhưng đầy yêu thương của đa số người dân vùng quê.

ĐÀO THANH TÙNG

;
;
.
.
.
.
.