Đứng lên và đi tiếp

.

Vết thương trán chưa khô sau cú ngã ở đường chạy 1.500 mét vào buổi sáng, Sifan Hassan vẫn điềm nhiên bước vào cuộc tranh tài chung kết cự ly 5.000 mét diễn ra vào buổi tối cùng ngày. Vẻ tự tin hiện rõ trên gương mặt thiếu nữ chào đời ở Ethiopia nhưng thi đấu cho màu cờ sắc áo Hà Lan sau khi gia đình định cư ở đất nước này từ năm cô 15 tuổi. Hiệu lệnh xuất phát vang lên, guồng chân dẻo đưa cái dáng thanh mảnh của tuổi 28 âm thầm và từ tốn băng lên phía trước.

Bằng chiến thuật hợp lý của tay đua dày dặn kinh nghiệm, Hassan bức tốc ở chặng cuối, vượt lên dẫn đầu và về đích sớm nhất. Huy chương vàng về tay cô một cách xứng đáng trong sự ngưỡng mộ, tán thưởng của nhiều người, cả những đối thủ từng trực tiếp đối đầu căng thẳng ở nhiều đường chạy. “Cô ấy ở đẳng cấp khác biệt. Chúng tôi chẳng hề buồn khi xếp sau một vận động viên như thế!”, một trong các đối thủ nhận xét với giọng chân thành.

Nữ vận động viên Sifan Hassan (số 2993) ngã trên đường đua nhưng đã đứng dậy để về đích đầu tiên. Ảnh: pix11.com
Nữ vận động viên Sifan Hassan (số 2993) ngã trên đường đua nhưng đã đứng dậy để về đích đầu tiên. Ảnh: pix11.com

Lời khen có thể khiến Hassan bối rối nhưng tự cô gái hiểu điều gì làm nên cái “đẳng cấp khác biệt” kia. Ấy chính là ý chí của một vận động viên tin vào sức mình và không bao giờ đầu hàng nghịch cảnh. Đương đầu sòng phẳng với thách thức để không bỏ cuộc là tâm niệm chí cốt của Hassan, cả lúc tranh tài lẫn khi tập luyện. Hình ảnh cô gái bất ngờ ngã lăn quay sau lúc xuất phát vì va phải một đối thủ thình lình vấp té rồi tức tốc nén đau nhỏm dậy để kịp đuổi theo đường đua khiến công chúng nể phục. Càng đáng yêu hơn khi chẳng bao lâu sau đó, chính người bị thiệt vì cú vấp ngã này lại băng lên về đích trước tiên trong sự ngỡ ngàng của bao đối thủ vốn dẫn đầu ở nhiều vòng trước đó.

Đứng lên và đi tiếp! Không hình ảnh nào thuyết phục hơn khoảnh khắc đẹp từ chiếc huy chương vàng này của Hassan để sân chơi Olympic Tokyo 2020 truyền đi thông điệp nhân văn về sức mạnh tinh thần không đầu hàng số phận!

Diễn ra giữa mùa đại dịch, thông điệp giàu tính thôi thúc ấy luôn sống động ở thế vận hội kỳ này. Sky Brown, vận động viên môn trượt ván sân cũng giới thiệu với công chúng ở Công viên thể thao Ariake của Tokyo bài học giàu xúc cảm với chiếc huy chương đồng mà cô giành được sau cuộc trình diễn gian truân.

Chỉ xếp thứ ba, sau hai vận động viên Nhật Bản là Kokona Hiraki và Sakura Yosozumi nhưng Brown, với 13 tuổi 28 ngày, ghi tên mình vào trang sử mới của thể thao nước Anh với tư cách vận động viên trẻ nhất giành huy chương thế vận hội, vượt qua hai bậc tiền bối Margery Hinton (13 tuổi 43 ngày ở Thế vận hội 1928) và Cecilia Colledge (15 tuổi, Thế vận hội 1936). Nhưng nỗi rung cảm không đến từ số tuổi mà từ tình cảnh của cô gái.

14 tháng trước, Brown gặp tai nạn khủng khiếp trong lúc tập luyện ở California. Từ trên cao, tấm ván lệch khỏi đường băng ném tấm thân nhỏ bé xuống mặt sàn khiến đầu và tay cô chấn thương nặng. Trực thăng cấp cứu đưa Brown đến bệnh viện trong tình trạng mê man, ai cũng nghĩ cô khó qua khỏi. Bố cô - ông Stu Brown - khóc nấc vì hối hận khi không ngăn con gái theo đuổi môn đấu đầy bất trắc. Vậy mà như một phép màu, cô bé hồi phục diệu kỳ để từ giường bệnh trở lại với sân tập mỗi ngày. “Tai nạn năm ngoái thật rủi ro nhưng lại khiến tôi mạnh mẽ thêm lên. Tấm huy chương này với tôi chẳng khác gì một giấc mơ!”. Brown nói những lời này với khuôn mặt đầm đìa nước mắt.

“Tokyo sáng thứ Tư rồi trải qua một trận động đất với rung chấn 6 độ Richter nhưng chẳng thấm béo gì so với cảm giác kỳ lạ diễn ra ở sân Ariake, nơi hai cô bé Sky Brown và Kokona Hiraki xác lập kỷ lục mới” là ví von thú vị của một tờ báo Anh. Bài báo đăng kèm tấm ảnh năm trước Brown nằm trên giường bệnh với mắt phải sưng bầm sau lúc thoát chết nhưng miệng cười tươi với lời nhắn gửi về các bạn cùng trang lứa: “Hãy tin chính mình. Đừng bỏ cuộc!”.

ĐÌNH XÊ

;
;
.
.
.
.
.