Đà Nẵng cuối tuần

Múa rối cạn, múa rối nước

14:04, 08/08/2021 (GMT+7)

* Trong múa rối, có phải căn cứ vào môi trường biểu diễn của từng loại hình nghệ thuật mà người ta phân biệt hai loại “múa rối cạn” và “múa rối nước” hay không? (Trần Ngọc Thành, quận Thanh Khê, Đà Nẵng)

- Nếu “múa rối nước” chỉ có một loại hình duy nhất là... múa rối nước thì “múa rối cạn” bao gồm nhiều loại hình múa rối khác nhau.

Múa rối cạn, theo giải thích của trang vietimes.com.vn (trang web chuyên tin tức về du lịch và ẩm thực của các vùng miền ở Việt Nam), có nhiều hình thức biểu diễn như rối tay (thường được làm bằng gỗ), rối que, rối dây, rối bóng…

Rối tay: Ít dùng trên sân khấu, thường gặp nhiều trong các nghi lễ chùa chiền. Rối tay thường được chế tạo đầu bằng gỗ, mình khâu vải (không tay); khi điều khiển, nghệ nhân lồng bàn tay vào trong lòng khoét rỗng của đầu hoặc cầm một đoạn cán nối dài cổ.

Rối que: Rất phổ biến, có kích cỡ 30-35cm. Đầu rối que được tạc liền với mình bằng gỗ, gồm cả tóc, tai, khăn, mũ; bàn tay bằng gỗ, có thể gọt liền với cổ tay hoặc rời. Rối que không có chân, nếu cần thì tạc thêm đính ngoài; được điều khiển bằng que tre, que sắt cắm vào mình và cổ tay luồn trong áo. Trên sân khấu, nhiều quân rối dùng thêm dây mềm điều khiển phối hợp với rối que. Cũng có nơi tạo rối que có kích cỡ lớn như kiểu hình nhân, đầu và mình được đan bằng nan; thường dùng diễn thờ, xong đem đốt. Đặc biệt, đồng bào Bana tạc hình nhân khá lớn bằng gỗ dùng trong lễ bỏ mả và sau lễ thì bỏ lại trong nhà mồ.

Rối dây: Chỉ thấy xuất hiện ở vùng biên giới Cao Bằng với tên Mộc thầu hí, Slương pấtlạp. Đầu rối dây được làm bằng gỗ, mình đan bằng nan, bàn tay gỗ, bàn máy điều khiển bằng tre, dây tơ, dây gai mềm, không có chân. Rối dùng để diễn trò và tích trò. Sân khấu thường dựng trên chòi làm sẵn ở các chợ, sòng bạc…

Rối bóng: Mới được phát hiện, xưa có ở tỉnh Kiên Giang, có thể từ Campuchia truyền sang, nay không còn.

Rối mặt nạ: Mặt nạ được làm bằng giấy bồi, xốp, gỗ… được sơn vẽ theo tạo hình nhân vật, khi diễn có thể dùng tay điều khiển, hoặc đeo lên đầu người diễn.

Rối lốt: Mới xuất hiện ở Việt Nam những năm gần đây, thường là người mặc lốt nhân vật để biểu diễn.

Rối máy: Rất thông dụng cả trong đồ chơi, trò chơi lẫn sân khấu. Toàn thân được tạc riêng từng bộ phận bằng gỗ, nối với nhau bằng khớp lỏng. Thường dùng sơn để vẽ màu thay trang phục vải. Điều khiển rối bằng que, dây. Nhiều quân là trò riêng. Rối máy, ngoài việc dùng xen với rối tay, rối que, còn được chuyên dùng trong rối nước, đồ chơi trẻ em, rối diều, rối gió, rối pháo.

Về múa rối nước (còn gọi là trò rối nước), theo thông tin giới thiệu tại trang dsvhpvt.dsvh.gov.vn (Cục Di sản Văn hóa), nghệ thuật này dùng mặt nước (nên mới có tên gọi là múa rối nước!) làm sân khấu gọi là nhà rối hay thủy đình. Ở Hải Dương có 3 phường múa rối nước (tại các huyện Thanh Hà, Gia Lộc, Ninh Giang) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Các tích trò diễn của các phường thường phản ánh cuộc sống của người lao động, tái hiện những cuộc chiến đấu chống ngoại xâm... Nổi bật trong các buổi diễn của múa rối nước đều có chú Tễu. Các phường thường đi diễn tại lễ hội..., hoặc khi các quan huyện, phủ, trấn yêu cầu.

ĐNCT

.