VẮC-XIN! VẮC-XIN!

Thông tin khoa học về vắc-xin phòng Covid-19

.

Trong 6 loại vắc-xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam, có 4 loại đang được tiêm rộng rãi là AstraZeneca (Thụy Điển-Anh), Pfizer, Moderna (Mỹ) và Sinopharm (Trung Quốc).

Đồ họa: THANH HUYỀN
Đồ họa: THANH HUYỀN

Các nghiên cứu cho thấy tiêm chủng giúp cơ thể tăng cường sự bảo vệ ở cả người đã phục hồi sau khi mắc Covid-19, giúp giảm hơn 90% nguy cơ nhiễm bệnh, hoặc giảm các triệu chứng nghiêm trọng nếu chẳng may cơ thể nhiễm Covid-19. Hiện không có bằng chứng nào cho thấy việc tiêm vắc-xin Covid-19 gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi cũng như tác động xấu tới vấn đề sinh sản của cả nam và nữ.

Cơ chế hoạt động củavắc-xin Covid-19

Thông tin khoa học về vắc-xin Covid-19 do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cung cấp chỉ ra rằng, với người nhiễm SARS-CoV-2, cơ thể mất vài ngày hoặc vài tuần để sinh ra cơ chế chống lại virus. Các loại tế bào bạch cầu khác nhau sẽ chống lại quá trình lây nhiễm theo nhiều cách. Cụ thể, đại thực bào là các tế bào máu trắng hấp thụ và tiêu hóa mầm bệnh, tế bào đã chết hoặc sắp chết, chỉ để lại các phần của mầm bệnh xâm nhập, được gọi là kháng nguyên. Cơ thể xác định kháng nguyên là nguy hiểm và kích thích các kháng thể tấn công chúng.

Tế bào lympho B và tế bào lympho T (còn được gọi là tế bào ghi nhớ) là các tế bào bạch huyết bảo vệ cơ thể. Trong khi lympho B tạo ra kháng thể tấn công các mảnh virus mà đại thực bào để lại, thì lympho T tấn công các tế bào bị nhiễm bệnh trong cơ thể. Cơ chế này được tế bào lympho T ghi nhớ và nhanh chóng hành động nếu gặp SARS-CoV-2. Tương tự, khi phát hiện kháng nguyên trong cơ thể, tế bào lympho B lập tức tạo ra kháng thể chống lại chúng.

Các nghiên cứu cho thấy, vắc-xin Covid-19 giúp cơ thể có khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh Covid-19 mà không cần nhiễm bệnh. Mỗi loại vắc-xin có cơ chế hoạt động khác nhau nhưng đều cung cấp tế bào lympho T, lympho B để chống lại virus xâm nhập.

Thông thường cơ thể sản sinh tế bào lympho T, lympho B sau vài tuần tiêm chủng, nên có thể xảy ra trường hợp một người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước hoặc sau khi tiêm vắc-xin do cơ thể chưa đủ thời gian tạo ra miễn dịch. Cơ thể sau khi tiêm vắc-xin có thể gặp một số phản ứng phụ như sốt, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn..., các triệu chứng này là bình thường và sẽ hết sau vài ngày.

Các nước đang nghiên cứu và phát triển 3 loại vắc-xin Covid-19: vắc-xin mRNA, vắc-xin tiểu đơn vị protein và vắc-xin véc-tơ. Đơn cử, Pfizer hay Moderna của Mỹ được phát triển theo cơ chế vắc-xin mRNA. Cơ chế này hướng dẫn tế bào cơ thể tạo ra một “protein tăng đột biến” (loại protein được tìm thấy trên bề mặt virus gây bệnh Covid-19).

Sau khi tạo ra mảnh “protein tăng đột biến này”, tế bào sẽ chủ động phá vỡ, loại bỏ chúng. Lúc này, hệ miễn dịch cơ thể nhận ra protein này có vấn đề và bắt đầu tạo dựng phản ứng miễn dịch, tạo ra các kháng thể, giống như những gì xảy ra trong quá trình chống lại SARS-CoV-2 nếu cơ thể nhiễm bệnh. Cơ thể sẽ học được cách tự bảo vệ, chống lại nguy cơ lây nhiễm trong tương lai.

Vắc-xin mRNA là loại vắc-xin mới, bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh truyền nhiễm. Cơ chế của mRNA là không dùng virus còn sống gây bệnh, không xâm nhập vào nhân tế bào, nơi AND được lưu giữ. Chưa kể, tế bào bị phá vỡ và loại bỏ mRNA ngay khi nó hoàn thành cơ chế tự bảo vệ cơ thể.

Trong khi đó, vắc-xin AstraZeneca được tạo bởi công thức vắc-xin véc-tơ, sử dụng một virus khác (véc-tơ) để truyền hướng dẫn quan trọng đến các tế bào của chúng ta. Ngay khi được tiêm vắc-xin AstraZeneca, virus véc-tơ sẽ xâm nhập vào tế bào, sau đó dùng cơ chế của tế bào để tạo ra một mảnh vô hại của virus gây ra bệnh Covid-19. Mảnh này là một protein gai và chỉ có thể tìm thấy trên bề mặt của virus gây bệnh Covid-19.

Tiếp đó, tế bào này thể hiện protein gai trên bề mặt, kích hoạt hệ miễn dịch sản sinh kháng thể và kích hoạt các tế bào miễn dịch khác chiến đấu với thứ mà nó cho là một bệnh truyền nhiễm. Mọi cảm giác khó chịu gặp phải sau khi tiêm vắc-xin là một phần tự nhiên của quá trình, cho thấy vắc-xin đang phát huy tác dụng. Sau quá trình đó, cơ thể học được cách tự bảo vệ mình khỏi bệnh truyền nhiễm Covid-19.

Dù sử dụng virus véc-tơ trong quá trình sản xuất vắc-xin AstraZeneca nhưng các nghiên cứu cho thấy loại vắc-xin này không làm người ta mắc Covid-19 hay các bệnh truyền nhiễm khác. Đồng thời, chúng không ảnh hưởng hoặc tương tác với ADN, không trở thành một phần trong ADN con người. Các nhà khoa học tạo ra véc-tơ virus từ những năm 1970, sử dụng trong việc sản xuất nhiều loại vắc-xin, điều trị ung thư và nghiên cứu sinh học phân tử.

Hai vắc-xin Sinopharm, Sinovac do Trung Quốc sản xuất, sử dụng công nghệ virus bất hoạt và giảm động lực truyền thống đã được WHO phê duyệt. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã lấy chính các virus hoặc vi khuẩn gây bệnh đã bị bất hoạt hoặc làm cho suy yếu, bằng cách sử dụng hóa chất, nhiệt hoặc bức xạ để kích thích cơ thể tạo ra bức tường bảo vệ. Công thức này đã được các nước sử dụng để sản xuất vắc-xin cúm, bại liệt, sởi, quai bị, rubella và thủy đậu. Tuy nhiên, những loại vắc-xin sản xuất theo cơ chế này không phù hợp với người có hệ miễn dịch bị tổn thương.

Việt Nam đẩy nhanh thử nghiệm vắc-xin Covid-19

Việt Nam đang nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng 2 loại vắc-xin phòng ngừa Covid-19. Cụ thể, vắc-xin Nanocovax được Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu và phát triển từ tháng 5-2020, dựa trên công thức protein tái tổ hợp, kích thích cơ thể tạo miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 mà không cần nhiễm bệnh.

Theo đó, thay vì sử dụng toàn bộ mầm bệnh, vắc-xin này sử dụng những mảnh kháng nguyên vô hại (protein) của vi sinh vật để kích thích tạo đáp ứng miễn dịch phù hợp. Các nhà khoa học Việt Nam đã dùng đoạn gene của virus mã hóa, tạo ra gai protein S giả giống y hệt gai trên SARS-CoV-2, sau đó thu hoạch, tinh sạch làm nguyên liệu sản xuất vắc-xin. Đây là loại vắc-xin đầu tiên do Việt Nam sản xuất được thử nghiệm trên cơ thể người.

Trước khi được Bộ Y tế phê duyệt cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên 13.000 tình nguyện viên vào ngày 11-6, Nanocovax đã hoàn thành các mũi tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, giai đoạn 2 cho 560 tình nguyện viên, trong đó có 109 người trên 60 tuổi (đây là lứa tuổi dễ tổn thương, nhạy cảm với bệnh, nếu mắc bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn nhóm trẻ) và người nặng cân nhất tham gia là 98kg.

Được biết, quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được chia 2 giai đoạn, tiêm trước cho 1.000 tình nguyện viên, nếu kết quả tốt, Chính phủ sẽ phê duyệt, cấp phép, cho tiêm chủng rộng rãi. Kết quả qua 2 lần thử nghiệm lâm sàng cho thấy, cơ thể 100% tình nguyện viên đều sản sinh miễn dịch tốt, tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt 99,4%. Dự kiến Nanogen sẽ hoàn thành việc thử nghiệm giai đoạn 3, sử dụng vắc-xin Nanocovax vào tháng 9-2021.

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, sau khi hoàn thành 3 mũi tiêm, vắc-xin Nanocovax có thể đạt hiệu quả bảo vệ khoảng 90%. Hiện Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen có thể sản xuất 50.000 - 100.000 liều/mẻ (tương đương 20-30 triệu liều/năm) và tăng dần lên tới con số 100 triệu liều/năm để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Vắc-xin ARCT-154, sản xuất theo công nghệ mARN đầu tiên của Việt Nam, do Công ty CP Công nghệ sinh học VinBioCare (thuộc Tập đoàn VinGroup) nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Mỹ đang hoàn tất các thủ tục để tiến hành thử nghiệm lâm sàng lần 1 cho 100 tình nguyện viên tại Trường Đại học Y Hà Nội.

Đối tượng chọn tiêm thử nghiệm là người lớn khỏe mạnh, không có bệnh nền và không phải sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị nào thường xuyên. Người tình nguyện được sàng lọc, xét tuyển vào nghiên cứu, nếu đạt yêu cầu sẽ thực hiện tiêm 2 mũi vắc-xin cách nhau 28 ngày.

Vắc-xin ARCT-154 là loại vắc-xin chứa RNA tự nhân đôi, có thể phòng, chống biến thể Delta. Các nghiên cứu sẽ được thực hiện cả 3 giai đoạn ở Việt Nam ở người tình nguyện trên 18 tuổi.

TIỂU YẾN 

(Theo WHO, Bộ Y tế, Trung tâmKiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng)

;
;
.
.
.
.
.