VỮNG TIN VƯỢT QUA MÙA DỊCH

Giữ lửa yêu thương

.

Người Việt có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Nếu đàn ông nắm giữ vị trí trụ cột, gánh vác kinh tế thì phụ nữ chính là người khơi nguồn và giữ lửa hạnh phúc. Trong thời điểm dịch bệnh, người phụ nữ càng thể hiện vai trò làm vợ, làm mẹ để gia đình thực sự là bến đỗ yêu thương.

Là người
Là người "giữ lửa yêu thương", phụ nữ cần biết cách tạo ra các hoạt động hoặc trò chơi gia tăng tính kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Ảnh: THANH TÌNH

1. Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Hồng Nhung, giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Phó Giám đốc chuyên môn Công ty Nghiên cứu và Tham vấn tâm lý Family cho rằng, hầu hết những mâu thuẫn trong gia đình thường xuất phát từ sự bất hòa của người lớn. Khi chưa xảy ra Covid-19, mỗi ngày bố mẹ, con cái chỉ gặp nhau khoảng 1-2 giờ vào buổi trưa và nhiều nhất vào buổi tối. Nhưng nay hầu như ngày nào các thành viên trong gia đình cũng chạm mặt nhau, có trường hợp cả vợ lẫn chồng đều thất nghiệp ở cùng nhau 24/24 giờ. Trong tình cảnh đó, chỉ cần người vợ hoặc chồng cư xử không khéo léo thì rất dễ xảy ra mâu thuẫn.

Thạc sĩ Hồng Nhung chỉ rõ, đơn giản như có những người vợ cứ cằn nhằn chuyện chồng có thói quen “làm đâu bỏ đấy”; không ít người nhắc đi nhắc lại hàng chục lần khiến người chồng trở nên cáu gắt, bức bí.

“Gia đình tôi trước đây suốt ngày bận rộn. Kể từ khi xảy ra dịch, thực hiện giãn cách xã hội nên mọi người ở nhà nhiều hơn. Để tránh mâu thuẫn, tôi lên kế hoạch chi tiết về giờ giấc, chất lượng bữa ăn, phân công việc nhà phù hợp với mỗi thành viên. Ban ngày, tôi vừa làm việc, vừa trông con. Buổi tối, chồng chơi với con để tôi làm việc. Dịch bệnh khiến tất cả mọi người mệt mỏi, căng thẳng, nên thay vì tạo áp lực thì cần chia sẻ, quan tâm và cảm thông cho nhau nhiều hơn”, Thạc sĩ Hồng Nhung cho hay.

Ngoài công việc giảng viên, Thạc sĩ Hồng Nhung còn tham vấn tâm lý về hôn nhân - gia đình. Từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay, chị nhận nhiều cuộc điện thoại từ những người bị bạo hành, trong đó một trường hợp đã được chị hỗ trợ tư vấn là một gia đình có chồng bị mất việc do dịch bệnh. Từ khi ở nhà, người chồng trở nên ghen tuông vô cớ, ngày nào thấy vợ sửa soạn áo quần đến công ty, anh cũng tỏ vẻ khó chịu. Đến tối, người chồng có những đòi hỏi mà vợ không chịu đáp ứng thì quay ra chửi bới thậm tệ khiến người vợ đau khổ, muốn ly hôn. Những đứa trẻ trong gia đình chứng kiến bố mẹ cãi nhau cũng bị sang chấn tâm lý.

Một trường hợp khác, Thạc sĩ Hồng Nhung kể, hai vợ chồng đều mất việc do dịch bệnh. Việc ở nhà thường xuyên cùng nhau khiến cả hai dần bộc lộ những trái ngược trong tính cách: chồng quá kỹ tính, trong khi người vợ khá vụng về, hầu như việc gì người vợ làm cũng bị chồng chê bai, thậm chí la mắng nhiều lần trước mặt con cái. Người chồng còn kiểm soát cả điện thoại của vợ; bất cứ tin nhắn hay dòng trạng thái nào vợ đăng trên Facebook cá nhân, chồng đều xem và tỏ ý không hài lòng khiến người vợ xấu hổ, mất tự tin...

Để giảm áp lực, căng thẳng trong mùa dịch, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung khẳng định, không còn cách nào khác, người phụ nữ cần nêu cao vai trò là người khơi nguồn và giữ lửa yêu thương trong gia đình. “Trước hết, phải biết cách sắp xếp công việc phù hợp cho mỗi thành viên. Ví dụ, mỗi ngày mỗi người viết ra những điều mình thích, những câu nói tích cực để chia sẻ với nhau hay tạo ra các hoạt động, trò chơi tăng kết nối.

Bên cạnh đó, người phụ nữ cần cho mình, cho chồng và con cái không gian, thời gian riêng để họ thư giãn, tái tạo năng lượng sau một ngày làm việc, học tập. Một điểm lưu ý nữa là người phụ nữ cần học cách nhẫn nhịn. Nhẫn nhịn ở đây không phải là cam chịu mà người phụ nữ cần biết hạ cái “tôi” trong một vài tình huống nhất định để giữ gìn hạnh phúc. Thay vì xét nét, chê bai, các thành viên trong gia đình cần hiểu và cảm thông cho nhau nhiều hơn để gia đình thực sự là tổ ấm yêu thương”, Thạc sĩ Hồng Nhung cho hay.

2. Covid-19 tác động đến từng nhà, từng người, buộc mỗi người phải tự điều chỉnh công việc cũng như tâm lý để thích ứng. Với nhiều gia đình, dịch bệnh còn là thời gian để họ hàn gắn, thể hiện sự yêu thương và bù đắp cho nhau. Trước đây, chị Trần Thị Kim Hạnh (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) ít có thời gian dành cho con cái nên những ngày làm việc tại nhà là khoảng thời gian gia đình sum vầy đầm ấm.

Chị Hạnh thổ lộ: “Khi làm việc tại nhà, mình có thể sắp xếp để vừa hoàn thành công việc, vừa làm việc nhà cũng như đọc sách, xem truyền hình và vui chơi cùng các con. Trước đây, có những ngày mình đi làm về trễ, không chu toàn được bữa cơm cho gia đình, nay mình dành thời gian nấu những bữa ăn đậm vị. Khi nấu ăn hoặc làm việc nhà, chồng và các con phụ giúp tạo nên không khí vui vẻ”.

Chị Hạnh cho rằng, trải qua quá trình dài xây dựng nền nếp cho con cái trong việc học tập, sinh hoạt, cũng như ứng xử hài hòa trong mối quan hệ vợ chồng, gia đình chị mới có được không gian đầm ấm trong mùa dịch. Chị Hạnh dẫn chứng, khi con 3-5 tuổi, chị tập cho con cách qua đường; khi con 5-7 tuổi, chị dạy con đi xe đạp, tham gia giao thông hay làm công việc nhà như rửa ly tách, rau chùi mặt bàn, dọn nhà vệ sinh…; khi con học hết lớp 5, chị dạy con nấu ăn và đi chợ, chỉ qua một mùa hè các con của chị có thể tự tay chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà.

“Điều quan trọng là mình phải tin tưởng con, đồng hành với con. Khi con làm được, mình rút dần vai trò của mình ra để con nâng cao kỹ năng sống. Việc bày dạy, huấn luyện con phải dùng cả trí tuệ, tình thương và sự kiên trì. Trong mối quan hệ vợ chồng, trước đây, thi thoảng vì áp lực công việc, mình cáu gắt thì nay tình trạng này không còn nữa. Mình nhận ra rằng phụ nữ không nên quá kiểm soát, điều khiển chồng; thay vào đó là dành thời gian cho mình bằng cách làm việc, đọc sách, chăm chút nhà cửa hoặc làm những gì mình yêu thích”, chị Hạnh chia sẻ.

Với chị Phạm Thị Thu Hà (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), khi thực hiện giãn cách xã hội, vợ chồng chị lên kế hoạch ngay sao cho vừa có thời gian làm việc, vừa nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Cả chị và chồng đều xa quê, đến Đà Nẵng sinh sống và lập nghiệp, hầu hết mọi việc hai vợ chồng phải tự xoay xở, sắp xếp, nhất là việc chăm sóc, dạy dỗ hai con.

“Mùa dịch là lúc người phụ nữ càng phải thể hiện vai trò gắn kết gia đình bởi cha mẹ hạnh phúc, con cái tự khắc cũng biết yêu thương. Mọi khó khăn trong nhà đều trở nên nhẹ nhàng khi các thành viên biết san sẻ, xem đó là việc chung, quên đi tâm lý mệt mỏi trong những ngày xảy ra dịch”, chị Hà bộc bạch.

3. Theo bà Trần Thị Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật và Hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài Đà Nẵng; Phó ban Tuyên giáo - Chính sách Pháp luật, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng, Covid-19 xảy ra đã tác động lớn đến đời sống mỗi một gia đình: Con cái nghỉ học, vợ/chồng phải làm việc tại nhà hoặc thay phiên nhau ở nhà chăm sóc con. Ngoài ra, người lao động còn đứng trước nguy cơ mất việc làm tạm thời hoặc nghỉ việc hẳn, áp lực đè nặng khiến họ bức bối, nhiều gia đình xảy ra hiểu lầm, cãi vã, thậm chí xảy ra tình trạng bạo lực.

Thống kê của Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài Đà Nẵng cho thấy, từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 7-2021, Trung tâm đã tư vấn 40 trường hợp về lĩnh vực hôn nhân, gia đình, trong đó 20 trường hợp bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

“Trong thời điểm dịch bệnh, người phụ nữ cần lên phương án điều chỉnh kế hoạch chi tiêu cũng như cảm xúc phù hợp hoàn cảnh. Các chị có thể hướng dẫn các thành viên trong gia đình nấu ăn, đọc sách, xem phim, vệ sinh nhà cửa, tham gia các hoạt động thể dục thể thao tại chỗ như erobic, yoga… để vừa nâng cao sức khỏe, vừa giảm căng thẳng, rèn các kỹ năng sống tích cực”, bà Huyền phân tích.

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.