Đà Nẵng cuối tuần

Bưởi Phúc Trạch

09:12, 26/09/2021 (GMT+7)

* Vừa qua, có một loại bưởi tên là Phước Trạch xuất hiện trên thị trường Trung thu tại Đà Nẵng. Bưởi Phước Trạch được trồng ở đâu và giá trị của nó như thế nào? (Hoàng Thị Tố Mỹ, quận Hải Châu, Đà Nẵng)

Bưởi Phúc Trạch trong một cỗ Trung thu năm 2021. Ảnh: V.T.L
Bưởi Phúc Trạch trong một cỗ Trung thu năm 2021. Ảnh: V.T.L

- Tên gọi chính xác của loại bưởi này là Phúc Trạch - một sản vật nổi tiếng của vùng đất Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Bài viết “Đặc sản Bưởi Phúc Trạch - Hà Tĩnh” đăng trên hpa.hanoi.gov.vn (Cổng thông tin điện tử Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội) cho biết, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh có đến 4 xã trồng bưởi nhiều, gồm Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên. Ngoài ra, còn có 10 xã phụ cận cũng trồng loại bưởi này. Tuy nhiên, theo các nhà quản lý địa phương, bưởi được trồng ngon nhất vẫn là tại xã Phúc Trạch. Vì thế, giống bưởi này được đặt tên gọi là bưởi Phúc Trạch.

Theo bài đã dẫn, bưởi Phúc Trạch chính hiệu không lẫn với các giống bưởi khác bởi quả có hình cầu hơi dẹt, đế quả hơi lõm, bề ngang và chiều cao gần bằng nhau, cuống quả không lồi, vỏ không trơn không ráp, màu sắc vỏ quả xanh vàng, màu sắc thịt quả màu hồng nhạt hoặc màu trắng trong, khối lượng quả đạt từ 1-1,5 kg. Mỗi quả bưởi có đúng 15 múi, các múi thẳng đều. Khi bóc, tép bưởi không dính vào mu, có màu trắng trong hoặc hồng nhạt, mọng nước; ăn giòn, có vị ngọt, thanh chua và có cảm giác ngọt hậu…

Mùa bưởi Phúc Trạch chỉ kéo dài khoảng 3 tháng (7, 8 và tháng 9 âm lịch). Bưởi Phúc Trạch sống lâu năm, vài năm đầu cây cho quả tương đối thấp, nhưng từ năm thứ 6 trở đi lượng quả thu được khá ổn định từ 90-120 quả. Quả sai nhất là khi cây ở độ tuổi 11-15. Cây bưởi già trên 20 năm vẫn “giữ phong độ” năng suất quả cao, thậm chí có cây trên 60 năm tuổi vẫn bói 50-150 quả. Kinh nghiệm cho thấy, cây bưởi càng già sẽ cho quả càng ngon và ngọt đậm. Nếu tính thời gian sống và “trình độ” cho quả lâu năm thì bưởi Phúc Trạch bỏ xa các loại cây ăn quả có múi khác như chanh, cam, quýt...

Trong 4 xã trồng bưởi Phúc Trạch mà hpa.hanoi.gov.vn đưa tin nói trên, xã Hương Thủy không trồng nhiều loại bưởi này mà thay vào đó là xã Hương Đô, theo báo điện tử VietNamNet ngày 30-8-2021 trong bài “Chín vàng khắp vườn đồi, đặc sản chưa bao giờ đủ bán nay lo ế vạn quả”.

Báo VietNamNet cho biết, xã Hương Trạch được xem là “thủ phủ” của bưởi Phúc Trạch và dẫn lời ông Cao Quốc Hội, Chủ tịch UBND xã Hương Trạch, nơi có khoảng 4.700 tấn bưởi nhưng hiện tại chỉ mới tiêu thụ được khoảng 700 tấn: “Một số tỉnh, thành tiêu thụ chính như thành phố Vinh, Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... đều đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16. Do đó, khâu vận chuyển gặp khó khăn”.

Bưởi Phúc Trạch nổi tiếng từ lâu. Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 23-9-2008 trong bài “Phúc Trạch, mùa bưởi lạ” đã dẫn lời ông Lê Công Lương, Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Tĩnh: “Năm 1938, bưởi Phúc Trạch đã được thưởng mề đay trong cuộc đấu xảo quả ngon toàn Đông Dương. Năm 2006, bưởi Phúc Trạch được chọn để tiếp đãi quan chức tham gia Hội nghị APEC”.

Bài báo cho biết thêm, năm 2002, bưởi Phúc Trạch được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là một trong 7 loại cây ăn quả quý hiếm cấm xuất khẩu giống. Năm 2004, bưởi Phúc Trạch được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.

ĐNCT

.