Chợ đầu mối ở Bắc Quảng Nam xưa

.

Theo tiến trình lịch sử 550 năm ở đất Quảng (kể từ khi có danh xưng Quảng Nam), sau khi làng được thành lập, tiếp theo việc khai canh, khai cư là khai thị. Đáng chú ý là hệ thống chợ đầu mối, với quá trình hình thành và phát triển, đã tạo nên dấu ấn khó quên về lịch sử, văn hóa của Bắc Quảng Nam xưa.

Cho đến những năm 50 của thế kỷ trước, vùng đất Đại Lộc bao gồm cả Hiên, Giằng (nay là các huyện: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang), nghĩa là về phía Tây biên địa của Đại Lộc xưa vừa giáp nước bạn Lào, vừa giáp các tỉnh Kon Tum, Thừa Thiên Huế. Vì vậy, Đại Lộc đã trở thành vị trí trung chuyển quan trọng trong hoạt động thương nghiệp của cả một vùng “trên nguồn - dưới biển” rộng lớn ở đất Quảng, với những hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa độc đáo ở các chợ đầu mối, như câu ca phản ánh chân thực mối quan hệ thương mại khá lâu đời, giàu tình nghĩa keo sơn giữa những “bạn hàng” ở hai vùng nguồn - biển cách trở: Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên.

Bấy giờ, người đi buôn nguồn phần lớn đi bằng đò dọc. Hàng hóa đem đến miền ngược thường là gạo, muối, cá khô, đường, đậu, tơ, vải, đồ gốm…; hoặc theo yêu cầu cụ thể của khách hàng (dặn trước). Hàng hóa đem về xuôi là những đặc sản của núi rừng: mật ong, mật gấu, xương cọp, nhung nai, ngà voi, thơm, chuối, mít, trầu, cau, mây nước, chó săn đã thuần dưỡng…

Các chợ đầu mối sầm uất thường là những chợ ở các bến đò dọc, ven các con sông lớn. Vùng đất nơi ngã ba con sông Thanh đổ vào sông Nước Mỹ, có một bãi cát bằng phẳng nằm ở phía trên thác, làm nơi đậu của ghe thuyền có tên là Bến Giằng Xay. Về sau Bến Giằng Xay được rút gọn lại còn Bến Giằng. Bến Hiên cũng là một bãi bồi rộng ở vùng đất nơi ngã ba sông Trăng chảy vào sông Con. Đầu thế kỷ XX, có một người miền xuôi lên đây vỡ hoang trồng lúa, bắp... Ghe lái buôn chở hàng từ hạ lưu lên trao đổi với miền ngược đều ghé vào đây. Bến Trầu (còn gọi là Bãi Trầu) bên sông Bung là nơi người Cơ tu gùi trầu nguồn từ trong núi ra tập trung tại đây để đổi hàng của thương lái từ dưới xuôi lên: Trầu nguồn ở tận sông Bung/ Chờ cau Đại Mỹ để cùng về xuôi.

Các bậc cao niên ở xã Đại Sơn kể rằng, Hội Khách ngày nay vốn là chợ phiên quan trọng. “Hội” có nghĩa là hội chợ, họp chợ; còn “Khách” chỉ đồng bào dân tộc thiểu số anh em từ Hiên, Giằng xuống. Các phiên chợ tại Hội Khách (căn cứ vào quy ước tính theo tuần trăng) giữa người dân tộc thiểu số và các thương lái người Kinh diễn ra trong ngày, sau đó tan ngay, trả lại sự yên tĩnh vốn có của vùng đất này. Hình thức mua và bán này tồn tại đến đầu thế kỷ XX mới chấm dứt. Đây là nét độc đáo của phiên chợ Kinh - Thượng một thời vang bóng, nay chỉ còn lại một địa danh lịch sử - văn hóa: Hội Khách.

Nằm bên tả ngạn sông Thu Bồn, địa danh Bến Dầu (trước kia thuộc tổng An Lễ, phủ Duy Xuyên; nay thuộc các thôn Tây Lễ, Mỹ Lễ, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc) là nơi tập trung nguồn hàng dầu rái được khai thác từ những cánh rừng phía tây huyện Đại Lộc và huyện Nông Sơn ngày nay. Từ đây, hàng trăm thùng dầu rái được đưa về xuôi tiêu thụ, phục vụ việc sơn trét thuyền mành, ghe bầu và cả thuyền thúng, thuyền nan. Dầu rái được nhà Nguyễn xem là sản vật quý của núi rừng phương Nam. Mục “Sản vật” trong Đồng Khánh địa dư chí đề cập các địa danh có thổ sản về dầu nước, như ở tổng An Lễ (Duy Xuyên) có dầu rái (Mãnh hỏa du).

Ở đồng bằng, ngoài việc giải quyết nhu cầu nông thổ sản của dân địa phương, các chợ đầu mối ở Bắc Quảng Nam thời xưa còn phản ánh khách quan, trung thực các hoạt động kinh tế mang tính chất hàng hóa rõ rệt. Chợ Quảng Huế là một điển hình. Nằm trên địa bàn xã Đại An ngày nay, ở vùng ngã ba sông, nơi nổi tiếng tằm dâu tơ lụa một thời, chợ Quảng Huế là “cái rốn”, là trung tâm giao lưu hàng hóa giữa Đại Lộc với Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An… và miệt nguồn bằng đường thủy. Điều này thể hiện qua câu ca mãi còn lưu truyền: Kể từ Quảng Huế xô ra/ Kim Liên, Lệ Trạch, Vân Ly, Đa Hòa…

Trong cuốn Quê nội, nhà văn Võ Quảng (quê xã Đại Hòa) phản ánh sự phong phú về hàng hóa của chợ Quảng Huế trước năm 1945 với những chi tiết khá hấp dẫn: “Mít chất thành đống, có trái to bằng cái lu. Mít nghệ múi vàng hườm. Mít dừa múi trắng bạch. Mít dai hay mít mật mùi thơm đều ngan ngát. Bí với dưa gang gánh đến hàng giỏ... Dây dừa khoanh thành khoanh. Dầu rái đựng thành gàu. Chè tươi bó thành bó. Ngô khoai vừng đỗ phơi đủ màu sắc...”.

Sự giao lưu hàng hóa giữa Đại Lộc và các địa phương lân cận như Điện Bàn tại chợ Quảng Huế cũng được ông mô tả khá rõ nét: “Bạn hàng từ Bảo An lên mua sợi đi một hàng dài, người nào cũng có một cái cân móc trên khuy áo trước ngực, trên vai vắt một khăn vuông to”. Ông còn nói : “Dù ai đã đi khắp thiên hạ, đọc hết sách vở nhưng nếu chưa đến thăm chợ Quảng Huế thì trình độ vốn hiểu biết vẫn còn thấp”.

Vượt lên tư tưởng “trọng nông ức thương” thời phong kiến, tầng lớp tư thương ở Bắc Quảng Nam xưa đã góp phần khẳng định vị thế của chợ đầu mối trong đời sống kinh tế của một xã hội nông nghiệp đóng khung trong bức tường tự cấp, tự túc. Lý giải về sự phát triển phồn thịnh của hệ thống chợ đầu mối ở đất Quảng, các nhà nghiên cứu cho rằng, điều đó dựa trên nền tảng sự phong phú, đa dạng về sản vật. Trong cuốn Phủ biên tạp lục, nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết: “Thuận Hóa không có nhiều của cải, đều lấy ở Quảng Nam vì xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải, lụa, vóc, đoạn, lĩnh, là, hoa màu khéo đẹp chẳng khác Quảng Đông (Trung Hoa - NV); ruộng vườn rộng rãi, gạo lúa tốt; trầm hương, tố hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá, muối, gỗ lạt đều sản xuất ở đấy…”.

VÂN TRÌNH

;
;
.
.
.
.
.