Có một mùa vàng trong lòng Đà Nẵng

.

Bạn mình gọi Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) là “Tây Bắc trong lòng Đà Nẵng” với tất cả yêu thương và tự hào, khi thấy mình cứ xuýt xoa mãi ngắm dãy núi rừng xanh thẳm trập trùng trước mặt, những ngôi nhà ẩn sau những ruộng đồng xanh mướt hiền hòa.

Đồng lúa chín vàng ở thôn Nam Yên nằm kề bên dòng sông Cu Đê. Ảnh: XUÂN SƠN
Đồng lúa chín vàng ở thôn Nam Yên nằm kề bên dòng sông Cu Đê. Ảnh: XUÂN SƠN

1. Mình nhớ mãi con đường làng nằm giữa những ruộng lúa mênh mông ở xã Hòa Bắc. Cánh đồng vàng ươm màu mật dưới nắng chiều dìu dịu đã níu bước chân. Mình đã đứng thật lâu trên con đường thơm lừng mùi lúa chín, gió đồng lồng lộng, mang theo hương lúa thơm nồng, quyện trong hương đất đai ngai ngái và cả hương cây cỏ ngọt lành. Chim én về đồng rất đông, chúng sải cánh bay lượn giữa đồng chiều bát ngát, tiếng líu ríu của lũ chim khiến cả cánh đồng mênh mang trở nên rộn rã.

Đồng chiều bình yên đến độ nghe được cả tiếng con chuột sành đang rột rạt nhai ngọn lá xanh mướt bên vệ đường, tiếng đập cánh thật khẽ của chú chuồn chuồn ớt đang vờn quanh mặt nước và tiếng cánh hoa xuyến chi trắng muốt rớt trên dòng kênh mát rượi. Đồng quê bao giờ cũng đem lại sự bình yên đến diệu kỳ như thế.

Bạn mình gọi Hòa Bắc là “Tây Bắc trong lòng Đà Nẵng” với tất cả yêu thương và tự hào, khi thấy mình cứ xuýt xoa mãi ngắm dãy núi rừng xanh thẳm trập trùng trước mặt, những ngôi nhà ẩn sau những ruộng đồng xanh mướt hiền hòa. Chiều rải màu nắng thật nhạt trên những mái nhà, vẽ nên một bức tranh yên ả. Mình nghe tiếng chuông nhà thờ gõ nhịp từ phía xa xa vọng lại, nhìn những làn khói xám mỏng manh là đà vươn ra từ chái bếp nhà ai, không dưng mà thấy nhớ quê da diết.

Mùa này ở quê, chắc các ngõ, đường thơm lừng mùi lúa. Nhớ những buổi trưa chang chang nắng, gò lưng đạp xe qua con đường nhấp nhô sỏi nằm bên mé đồng. Vào mùa lúa, con đường đất quanh co nhỏ xíu lúc nào cũng phơi đầy rơm rạ. Đôi chân phải cố hết sức nhấn xuống bàn đạp chiếc xe phượng hoàng cũ kỹ của mẹ. Nắng trưa gắt gỏng phủ xuống mà chẳng thổi khô được lưng áo trắng ướt đẫm mồ hôi. Và mùi rơm rạ trên con đường quê năm ấy, chẳng hiểu sao cứ vấn vương theo năm tháng thời gian.

2. Một người bạn của mình từng nói, mỗi lần thấy mệt, bạn lại tìm về với đồng, với ruộng. Đôi khi chỉ cần đi lướt qua những cánh đồng, nghe mùi mạ non ngọt lịm thoang thoảng trong gió, hay lắng nghe hương lúa chín vàng ươm trên đồng giữa một ngày chang chang nắng, có khi chỉ là mùi rơm rạ ngai ngái lúc chiều tà khi mùa gặt đã qua cũng khiến lòng bạn nhẹ nhõm. Dường như đồng quê xanh mướt bao giờ cũng dễ dàng chữa lành những vết thương.

Giống như hôm ấy, khi mình ngồi trên chiếc ghe nhỏ thả dọc dòng sông Cu Đê lúc mặt trời đang dần đi về bên kia núi, lắng nghe tiếng sóng lăn tăn vỗ mạn thuyền và nghe hương lúa theo gió chiều trên đồng xa vọng lại, thấy lòng thật tĩnh lặng và an yên trong ánh chiều tà, nghe gió vi vu lướt qua mái tóc và chậm rãi đọc từng trang sách.

Cảnh chiều nơi đây đẹp như tranh vẽ. Đưa tầm mắt nhìn theo bóng chiếc ghe đi ngược về phía núi, xa xa là đôi vợ chồng già đang mải miết mưu sinh bằng nghề chài lưới. Bóng chiều phủ lên hai tấm lưng già nua theo năm tháng, nhưng chẳng thể làm phôi phai nụ cười ấm áp của họ.

3. Trong đợt dịch này, Hòa Bắc là “vùng xanh”, cũng là địa phương duy nhất của Đà Nẵng không có ca nhiễm. Sự bình yên hiếm hoi giữa những ngày dịch bệnh dễ dàng khiến lòng người ngọt lịm. Trước đây, chỉ cần hết dịch, mình nghĩ sẽ về Hòa Bắc đầu tiên để được ngắm đồng lúa xanh mướt ôm lấy con sông hiền hòa, ngắm những mái nhà yên bình khuất sau rặng cây và được dãy Trường Sơn sừng sững phía trên kia che chở. Mình mê mẩn cả ráng chiều đỏ rực trên dòng Cu Đê lúc ngày tàn. Sự bình yên của làng quê nơi đây khiến mình nhớ mãi dù đã đi qua không biết bao nhiêu làng quê trên dải đất hình chữ S.

Nhưng bây giờ mình lại nghĩ, chỉ cần hết dịch và thấy mọi người vẫn bình an là điều hạnh phúc nhất. Giống như niềm hạnh phúc lúc mình đặt chân trên con đường làng phủ vàng ánh nắng và thơm mùi lúa hôm nào. Và sự an yên ấy như ngân dài mãi trong cơn gió đồng mát rượi lúc chiều vương.

NGỌC HÀ LÊ

;
;
.
.
.
.
.