Dưới tán cây bàng

.

Nếu không có đợt giãn cách dài ngày chống dịch từ giữa mùa hè, tôi chắc mình không cảm nhận được sự thú vị ẩn chứa trong khoảng không gian nhỏ bé đó, ngay chính nhà mình. Một góc nhỏ, quá nhỏ nữa là đằng khác - với một người ưa xê dịch, bay nhảy và thích những ồn ào, náo nhiệt…; chỉ đủ để mở cánh cửa trước phòng ngủ hướng ra con đường thường ngày người xe qua lại tấp nập. Một buổi sáng chồn chân mãi trong nhà, tôi mở cửa và bất chợt nhận ra khoảng không bé nhỏ đó. Một cái kệ, một tấm đá còn sót lại khi làm bếp, một cái ghế be bé và một chậu cây xinh xinh. Vậy là có một nơi để ngồi nhìn thời gian đi qua; vừa bảo đảm được yêu cầu về phòng dịch nghiêm ngặt của chính quyền, vừa mát mắt với khoảng không xanh xanh cho lòng vơi đi bức bối mà trải nỗi niềm chiêm nghiệm cuộc đời…

Cây bàng đã vượt qua giông bão để lớn lên, tỏa xanh những niềm tin về sự sống mỗi ngày. Ảnh: N.T
Cây bàng đã vượt qua giông bão để lớn lên, tỏa xanh những niềm tin về sự sống mỗi ngày. Ảnh: N.T

Chưa đầy một năm trước, lúc gia đình dọn tới nơi ở mới thì cơn bão tháng 10 dự báo đổ vào thành phố bên sông Hàn. Hàng xóm đề nghị chặt bỏ cây bàng “bởi mùa đông nó rụng lá bẩn lắm; lại thêm mưa bão gãy cành, đập vô hư hết nhà” - theo lời hàng xóm nói.

Thế nhưng, trước cơn bão, vài ba đơn vị chịu trách nhiệm tỉa cành đã không đến như lời hẹn. Rồi cơn bão ập vào ngay ban trưa. Gió thông thốc từ cửa biển, quần thảo trong khu dân cư, đập ầm ào trên những mái nhà, vòm cây... Cây bàng vặn vẹo theo gió; những nhánh cây vật vã, run rẩy, quằn quại trong mưa bão. Một vài nhánh bị gãy dập, xơ tướp; vết thương cứ lở dần ra. Có nhánh không chịu nổi, bị bứt lìa cây, chênh chao trong mưa gió tơi bời. Trong chòm lá xanh đang quằn quại giữa mưa gió trắng trời trắng đất đó, có những chiếc lá vừa kịp chuyển mình đỏ au để chờ mùa đông tới, gắng gượng bu bám trên cành như một sự nuối tiếc pha trộn gan lì bám víu sự sống...

Vậy rồi bão tan. Những đơn vị có trách nhiệm thu dọn sau bão bận bịu với những cây ngã đổ, cây bàng vẫn còn đứng trơ trơ ra đó. Và hàng xóm cũng quên mất lời đề nghị hôm trước. Thế rồi, thời gian cứ trôi qua mỗi ngày, cây lặng lẽ chữa lành vết thương nứt toác từ cơn bão ấy; những cành nhánh đâm chồi, những đọt non nhú mới. Khoảng hiên nhà nhỏ bé rơi rớt vài chiếc lá vàng đâu thể làm bận lòng những người chủ luôn bận bịu với bao lo toan cuộc sống bộn bề...

Cho đến một hôm, cơn dịch tưởng chừng bị lãng quên mùa trước bỗng trở lại, tàn bạo và khốc liệt do đã biến chủng mạnh hơn, lây lan nhanh hơn. Vậy là cả thành phố bị phong tỏa, “ai ở yên nhà nấy”. Những ngày tháng sợi dây trắng đỏ chăng đầy bức bối trước cửa, chồn chân trong căn nhà chật chội, tôi bỗng nhận ra góc nhỏ trên căn gác với cánh cửa mở ra dưới tán cây bàng. Và nhặt nhạnh, gom góp những điều mình bỏ quên đâu đó trên con đường rong ruổi bao tháng ngày qua... 

Ngồi nhìn ra tán cây bàng, tôi nghĩ về cơ duyên mà nó ở lại đó, để chở che cho ngôi nhà trong những ngày thành phố bước vào cơn nóng khốc liệt, nóng đến rệu rã cả suy nghĩ và cảm xúc. Những cành cây vững chãi, những chiếc lá xanh to bè chìa ra đỡ lấy cái nắng hè oi ả, thả những giọt dịu mát vào lòng người. Những ngày ngồi lặng im suy tư cùng thành phố “đứng yên” chống dịch, từ góc nhỏ dịu dàng, mới nhận ra những đóa hoa bàng.

Tận trên đọt cây, mấy chiếc lá dang ra đỡ những đóa hoa trắng li ti pha chút xanh nhạt, bám thành chuỗi như ngọc. Nhụy hoa trắng pha chút vàng, rung rinh trong cơn gió thoảng. Một vài đóa hoa rơi xuống, đọng chênh chao trong ly nước trong veo; và tôi mường tượng đến những quả bàng hoài thai đâu đó, lớn dần lên để báo hiệu một mùa sang.

Tiếng chim sâu lích rích rất trong giữa vòm lá và hoa ấy, trong một buổi sớm mai thật tĩnh lặng giữa lòng phố xá, lòng bỗng dịu đi những bứt rứt, bức bối do bị dịch bệnh giam cầm trong bốn bức tường chật chội... Để rồi, tự trong lặng im sâu lắng đó chợt bừng lên ý nghĩ, sự thủy chung âu cũng cơ duyên ở đời.

Nếu ngày trước, cây bàng bị bứng ra khỏi đời sống của mình, thì khoảng trống những ngày hè oi ả và những lúc “phong thành” chống dịch, biết lấy gì để lấp đầy? Và cây, vì người, đã vượt qua giông bão để lớn lên nơi đó, tỏa xanh những niềm tin về sự sống mỗi ngày. Và cao cả hơn, dù bị ruồng rẫy, lãng quên, Mẹ thiên nhiên vẫn lặng thầm tự chữa lành vết thương, để làm nơi nương tựa, cứu rỗi con người...

ANH QUÂN
;
;
.
.
.
.
.