Tác phẩm của nhà Việt Nam học đầu tiên người nước ngoài

.

Giáo sĩ người Ý Christoforo Borri đến sống ở Hội An từ năm 1618-1622 và viết một bút ký tường thuật về Xứ Đàng Trong (trong đó phần lớn nói về Xứ Quảng) với tên gọi Xứ Đàng Trong năm 1621. Có thể nói, sự ra đời của tác phẩm là cột mốc quan trọng đánh dấu ngành Việt Nam học chính thức bước ra năm châu.

Tác giả Christoforo Borri và bìa sách Ký sự Xứ Đàng Trong bản in năm 1631.  (Ảnh tư liệu)
Tác giả Christoforo Borri và bìa sách Ký sự Xứ Đàng Trong bản in năm 1631. (Ảnh tư liệu)

Tác phẩm mang ý nghĩa nguồn cội chữ Quốc ngữ

Thực ra, đây là tập bút ký bằng tiếng Ý ghi chép về vùng đất từ Quảng Trị đến Phú Yên với khoảng hơn 20.000 từ, có tên đầy đủ là Relatione della nuova missione delli P.P. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina (Tường thuật về sứ mạng mới của các cha Dòng Tên tại Vương quốc Đàng Trong). Sách được viết trong khoảng thời gian từ năm 1618-1622, xuất bản lần đầu tiên ở Rome năm 1631, sau đó không lâu được dịch sang tiếng Latinh, Pháp, Anh, Hà Lan và Đức.

Mãi đến năm 1931, Bonifacy - Đặc phái viên của Trường Viễn Đông bác cổ tại Việt Nam, cũng là giáo sư lịch sử bản xứ tại Trường Đại học Hà Nội - đã dịch và chú giải đăng trên Tập san của Hội Đô thành Hiếu cổ (B.A.V.H) số tháng 7-12. Năm 2014, các tác giả Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch và được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản.

Xứ Đàng Trong năm 1621 không phải là nghiên cứu chuyên sâu mà chỉ là “ghi chép từ những cảm nhận” của một người châu Âu về vùng đất mà họ đã có cơ hội đến và sống trong thời gian không dài lắm. Tuy nhiên, sau khi được xuất bản, cuốn sách đã vượt khỏi mục đích ban đầu của tác giả cũng như giới hạn của thời gian vì trong thế kỷ XVII, bút ký của các giáo sĩ phần lớn chỉ là những báo cáo về việc truyền đạo hoặc những nghiên cứu về dân tộc học. Tác phẩm của Borri độc đáo và lý thú vì kết hợp được cả hai vấn đề “đạo và đời”.

Ngoài việc giới thiệu sự giàu có về tài nguyên sản vật, sự tươi đẹp của thiên nhiên cũng như sự độc đáo về văn hóa với những con người “hiền lành, hiếu khách, với tấm lòng quảng đại”, sách còn cho thấy tình hình truyền giáo của các giáo sĩ ở vùng đất đặc biệt này.

Tác phẩm này còn đặc biệt là người ta tìm thấy ở đây những chữ quốc ngữ đầu tiên, đó là việc Latinh hóa một số tiếng Việt như các địa danh: Sinua (Thuận Hóa), Cacciam (Kẻ Chàm, Quảng Nam), Quamgua (Quảng Nghĩa, tức Quảng Ngãi), Quignin (Quy Nhơn), Renran (phiên âm tên sông Đà Rằng, tức Phú Yên), hay những câu ngắn: Dàdèn, Lùt, Dàdèn, Lùt (Đã đến lụt, đã đến lụt)… Vì thế, trong hồi ký “Quê hương ngày trở lại”, nhà nghiên cứu Thụy Khuê nhận định: “Đối với chữ Quốc ngữ, tác phẩm của Borri còn có ý nghĩa nguồn cội”.

Nhà Việt Nam học đầu tiên người nước ngoài

Christoforo Borri (còn được viết dưới nhiều tên khác nhau như Christoforo Burus, Burro, Bruno, Boro, Barri, Bravo, Brono) là nhà bác học, nhà truyền giáo người Ý, sinh năm 1583 trong một gia đình có địa vị tại thành phố Milano, thủ phủ của vùng Lombardia, miền bắc nước Ý. Năm 1601, ông gia nhập Dòng Tên. Năm 1615, ông đến truyền giáo ở Ấn Độ, rồi Đông Á. Khi việc truyền giáo ở Đàng Trong gặp khó khăn, ông được Giáo hội cử đến đây để tăng cường.

Năm 1618, ông cùng giáo sĩ Pedro Marquez giả làm bồi tàu trên một chiếc thuyền buôn của Bồ Đồ Nha đi từ Macau đến Đàng Trong cập cảng Đà Nẵng. Sau đó, ông cùng các Linh mục Francesco de Pina và Francesco De Buzomi đến lập cơ sở truyền giáo tại Nước Mặn (Tuy Phước, Bình Định), rồi ra lại Hội An sống và truyền đạo ở đây từ năm 1618-1622 với tên Bruno. Christoforo Bori là một trong 10 giáo sĩ truyền giáo có mặt sớm nhất ở Việt Nam.

Thời gian ở Hội An, để tiện việc truyền đạo, ông đã học tiếng Việt ở trình độ nói chuyện và rửa tội được cho người bản xứ. Nhờ vậy, ông ký âm tiếng Việt theo chữ của người Ý. Đây cũng là một trong những bước quan trọng đầu tiên thúc đẩy tiến trình Latinh hóa tiếng Việt để trở thành chữ quốc ngữ như ngày nay...

Cuối năm 1622, Borri về lại Macau, rồi về Bồ Đào Nha và Rome (Ý). Khi ở Bồ Đào Nha, ông được mời giảng dạy tại Đại học Coimbra về các môn Toán, Thiên văn và Hàng hải.
Năm 1632, ông từ bỏ Dòng Tên và gia nhập dòng Bernardins de Sainte Croix. Nhưng chỉ 3 tháng sau, ông bỏ dòng Bernardins de Sainte Croix để gia nhập dòng Citeaux. Mấy tuần sau, ông lại bị Dòng Citeaux trục xuất. Vì thế, ông làm đơn kiện và thắng kiện. Khi ông đi đưa tin vui cho một người bạn thân thì bị nạn và qua đời tại Rome ngày 24-5-1632, thọ 49 tuổi.

Đánh giá về ông, Linh mục Léopold Cadière đã viết trong Tạp chí B.A.V.H số tháng 7-12 năm 1931: “Christoforo Borri là người đầu tiên đã mô tả đất nước An Nam, sản vật, con người, chính thể, tín ngưỡng, tập quán của xứ này. Và ông đã mô tả mọi thứ rất tuyệt vời. Ông chỉ sống 5 năm ở các vùng lân cận Đà Nẵng hoặc trong phủ Quy Nhơn. Nhưng chừng đó thời gian đã đủ để ông nắm bắt một cách chuẩn xác và gần như trọn vẹn. Ông may mắn biết ngôn ngữ xứ này, là một việc rất hiếm hoi thời đó: Ông chắc hẳn là người Âu châu thứ hai đã chuyên tâm nghiên cứu tiếng An Nam. Nhưng chuyện đó cũng không đủ giải thích thỏa đáng cho cái ích lợi mà cuốn ký sự Xứ Đàng Trong của ông đem tới.

Christoforo Borri là một người ham hiểu biết. Ông đã thực hiện một cuộc điều tra nghiêm túc về thế giới xung quanh ông, và, nếu ngày nay, ta gặp phải khó khăn khi muốn xác nhận một vấn đề nào đó thì hãy so sánh với thời Christoforo Borri để thấy giá trị của sự bền bỉ, sự minh mẫn của giáo sĩ này - người đã biết thiết lập những ý niệm sáng tỏ và chuẩn xác cho những thứ hoàn toàn mới lạ với dân Âu châu”.

Với tác phẩm Xứ Đàng Trong năm 1621, sau này nhiều nhà nghiên cứu đã tôn vinh Christoforo Borri là nhà Việt Nam học đầu tiên người nước ngoài.

LÊ THÍ

;
;
.
.
.
.
.