Thiên đường nơi mình đã đi qua...

.

1. Tan học, bọn học trò làng tôi không bao giờ đi qua cổng chính. Phía sau lưng căn nhà kho của trường có một ngách nhỏ, cánh cửa sắt cao tầm 1m ở đó đã ít nhiều hoen gỉ, sát bên cạnh lúc nào cũng chất đầy ú ụ đống lá mục, cành khô và các loại vỏ hộp bốc mùi. Thế nhưng, chỉ cần cánh cửa ấy khép lại sau lưng thì lập tức chúng tôi bước vào một thế giới khác, một thế giới lúc nào cũng sống động và mới mẻ vì có thật nhiều điều để tận hưởng và khám phá.

Con đường mà chúng tôi chọn đi là con đường đất đỏ, không quá rộng, thỉnh thoảng có vài đoạn mặt đường còn hằn lên những vệt nham nhở do vết xe bò. Đường men theo cánh đồng lúa nằm phía bên phải, bên trái có dải đồi chạy song song, bên trái của dải đồi lại là một khu rừng nhỏ có nhiều loài dây leo và cây bụi tầm thấp.

Chúng tôi đi giữa con đường nhỏ, ít khi quan tâm đến đồng lúa vì nó vốn quá hiền lành và quen thuộc, điều duy nhất từ đồng khiến chúng tôi khoái trá có lẽ là làn gió lúc nào cũng mang theo hơi nước mát rượi, thứ giúp chúng tôi lấy lại tươi tỉnh sau những bài giảng ở trường.

Chúng tôi thích khám phá khu đồi hơn. Nơi đó có những cồn đất nhỏ mọc nối tiếp nhau, có vài ngôi mộ, vài lùm cỏ, sim dại, đi một đoạn lại hiện ra những cụm phi lao, loại phi lao thân nhỏ, cành khẳng khiu và chậm lớn. Mỗi khi có gió thổi, cây lộp độp rơi xuống những quả nhỏ khô giòn.

2. Học trò làng tôi dạo ấy có tầm chục đứa sàn sàn vai nhau. Ngày nào chúng tôi cũng đợi nhau đi học, đợi nhau về. Với chúng tôi, mỗi chuyến đi là một chuyến trải nghiệm, một lần phiêu lưu. Ra khỏi trường, bao nhiêu tâm trí chúng tôi sẽ đặt hết vào những “điểm hẹn bí mật”. Đó là những lùm sim dại chi chít đầy hoa, lá và trái sim. Thường thì hoa sim những nơi khác bao giờ cũng có màu tím. Thế nhưng, chẳng hiểu sao những lùm sim dại mà tôi từng gặp trên cồn đất nổi ngày ấy luôn có màu trắng sáng, chỉ thỉnh thoảng lẫn vào một vài đóa phớt ánh hồng.

Buổi tan trường, chênh chếch dưới ánh nắng chiều tà, tôi đứng đó ngắm hoa, bứt một vài lá sim vò nát trong tay rồi đưa lên mũi ngửi, mùi tinh dầu thanh mát tựa mùi lá bạch đàn nhanh chóng tỏa ra, luồn sâu vào từng ngõ ngách xúc giác. Tôi nín lặng, nhắm mắt, nghe trái tim mình ngân lên những nhịp đập hạnh phúc cùng cây cỏ.

3. So với chốn hẹn hò đầy lãng mạn và bình yên của tụi con gái, mục tiêu nhắm đến của bọn con trai lý thú hơn nhiều. Các bạn không hái hoa, cũng không giành nhau ăn quả dại, các bạn sẽ “truy vết” những tổ trứng, hay những con thú nhỏ lạc đến từ phía bìa rừng. Phải nói, trong nhóm, Thiện là đứa hay đầu têu nhất trong mấy trò này. Nó luôn là đứa tinh nhạy và có nhiều kinh nghiệm nhất về các loài động thực vật.

Đôi khi, tôi cảm tưởng nó còn thạo hơn cả thầy giáo dạy sinh học ở trường. Thiện từng chỉ cho tôi biết tên hàng chục loài hoa, lá, cỏ và dây leo mà chúng tôi bắt gặp trên đường đi. Nhờ có nó, tôi biết được cả những đặc điểm, tính chất có ích của vài loài cây mọc dại, khi nào cần dùng đến sẽ luôn sẵn có ở những vườn hoang.

Nhiều lần, Thiện bảo chúng tôi, khi mặt trời chếch xuống, bóng cây phi lao đổ dài gần gấp đôi thân cây là khoảng thời gian chim bố và chim mẹ đã no mồi, thường từ khu kiếm ăn bay về tổ. Những con chim lớn lúc đó sẽ cất tiếng gọi nhau, gọi những con non đang đợi ở nhà, nếu chúng tôi đủ yên lặng thì có thể lần tìm thấy thiên đường nhờ việc theo dấu những âm thanh.

4. Sau hơn chục năm, tôi mới có dịp trở lại cung đường này, mọi thứ đã đổi khác. Cả ruộng lúa và khu đồi nhỏ từng xếp lớp những sườn dốc phía sau lưng trường đều đã được san phẳng, nối liền thành một dải dài tít tắp. Toàn bộ khu vực sẽ sớm được chuyển đổi để trồng cây ăn trái theo hướng thâm canh. Nơi đây từ lâu đã không còn những lùm sim dại. Những bụi cỏ tầm thấp, những gốc phi lao im lìm và mảnh mai vẽ lên nền trời những nét khẳng khiu xanh thẩm cũng đã bị xóa sổ.

Cây cối biến mất, con đường từ trường về nhà dạt ra trắng xóa, bốn bề là những bãi trống rộng rãi, ánh nắng chan hòa.

Giờ tan học, nhấp nhô lũ lượt từng đám học sinh bắt đầu ùa ra từ cổng. Tôi không nhìn thấy những cô bé, cậu bé sở hữu nét mặt hân hoan, ánh lên vẻ hạnh phúc như tôi và các bạn mình từng có. Những cô bé, cậu bé bây giờ không còn đến trường trễ, về nhà muộn, nhưng các em cũng chẳng có được những thiên đường-từ-nơi-mình-đi-qua.

MINH THI

;
;
.
.
.
.
.