Tuổi trẻ Quảng Đà những năm tháng không quên

.

Trong ký ức những người từng tham gia Đặc khu Đoàn Quảng Đà giai đoạn 1962-1975 là những ngày xuống đường biểu tình đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân sự hóa học đường và đặc biệt hơn cả là phong trào chống cuộc “bầu cử độc diễn” của Nguyễn Văn Thiệu năm 1971.

Ông Lê Đức Hùng (trái) cùng đồng đội thăm mộ một thành viên Đặc khu Đoàn Quảng Đà hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ông Lê Đức Hùng (trái) cùng đồng đội thăm mộ một thành viên Đặc khu Đoàn Quảng Đà hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Theo tài liệu lịch sử về Đặc khu Đoàn Quảng Đà (lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng), sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với sự lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng), lực lượng đoàn viên, thanh niên trong tỉnh cũng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp (hơn 10.000 đoàn viên). Tuy nhiên, sau một thời gian, chính sách “Tố cộng, diệt cộng” của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm khiến lực lượng đoàn viên, thanh niên chỉ còn khoảng 600 người, hoạt động đơn lẻ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng địa phương.

Để phù hợp với tình hình mới, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng chủ trương cơ cấu lại các tổ chức Đảng, Đoàn và bố trí cán bộ, đảng viên ở lại tiếp tục hoạt động. Các tổ chức quần chúng được sắp xếp lại, chuyển thành các tổ chức hợp pháp. Ở vùng nông thôn, Tỉnh ủy thành lập các nhóm phòng gian, chống cướp, tổ đổi công, vòng công, hội tương tế; ở thành phố là các tổ chức nghiệp đoàn, phụ nữ, thanh niên, học sinh và tổ trung kiên làm nòng cốt cho các phong trào.

Tài liệu lịch sử về Đặc khu Đoàn Quảng Đà ghi lại, trong tháng 5-1955, địch mở liên tiếp các “chiến dịch tố Cộng” như chiến dịch Phan Châu Trinh, Trịnh Minh Thế, mở 700 lớp học tố Cộng và đề ra khẩu hiệu “Tố Cộng là yêu nước”, “Diệt cán, trừ Cộng”, “Dĩ dân, diệt cán” và coi đó là những chính sách bảo vệ chính quyền. Nhiều cán bộ, đảng viên, thanh niên bị địch dùng những thủ đoạn tra tấn vô cùng man rợ. Dưới sự trấn áp của Mỹ ngụy, những gian khổ, mất mát của các gia đình có người đi tập kết, thoát ly hoặc bị tình nghi là Việt cộng tại Quảng Nam, Đà Nẵng ngày ấy thật khó để nói hết.

Để tránh sự truy đuổi của Mỹ ngụy, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đẩy mạnh công tác xây dựng miền núi thành căn cứ cách mạng, rút phần lớn thanh niên lên căn cứ xây dựng lực lượng vũ trang, khôi phục phong trào đấu tranh nhân dân. Đặc biệt, hàng ngàn thanh niên tăng gia sản xuất, trồng sắn, trồng ngô theo phong trào “Làm rẫy cách mạng, nuôi con heo, con gà cách mạng”, “Thi đua một người làm việc bằng một tháng, một tháng làm việc bằng một năm”, “Sắn là cây chiến lược của miền núi Quảng Đà”…

Ông Lê Đức Hùng - hưu trí (SN 1953, trú 66 Lê Cơ, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), một thành viên của Đặc khu Đoàn Quảng Đà cho hay, phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên “xếp bút nghiên lên đường làm nhiệm vụ” diễn ra rất sôi nổi. Trong hai năm 1970-1971, toàn tỉnh huy động được 970 thanh niên vào bộ đội. Nhiều em tuổi 13, 14 hăng hái xin làm du kích mật để canh gác, giao liên. Từ năm 1967 trở đi, dưới sự lãnh đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà, Đặc khu Đoàn Quảng Đà quán xuyến phong trào Đoàn, thanh niên khắp 3 vùng chiến lược: vùng núi, nông thôn và thành thị. Các đội xung kích của thanh niên, học sinh tỏa về các xóm lao động, các chợ, xí nghiệp, vận động nhân dân đấu tranh đòi quyền sống, đòi hòa bình, đòi Mỹ ngụy chấm dứt chiến tranh.

Ông Hùng đánh giá, phong trào học sinh, sinh viên Đà Nẵng chống Mỹ ngụy diễn ra sôi nổi nhất vào năm 1971. Theo đó, dưới sự tổ chức của Tổng Đoàn học sinh, hàng ngàn thanh niên, học sinh các trường Trung học Phan Châu Trinh, Bồ Đề, Nữ trung học Hồng Đức, Bán công, Sao Mai, Phan Thanh Giản, Quảng Đức… biểu tình chống “quân sự hóa học đường”, chống ngụy “bắt lính đôn quân” đưa sang Campuchia, Lào làm bia đỡ đạn, chống “bầu cử độc diễn” của Nguyễn Văn Thiệu...

Trước sức mạnh phong trào, địch huy động lực lượng xe tăng, xe bọc thép, máy bay trực thăng và lực lượng cảnh sát ném lựu đạn cay, bắn phi tiễn vào đoàn biểu tình khiến 2 học sinh trong đội xung kích là Nguyễn Bá Tần và Nguyễn Tam Vàng hy sinh ngay trên đường phố. Ngày 9-10-1971, hàng ngàn thanh niên đã biến lễ tang 2 học sinh thành cuộc biểu tình chống Mỹ ngụy, khiến ngụy quyền hoang mang, lo sợ, tổ chức các cuộc đàn áp quy mô lớn. “Thời gian đó, thanh niên Đà Nẵng liên tục đấu tranh chính trị, liên tục tổ chức những đêm không ngủ “Hát cho đồng bào tôi nghe”, khiến hậu phương địch luôn trong tình trạng bất ổn”, ông Hùng chia sẻ.

Nhớ về chiến dịch chống “bầu cử độc diễn” của Nguyễn Văn Thiệu năm 1971, luật sư Đỗ Pháp (SN 1952, Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp, 69 Ngô Gia Tự, quận Hải Châu), nguyên Phó Chủ tịch Tổng Đoàn học sinh Đà Nẵng giai đoạn 1971-1972 cho biết: “Sáng sớm 3-10-1971, cả thành phố Đà Nẵng đặt trong tình trạng báo động khi hàng ngàn học sinh các trường trung học xuống đường biểu tình khiến địch phải huy động máy bay, xe tăng trấn áp. Nhiều địa điểm bỏ phiếu bị đốt sạch, loa phát thanh của lực lượng thanh niên phát đi các tuyên cáo, các bài bình luận, những câu ca, hò vè kêu gọi, vận động người dân không đi bỏ phiếu, truyền đơn chống bầu cử tràn ngập phố phường… “Nhớ lại khoảng thời gian này, chúng tôi luôn tin rằng chính lòng yêu nước, sức mạnh đoàn kết đã gắn kết các thế hệ thanh niên xuống đường biểu tình, tham gia khởi nghĩa vũ trang bảo vệ chính quyền cách mạng. Trong cuộc chiến này có những mất mát, đau thương, kẻ còn, người mất, nhưng đó luôn là kỷ niệm đẹp, rất đẹp và không thể nào quên”, ông Pháp nói.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.