Đà Nẵng cuối tuần

Về thành ngữ "Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ"

13:23, 19/09/2021 (GMT+7)

* Cha, mẹ trong thành ngữ “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ” là ai và có vị thế ra sao trong văn hóa tâm linh của người Việt? (Văn Ngọc Quang, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng)

- Theo bài viết “Tháng Tám giỗ cha...” đăng trên Báo Nhân Dân điện tử ngày 2-10-2007, “Cha” ở đây là Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, “Mẹ” là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Hưng Đạo Đại vương tên thật là Trần Quốc Tuấn, là một nhà chính trị, nhà quân sự, tôn thất Hoàng gia Đại Việt thời Trần. Ông sinh vào khoảng cuối những năm 20 thế kỷ XIII, mất ngày 20-8 năm Canh Tý (1300). Ông được biết đến trong lịch sử Việt Nam với việc chỉ huy quân đội đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên - Mông năm 1285 và năm 1288. Phần lớn tài liệu nghiên cứu lịch sử và cả dân gian thời sau thường dùng tên gọi vắn tắt là “Trần Hưng Đạo” thay cho cách gọi đầy đủ là “Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn”, vốn bao gồm tước hiệu được sắc phong cho ông. Ông là một trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

Tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Ảnh: V.T.L
Tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Ảnh: V.T.L

Dưới sự lãnh đạo của các vua thời Trần và Hưng Đạo vương, quân đội Đại Việt đã vượt qua nhiều gian nan, chỉ với số đội quân ít thiện chiến, yếu hơn so với đối phương, lại 2 lần đánh tan hàng vạn quân Mông Nguyên hùng mạnh, giành thắng lợi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (tập 2) nhận định: Những chiến công hiển hách này làm “tiếng vang đến phương Bắc, khiến chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi thẳng tên”.

Sau 3 lần cầm quân đánh đuổi giặc Mông - Nguyên (1258, 1285 và 1288), ông được phong chức Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội cả nước. Ông cũng là tác giả Hịch tướng sĩ, các sách Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư. Tương truyền, sau khi mất, ông hiển Thánh (Đức Thánh Trần) và được thờ ở các đền Kiếp Bạc (Hải Dương), Bảo Lộc (Ninh Bình), Yên Cư (Ninh Bình) và ở Thành phố Hồ Chí Minh... Theo liệt kê của Wikipedia, hiện có 28 đền thờ Đức Thánh Trần trên cả nước và tại những nơi này hằng năm đến ngày 20-8 âm lịch diễn ra lễ Giỗ Đức Thánh Trần.

Về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tương truyền bà là công chúa Quỳnh Hoa, con của Ngọc Hoàng Thượng Đế trên trời, vì lỡ tay làm vỡ chén ngọc nên 3 lần bị đày xuống trần gian. Sau 3 lần giáng trần đầu thai làm người, cảm nhận những chuyện đau khổ, bất công chốn nhân gian, bà cầu xin Ngọc Hoàng được tiếp tục giáng trần và được vua cha chấp thuận. Tuy nhiên, về sau này, bà không đầu thai vào nhà nào nữa mà hiển linh dưới hình hài thật của mình - một tiên nữ. Đi theo bà còn có hai vị tiên hầu cận. Bà cùng hai vị tiên nữ đồng hành đã chu du nhiều nơi, cũng nhiều lần hiển linh giúp đỡ những người gặp cảnh khó khăn và cầu khấn bà.

Bà mất ngày 3-3 âm lịch, được sắc phong là Thượng đẳng tối linh Thần và thờ ở phủ Giầy (Nam Định), phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Sòng, đền Phố Cát (Thanh Hóa), đền Phủ Giầy (Thành phố Hồ Chí Minh)... Hằng năm, đến ngày 3-3 âm lịch, những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh tổ chức dâng lễ tại các đền này.

ĐNCT

.