Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp với người lao động

.

Do ảnh hưởng của Covid-19, các doanh nghiệp phải giảm công suất hoặc tạm dừng sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều lao động phải nghỉ việc hoặc về quê tránh dịch. Thành phố Đà Nẵng làm gì để hỗ trợ người lao động có việc làm khi doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau khi tình hình dịch bệnh ổn định?

Các chuyên viên Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng phỏng vấn trực tuyến với đầu cầu ở các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại một phiên giao dịch việc làm. Ảnh: Đ.H.L
Các chuyên viên Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng phỏng vấn trực tuyến với đầu cầu ở các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại một phiên giao dịch việc làm. Ảnh: Đ.H.L

Ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng cho biết, khi doanh nghiệp tập trung khôi phục sản xuất kinh doanh, nhu cầu tuyển dụng tăng trở lại, trung tâm sẽ tăng cường tuyên truyền tư vấn việc làm đến tận cơ sở, chú trọng mời gọi doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng và kết nối việc làm đến với người lao động.

* Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, điều này đã tác động đến thị trường việc làm như thế nào, thưa ông?

- Đợt Covid-19 thứ 4 bùng phát kéo dài đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến các mặt đời sống và xã hội, đặc biệt thị trường lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội “ai ở đâu thì ở đó” để phòng, chống Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải thực hiện “3 tại chỗ”, hoạt động khoảng 30-50% công suất hoặc tạm dừng sản xuất, kinh doanh, kéo theo tình trạng suy giảm lực lượng lao động khi một bộ phận lao động mất việc làm phải rời khỏi thị trường lao động. Hơn nữa, trong thời gian gian giãn cách xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố cũng không thể kết nối việc làm giữa người lao động với doanh nghiệp.

* Hiện nay, nhiều người nghỉ việc về quê dẫn đến tình trạng thiếu lao động, các doanh nghiệp gặp khó khăn gì? Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố đã và đang phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp như thế nào để khôi phục sản xuất sau khi tình hình dịch ổn định?

- Từ ngày 1-10 đến 7-10, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tiếp nhận đăng ký nhu cầu tuyển dụng của 59 đơn vị doanh nghiệp với 2.600 vị trí việc làm còn trống. Đó là tín hiệu tích cực của doanh nghiệp đang dần khôi phục sản xuất sau thời gian dài giãn cách xã hội. Trong số này chủ yếu là các đơn vị hoạt động trong ngành may mặc có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Công ty TNHH Max Planning Vina, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty TNHH MTV Kad Industrial S.A Việt Nam. Mỗi công ty tuyển 200-300 lao động. Riêng Công ty CP Trung Nam Electronics Manufacturing Services chuyên gia công, sản xuất bo mạch điện tử tuyển khoảng 154 lao động.

* Trung tâm đã hỗ trợ giải quyết thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp, cũng như các chính sách hỗ trợ của thành phố như thế nào cho lao động do ảnh hưởng Covid-19, thưa ông ?

- Khi thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19, đặc biệt khi tạm ngừng giao dịch hồ sơ trực tiếp với người lao động, gây nhiều khó khăn trong thực hiện thủ tục bảo hiểm thất nghiệp. Nhằm hỗ trợ người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung tâm triển khai hướng dẫn tiếp nhận, giải quyết hồ sơ qua các phương tiện: điện thoại, facebook, zalo, email… để giúp người lao động thực hiện đúng các thủ tục theo quy định và hạn chế đi lại nhằm thực hiện tốt các biện pháp cách ly phòng, chống Covid-19.

Cụ thể, về nộp hồ sơ, người lao động nộp qua đường bưu điện. Nhân viên trung tâm tiếp nhận, lập thủ tục, liên hệ người lao động qua điện thoại để bổ sung thông tin (nếu có), thông báo thời hạn trả quyết định hưởng. Về nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhân viên trung tâm liên hệ với người lao động qua điện thoại để xác nhận việc nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, hướng dẫn người lao động về thông báo tình trạng việc làm. Các thủ tục nhận quyết định hưởng sẽ được thực hiện sau khi hết thời gian cách ly. Về thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng, người lao động khai báo các thông tin việc làm (theo mẫu 16, có thể viết trên giấy trắng nếu không có mẫu), sau khi khai báo, chụp ảnh và gửi qua email, zalo đến các văn phòng trung tâm nơi người lao động nộp hồ sơ.

Đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thành phố đang triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24-9-2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

* Hiện nay Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố gặp những khó khăn và thuận lợi gì trong việc tổ chức sàn giao dịch việc làm? Trong thời gian tới, trung tâm sẽ có những kế hoạch và giải pháp nào để hỗ trợ người lao động thành phố và các tỉnh khi họ quay trở lại tìm kiếm việc làm vào những tháng cuối năm?

- Tuy thành phố đã nới lỏng giãn cách nhưng vẫn kèm một số điều kiện nên trung tâm chưa thể tổ chức sàn giao dịch việc làm định kỳ được mà chỉ kết nối, giới thiệu việc làm trực tuyến; đồng thời giao thương giữa các tỉnh, thành phố lân cận chưa được suôn sẻ, điều này cũng ảnh hưởng đến số lao động của các vùng lân cận trong tìm kiếm, kết nối việc làm.

Trong thời gian tới, với tốc độ tiêm chủng được bao phủ, dịch bệnh dần kiểm soát tốt hơn thì thị trường lao động có cơ hội để phục hồi, nhất là thời gian những tháng cuối năm. Khi doanh nghiệp tập trung khôi phục sản xuất kinh doanh, nhu cầu tuyển dụng tăng trở lại, trung tâm sẽ tăng cường tuyên truyền tư vấn việc làm đến tận cơ sở, chú trọng mời gọi doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng và kết nối việc làm đến với người lao động.

Trung tâm sẽ tập trung nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên như: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Đắk Lắk… với tần suất 1 phiên/tháng, riêng với tỉnh Quảng Trị là 2 phiên/tháng. Song song đó, trung tâm phối hợp với các tỉnh, thành phố nói trên để kết nối việc làm với số lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê tránh dịch, phục vụ nhu cầu của thị trường lao động của Đà Nẵng trong thời gian tới.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.