Đừng để buồn lên mắt mẹ...

.

Tình cờ quen cô trong một dịp đi khám định kỳ tại bệnh viện, tôi vẫn ấn tượng với hình ảnh cô ngày hôm đó. Dáng người gầy gầy nhưng rất nhanh nhẹn, mái tóc bạc trắng, chiếc túi xách có vẻ hơi quá khổ so với sức vóc và độ tuổi của cô treo lệch cả một bên vai. Tôi chạy lại đỡ chiếc túi khỏi vai cô, hỏi xem cô có cần giúp gì trong việc hoàn thành các thủ tục khám bệnh và nhận thuốc không. Rồi cứ thế tôi đi cùng cô, giúp cô điền các giấy tờ, xếp hàng thanh toán và nhận thuốc… Khi chia tay, cô bịn rịn xin tôi số điện thoại. Và thật bất ngờ, vài ngày sau, tôi nhận được cuộc gọi từ cô.

Cô giữ liên lạc thường xuyên với tôi. Cô nói, cô chỉ có ba người con trai, cô thèm có được một đứa con gái như tôi. Trong suốt giai đoạn từ quê ra Đà Nẵng điều trị bệnh, tôi chỉ thấy cô lủi thủi một mình. Có lần tôi hỏi có ai đi cùng cô không, sao cô không nhờ con trai hay con dâu đi nhận thuốc giúp… Mỗi lần vậy, cô chỉ cười buồn.

Cho đến một ngày, khi cô đến hẹn ra khám, chúng tôi gặp nhau tại một quán cà-phê trong một ngày mưa lất phất. Cũng quen biết đã lâu, cô không còn ngại ngần mà nhẹ nhàng kể cho tôi nghe về những nỗi niềm cất giấu bao lâu. Cô - một cô gái miền Tây, thuở đôi mươi đã bước vào một cuộc hôn nhân được sắp đặt trước bởi hai bên gia đình. Trải qua nhiều sóng gió, cô quyết định giải thoát cho bản thân và một mình nuôi ba đứa con khôn lớn, trưởng thành.

Hiện cô sống cùng gia đình con trai cả. Cuộc đời tưởng chừng đã bù đắp cho cô nhiều vất vả, cơ cực lúc tuổi trẻ khi con cái đều thành đạt, có gia đình ổn định, có con cháu sum vầy. Nhưng không, khi vô số căn bệnh tuổi già ập đến cũng là lúc cô bị rơi vào cuộc sống biệt lập trong gian nhà nhỏ phía sau. Và cứ vậy, mỗi ngày trôi qua đối với cô chỉ có bốn bức tường lạnh lùng, vắng lặng. Cô cười nhẹ, có những khi bệnh trở nặng phải nhập viện, cô chỉ mong được ở trong bệnh viện thật lâu, vì chỉ lúc đó cô mới có cơ hội gặp gỡ mọi người. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo. Rồi cô bày tỏ mong muốn được xin vào một trung tâm bảo trợ xã hội hay viện dưỡng lão nào đó để được bầu bạn và sống đúng nghĩa trong những tháng ngày còn lại của cái tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Hôm nay, gió mùa về, từng cơn gió se se lướt qua những lọn tóc xoăn bạc trắng của cô. Nhưng có lẽ, nỗi lạnh lẽo, trống trải và hụt hẫng trong tâm hồn cô lúc này còn buốt giá hơn nhiều so với cái lạnh đầu mùa. Cố kìm nén nỗi xót xa trào dâng trong lòng, tôi giúp cô liên hệ một số cơ quan chức năng về bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố. Khi phía bên kia đầu dây hỏi: “Bà không có gia đình, con cái hả chị”, tôi nghẹn ngào đáp: “Bà có ba con trai”!

Rút trong túi xách ra chiếc khăn len vừa mua để tặng cô, tôi cẩn thận quàng vào cổ che chắn cho cô. Cô rưng rưng bảo, đã lâu rồi không có ai quan tâm cô như vậy. Tôi chỉ biết lặng lẽ lắng nghe và chia sẻ phần nào với cô niềm đau này. Và tận trong thâm tâm, tôi vẫn mong có một ngày, các con của cô nhận ra mẹ mình đang cô đơn và buồn tủi biết nhường nào.

Câu chuyện của cô như lời nhắc nhở đối với tôi - để biết tôn kính và yêu thương cha mẹ của mình nhiều hơn. Vì hoàn cảnh, tôi không sống cùng mẹ chồng. Mặc dù mẹ chồng tôi vẫn được phụng dưỡng, quan tâm, chăm sóc chu đáo nhưng có lẽ, cả cuộc đời này tôi vẫn nợ bà những tháng ngày thương yêu, gần gũi. Thời gian không chờ đợi ai, càng không chút nấn ná mà quay chậm hơn cho tuổi già...

Vẫn biết có muôn vàn cách đánh giá mức độ thành công của mỗi con người. Có người cho đó là chức cao vọng trọng, có người lại hướng đến nhà cao cửa rộng, xe sang, hàng hiệu… Nhưng sự thành công cũng có thể được “đo đếm” bằng niềm vui mà mình có thể mang lại cho những người thân yêu, nhất là với những người chúng ta gọi là Cha - Mẹ.

“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”

HUYỀN MY

;
;
.
.
.
.
.