GIẢ TRANH CỦA CÁC HỌA SĨ TÊN TUỔI ĐƯA ĐI ĐẤU GIÁ

Không thể thờ ơ

.

Liên tiếp những bức tranh giả “đóng mác” Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Văn Tỵ… được công bố đấu giá trên sàn quốc tế đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo về một vấn nạn, qua đó cho thấy nếu thiếu những phản ứng mạnh mẽ thì mỹ thuật Việt Nam sẽ bị chìm trong “tiếng xấu” khi hội nhập vào đời sống và thị trường hội họa thế giới.

Bức bình phong nhái bức sơn mài Nhà tranh gốc mít của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã được Sotheby’s rút khỏi phiên đấu giá. Ảnh: sothebys.com
Bức bình phong nhái bức sơn mài Nhà tranh gốc mít của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã được Sotheby’s rút khỏi phiên đấu giá. Ảnh: sothebys.com

Tranh giả, tranh chép vốn là vấn nạn của mỹ thuật Việt. Giới họa sĩ vẫn kể rằng, họa sĩ Bùi Xuân Phái từ khi qua đời lại “vẽ” nhiều tranh hơn khi ông còn sống, lý do là “hậu sinh” đã chép tranh của ông quá nhiều. Đến bây giờ, bất cứ giao dịch nào liên quan đến tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái đều vướng nghi vấn tranh thật hay giả.

Tranh giả “tung hoành”

Cách đây ít lâu, bức tranh Phố cũ (kích thước 50x40 cm, chất liệu sơn dầu) của danh họa Bùi Xuân Phái được đưa lên sàn đấu giá. Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, bức Phố cũ là tranh giả. Thậm chí, họa sĩ Bùi Thanh Phương - con trai của danh họa Bùi Xuân Phái cũng khẳng định đây là tranh giả. Tuy nhiên, phiên đấu giá vẫn diễn ra với sự khẳng định của một Hội đồng nghệ thuật ẩn danh rằng đây là tranh thật. Cuối cùng, Phố cũ đã được một nhà sưu tập mua với giá 12.500 USD.

Những ngày qua, giới mỹ thuật trong nước xôn xao khi một bức bình phong ký tên họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ được nhà đấu giá Sotheby’s ở Hong Kong (Trung Quốc) đưa ra đấu giá. Theo thông tin từ trang web của nhà đấu giá này, bức bình phong sơn mài gỗ L'image traditionnelle d'une maison de paysa (Hình ảnh một nhà tranh truyền thống) đề tên họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ được đấu giá vào ngày 10-10. Mức giá dự kiến 700.000 - 1 triệu đô-la Hong Kong (khoảng 2 - 2,9 tỷ đồng).

Giới họa sĩ Việt Nam bất bình bởi nhìn qua đã thấy cách làm sơn mài vụng về, màu sắc tươi mới. Chính họa sĩ Nguyễn Bình Minh - con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, cũng khẳng định tác phẩm nói trên là giả.
Họa sĩ Mai Trung Thứ cũng được truyền thông nhắc tới. Đặc biệt, từ sau khi bức Chân dung cô Phương (Portrait de Mademoiselle Phuong) của ông được Sotheby’s Hong Kong đưa ra đấu giá đến 3,1 triệu USD (tương đương 72 tỷ đồng - trở thành bức tranh của danh họa gốc Việt có giá cao nhất trên thị trường hội họa thế giới) hồi tháng 4 vừa qua, thì cũng liên tiếp xuất hiện những tác phẩm nhái ký tên Mai Thung Thứ được đưa ra đấu giá.

Phản ứng hay không phản ứng?

Từ những vụ việc gần đây, dư luận mong muốn có tiếng nói mạnh mẽ hơn từ phía gia đình các họa sĩ, hay người đang sở hữu bức tranh gốc. Tuy vậy, điều này không đơn giản. Liên quan đến bức bình phong nhái bức Nhà tranh gốc mít của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, đại diện gia đình họa sĩ cho biết, không có ý định liên hệ Sotheby's, mà chỉ muốn thông tin sự việc qua báo chí để công chúng biết. Còn đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - nơi bức Nhà tranh gốc mít đang được trưng bày nói rằng, chỉ có trách nhiệm xác thực tác phẩm gốc, không liên hệ hay phản hồi với nhà đấu giá.

Giới họa sĩ và một số giám tuyển nghệ thuật trong nước đều cho rằng, trước một nghi vấn tranh giả ký tên họa sĩ, dù ở trong nước hay nước ngoài thì có phản ứng vẫn hơn, bởi sự im lặng càng khiến các đối tượng làm tranh giả và trục lợi từ việc buôn bán tranh giả hưởng lợi.

Thực tế, liên quan việc dư luận phản ứng về bức bình phong nhái bức Nhà tranh gốc mít của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, ngày 6-10, trên trang web của mình, nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong thông báo: “Sotheby’s nhận thức được những lo ngại về tính xác thực của tác phẩm L'image traditionnelle d'une maison de paysan (Hình ảnh một nhà tranh truyền thống) của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Chúng tôi sẽ rút tác phẩm này khỏi phiên đấu giá và tiếp tục điều tra thêm về nghi vấn này”.

Sự việc này khiến nhiều người liên tưởng tới mấy bức tranh đề tên họa sĩ Bùi Xuân Phái dự kiến đấu giá vào ngày 16-10. Sau khi cộng đồng mỹ thuật Việt Nam phản ứng, nhà đấu giá này đã hạ 3 bức tranh giả được cho là của họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhưng vẫn trưng bày những bức khác, trong đó có tranh được cho là của họa sĩ Lê Phổ. Điều này cho thấy, những tiếng nói phản biện đã được tiếp nhận, từ đó tránh được những cuộc đấu giá “xấu xí” ảnh hưởng tới nền mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Đỗ Phấn nói rằng, ông chưa bao giờ thấy Hội Mỹ thuật Việt Nam và Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) lên tiếng chính thức phản đối các sàn đấu giá tranh giả ký tên họa sĩ Việt Nam. “Việc các tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi bị làm giả trà trộn vào thị trường là vấn đề hết sức nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình họ mà còn ảnh hưởng lớn đến nền nghệ thuật của chúng ta. Chúng ta đang mang tiếng xấu là nơi sản sinh ra những tác phẩm giả tạo. Không những thế, các giá trị to lớn của tác phẩm do các họa sĩ tên tuổi tạo ra ấy đang phải chịu sự đánh giá thiếu công bằng. Như trường hợp của họa sĩ Bùi Xuân Phái, tranh của cụ đột nhiên mất giá trên thị trường cũng chính bởi sự giả mạo này”, họa sĩ Đỗ Phấn cho hay.

THƯ HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.