Hát bội mới lạ qua lăng kính người trẻ

.

Đạo cụ, phục trang, các vở tuồng cổ… đặc trưng của loại hình nghệ thuật hát bội đã được Nguyễn Phương Vy (21 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) quảng bá đến công chúng bằng cách tiếp cận mới lạ - thông qua các con chữ.

Dự án “Bội Tự” càng khiến Nguyễn Phương Vy thêm yêu văn hóa quê hương.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Dự án “Bội Tự” càng khiến Nguyễn Phương Vy thêm yêu văn hóa quê hương. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Qua dự án “Bội Tự”, cô sinh viên năm 4 chuyên ngành Thiết kế đồ họa (Trường Đại học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh) mong muốn đem đến cho mọi người cái nhìn thú vị, gần gũi hơn về “viên ngọc quý” của kho tàng nghệ thuật Việt Nam.

Quảng bá văn hóa qua nghệ thuật chữ

Với niềm yêu thích mãnh liệt nền văn hóa dân tộc cũng như nghệ thuật chữ viết, Vy muốn làm một điều gì đó khác biệt và mang dấu ấn cá nhân nên đã chọn kết hợp hình ảnh hát bội vào Typo (được hiểu là nghệ thuật sắp đặt và kỹ thuật ghép chữ - PV). Vy còn đặc biệt sử dụng các bảng màu retro (những màu có độ bão hòa thấp, kém tươi hơn so với màu gốc và có cảm giác phẳng hơn so với các màu khác - PV) để gợi cảm giác truyền thống.

Phần một của dự án là Typeface (kiểu chữ) được thiết kế theo hai định dạng Regular (bình thường) và Italic (in nghiêng) với sự tương phản mạnh giữa các nét thanh - đậm và các nét móc nhọn kéo dài lấy cảm hứng từ hình ảnh lông chim trĩ trên chiếc mão trong trang phục hát bội. Mỗi chữ cái cơ bản theo bảng chữ cái tiếng Việt được cách điệu, lồng ghép hình ảnh minh họa thể hiện cho nội dung của cụm chữ có ký tự đó đứng đầu. Phần hai là các chữ cơ bản trong bảng chữ cái được cách điệu, lồng ghép hình ảnh minh họa thể hiện cho nội dung liên quan hát bội gắn liền cụm chữ có ký tự đó đứng đầu.

Ngay khi vừa ra mắt trên mạng xã hội facebook, dự án đã nhận được đông đảo sự quan tâm và yêu mến. Không những thu hút người xem bởi thiết kế bắt mắt, độc đáo, ấn tượng, mà “Bội Tự” còn ở lại trong lòng công chúng nhờ các thông tin hữu ích đính kèm từng chữ cái một cách súc tích, ngắn gọn. Chữ “C” được tác giả lấy cảm hứng từ “Cờ lệnh” - một trong những đạo cụ sân khấu thường thấy ở hát bội.

Dự án chú thích: Cờ lệnh được giắt sau lưng, ló lên ở hai vai. Cờ lệnh và áo giáp đi đôi với nhau, là trang phục thường thấy của các nhân vật võ tướng. Chữ “G” là sự cách điệu của giao duyên - một điệu hát được sử dụng trong hát bội khi vợ chồng hiệp cẩn giao bôi. Trước khi hát giao duyên phải xướng: “Hữu giao duyên a!”, lúc hát cũng phải đệm mấy tiếng “tích tang tích tịch”…

Hiểu hơn và yêu hơn

Vy cho biết, để thực hiện dự án, cô tiếp cận 2 nguồn tư liệu là cuốn “Sổ tay hát bội” của tác giả Huỳnh Ngọc Trảng và “Nghệ thuật sân khấu hát bội” của tác giả Lê Văn Chiêu, cùng một số thông tin tìm kiếm trên mạng. Theo chia sẻ của Vy, “Bội Tự” ban đầu chỉ là một bài đồ án ở trường đại học, sau đó được cô chỉnh sửa, bổ sung và phát triển thành dự án cá nhân. Phông chữ được Vy phác họa tay rồi mới lên máy vector hóa, chỉnh sửa, lên màu, dàn layout và chắt lọc nội dung.

“Điều may mắn là ngay sau khi quyết định thực hiện đề tài này, tôi có cơ hội xem trực tiếp hát bội tại Đền thờ Vua Hùng ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Lần đầu xem trực tiếp, tôi vô cùng ấn tượng và xúc động, từ những gương mặt được hóa trang tỉ mỉ, đến trang phục, điệu bộ, cách hát… Sau đó, khi đoàn hát bội về trường trình diễn cũng như biểu diễn ở Lăng Lê Văn Duyệt, tôi đều xem và chụp ảnh làm tư liệu…”, Vy hào hứng. Nhưng cô sinh viên này cũng gặp đôi chút khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Đó là nguồn tư liệu hình ảnh còn hạn chế nên cô gái trẻ tốn khá nhiều thời gian để tìm hiểu và thể hiện nội dung.

Với Vy, dự án “Bội Tự” là niềm hạnh phúc lớn lao khi có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về hát bội, từ nghiên cứu tư liệu, hình ảnh đến trực tiếp quan sát các nghệ sĩ hóa trang và thưởng thức trình diễn trên sân khấu… Có thể nói, “Bội Tự” không chỉ lan tỏa mạnh mẽ nét đẹp của loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đến công chúng mà còn nhen lên ngọn lửa tình yêu văn hóa Việt Nam trong chính trái tim người thực hiện. Vy khẳng định, trong tương lai, khi tìm được ý tưởng mới, cô sẽ tiếp tục thực hiện các dự án mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Chất liệu truyền thống luôn là nguồn cảm hứng vô tận có thể khai thác ở nhiều khía cạnh và thể hiện với nhiều cách khác nhau. Là người Việt Nam, tôi luôn tự hào, yêu mến và mong muốn thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc của chính nơi mình sinh ra, lớn lên đến gần hơn với mọi người mà không cần một lý do đặc biệt nào cả”
Nguyễn Phương Vy

KHA MIÊN

;
;
.
.
.
.
.