Đà Nẵng cuối tuần

NSND Rơ Chăm Phiang

Tiếng hát họa mi Tây Nguyên

14:39, 24/10/2021 (GMT+7)

Đến tận bây giờ, mỗi khi giọng hát của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Rơ Chăm Phiang cất lên, tôi vẫn bồi hồi xúc động. Nhà giáo Hồ Mộ La từng đánh giá giọng hát Rơ Chăm Phiang là “của hiếm” trong làng nhạc Việt.             

NSND Rơ Chăm Phiang trên sân khấu. Ảnh do nhân vật cung cấp
NSND Rơ Chăm Phiang trên sân khấu. Ảnh do nhân vật cung cấp

Tình yêu âm nhạc

Từ hơn 40 năm trước, Rơ Chăm Phiang đã được ví là “họa mi của núi rừng Tây Nguyên”. Theo lời kể của nghệ sĩ, năm 12 tuổi, bà bắt đầu tham gia đoàn văn công nhằm cổ vũ, phục vụ đời sống tinh thần các chiến sĩ đang chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước. Sau này, qua quá trình học tập và được đào tạo bài bản, khán giả lại biết đến Rơ Chăm Phiang qua các ca khúc cách mạng và những bài hát về Tây Nguyên như: “Tháng ba Tây Nguyên”, “Ngọn lửa cao nguyên”, “Cô gái vót chông”, “Bóng cây Kơnia”…

Để có được dấu ấn nghệ thuật của mình, ngoài năng khiếu, việc học hành bài bản qua trường lớp âm nhạc đã giúp giọng ca “họa mi của núi rừng Tây Nguyên” ngày càng vang xa. Trong đó, nghệ sĩ Rơ Chăm Phiang tự hào khi được học và tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Sau này, về công tác tại Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng giúp nghệ sĩ Rơ Chăm Phiang trưởng thành hơn.

Một dấu ấn khó quên trên con đường nghệ thuật của nghệ sĩ Rơ Chăm Phiang, đó là năm 1993, bà là một trong 4 người xuất sắc vượt qua 20 ứng viên để được cử đi tu nghiệp tại Học viện âm nhạc Tchaikovsky (Liên bang Nga) theo học bổng của Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam. Sau 2 năm học ở nước ngoài, Rơ Chăm Phiang về nước và trở thành giảng viên Thanh nhạc của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Từ khi làm công tác giảng dạy, nghệ sĩ Rơ Chăm Phiang dành nhiều thời gian và tâm huyết đào tạo, truyền dạy kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Bà trực tiếp giảng dạy nhiều giọng hát, trong đó có nhiều sinh viên đã trở thành những ca sĩ ở các nhà hát, đoàn nghệ thuật có tiếng.

Theo Đại tá - nghệ sĩ Rơ Chăm Phiang, việc đào tạo các nghệ sĩ theo dòng nhạc cổ điển, opera đòi hỏi sự kiên trì và hơn hết là phải biết truyền “lửa” để các em yêu thích dòng nhạc này. Dòng nhạc thính phòng, cổ điển có cái khó riêng, đòi hỏi nghệ sĩ phải dành nhiều thời gian học tập, tu rèn nhưng khi ra trường chưa hẳn đã có chỗ đứng ngay…

Nếu có kiếp sau vẫn muốn được làm nghệ sĩ

Nghệ sĩ Rơ Chăm Phiang sinh năm 1960, là người con của làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ (Gia Lai). Năm 2019, bà vinh dự được nhận danh hiệu NSND. Nếu ai gặp nghệ sĩ Rơ Chăm Phiang ngoài đời sẽ thấy bà là một nghệ sĩ sống giản dị, mộc mạc và chân thành. Là một nghệ sĩ - chiến sĩ, Rơ Chăn Phiang không ngại khó khăn khi đi biểu diễn từ hải đảo đến những vùng biên giới xa xôi của Tổ quốc.
Một trong những nơi nghệ sĩ Rơ Chăm Phiang luôn muốn được hát đó chính là trên mảnh đất mình sinh ra. “Tôi biết ơn mảnh đất đã sinh ra mình, và tôi tự hào là một người con Gia Rai”, nghệ sĩ Rơ Chăm Phiang nói.

NSND Rơ Chăm Phiang chia sẻ, nghề hát cho bà rất nhiều: được thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc, được đứng trên sân khấu để thăng hoa với những cảm xúc tuyệt vời, được khán giả yêu thương và ủng hộ trong suốt mấy chục năm qua, được sống bằng những đồng tiền lương thiện từ nghề hát, dù không giàu nhưng đủ cho bà thấy hài lòng và hạnh phúc.

Đã bước qua tuổi 60, đến giờ NSND Rơ Chăm Phiang lúc nào cũng tự hào mình là một nghệ sĩ. Bà nói, nếu có kiếp sau vẫn muốn được trở thành người nghệ sĩ như đã may mắn được Tổ nghề chọn.

Với sự cống hiến dành cho âm nhạc, nghệ sĩ Rơ Chăm Phiang vinh dự nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như: Giải Ba cuộc thi hát thính phòng “Hoa cẩm chướng đỏ” ở Nga năm 1983; Huy chương Vàng Âm nhạc quốc tế mùa xuân Bình Nhưỡng năm 1990; giải Nhất liên hoan “Giọng hát vàng ASEAN” năm 1996; Huy chương Vàng Hội diễn toàn quốc 1980… Năm 1997, bà được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú và năm 2019 bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

THƯ HOÀNG

.