Sống chậm để tận hưởng an yên

.

“Chen vai thích cánh để có một chỗ bám trên xe buýt giờ đi làm, nhích từng xen-ti-mét bánh xe trên đường lúc tan sở, quay cuồng với thi cử và tiến độ công việc, lu bù vướng mắc trong những mối quan hệ cả thân lẫn sơ… bạn có luôn cảm thấy thế gian xung quanh mình đang xoay chuyển quá vội vàng?” (Bước chậm lại giữa thế gian vội vã - Hae Min). Có lẽ khi đọc những dòng này, ai trong chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh của chính bản thân mình.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cuộc sống hiện đại, công nghệ và kết nối, để khẳng định giá trị bản thân, mỗi chúng ta đều tự đặt ra cho mình những mục tiêu và cố gắng, nỗ lực để sớm hoàn thành những mục tiêu đó. Guồng quay của mưu sinh, trách nhiệm, nghĩa vụ buộc mỗi người phải liên tục suy nghĩ, vận động, làm việc không ngừng. Thật hiếm hoi để có được một ngày, một giờ hay một phút giây nào đó, chúng ta cho phép bản thân được nghỉ ngơi, “ngắt kết nối” và tận hưởng những thú vị của cuộc sống. “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” là điều không dễ dàng.

Được sống chậm lại giữa hối hả, bộn bề là thời điểm để cơ thể nghỉ ngơi, dưỡng sức, tiếp thêm năng lượng cho công việc còn dang dở. Đó cũng là cơ hội để bản thân được quan sát, suy ngẫm và chiêm nghiệm sâu sắc hơn về muôn mặt đời thường. Khi sống chậm lại, từng khoảng khắc được sống, gửi trao những yêu thương và đón nhận những ân tình sẽ được ghi nhớ, lưu giữ nhiều hơn trong từng ngăn ký ức của mỗi người. Gia tài ngày sau giàu có hay nghèo nàn chính là bởi ký ức của hôm nay.

Quan niệm về sống chậm của xã hội hiện đại gần với quan niệm về “chữ nhàn” của các bậc nho sĩ trong xã hội phong kiến. Là những người có tài “kinh bang tế thế” như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ… cũng đã từng thiết tha với thú nhàn:

Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc,
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?

(Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ.
Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?)
                                        (Chữ nhàn - Nguyễn Công Trứ)

Người xưa tìm đến “nhàn” có khi vì “bất đắc chí”, không gặp thời đành lui về chốn thanh tịnh; có khi đó chính là biểu hiện của triết lý “cầu nhàn, hưởng lạc” khi bản thân đã hoàn thành trách nhiệm với cuộc đời. Tận hưởng thú nhàn hay chọn lối sống chậm thực chất chính là quyền được thưởng thức những giây phút thi vị, êm đềm và an yên, những khoảng khắc được là mình, sống vì mình, sống cho mình.

Trên hành trình giông gió của ngày nối ngày, đêm nối đêm, khi được sống chậm… thật chậm…, cảm xúc sẽ chín muồi, suy nghĩ sẽ chín chắn để mỗi chúng ta vững vàng, tự tin và mạnh mẽ hơn trên hành trình mà mình đã chọn. Khi trái tim và khối óc được cân bằng, bạn không còn cảm giác chênh vênh, chới với, ngụp lặn trong những hỗn độn của công việc, của các mối quan hệ. Rõ ràng, sống chậm không chỉ còn là nhu cầu mà đã trở thành một lối sống tích cực trong xã hội hiện đại.

Sống chậm khác với thói chậm chạp, ì ạch, ỷ lại; càng xa lạ với lối sống sơ sài, hời hợt, thiếu trách nhiệm. Thái độ bình tĩnh và bình thản, thong dong và ung dung, an nhiên và tự tại của người biết sống chậm đúng nghĩa thực chất là một tư thế, một phong thái và đúng hơn là một uy quyền mà không phải ai muốn cũng làm được. Người biết cách sống chậm sẽ là người làm chủ hoàn cảnh, cân bằng cảm xúc, trước giông gió họ điềm nhiên đối diện và tự tin giải quyết.

Bạn hãy thử một lần cảm nhận những gì đang diễn ra xung quanh mình bằng chính cơ thể bạn với tất cả các giác quan: hãy thử ăn thật chậm để cảm nhận vị ngọt của bánh; uống thật chậm để vị cà phê chát đắng hóa nồng nàn; đi thật chậm để hít thở hơi mặn mà của biển quê hương; nhìn thật chậm để kịp thấy hết những nét mặt, những nụ cười, những giọt nước mắt; nói thật chậm để có thể nghe nhiều hơn, nghĩ sâu hơn; hôn thật chậm để khoảng khắc ấy mãi đắm đuối, say sưa; yêu thật chậm để ký ức ngày sau mãi còn một bóng hình và sống thật chậm để cảm nhận những tử tế, yêu thương của cuộc đời này.

Một sớm mai ra đường, chạm vào hơi gió, để gió nũng nịu, vấn vít thịt da. Một chiều rời công sở, ngả lưng trên cỏ để cỏ cây vỗ về, an ủi. Một bữa cơm tối bên gia đình, rộn rã tiếng cười trẻ thơ, rôm rả những câu chuyện không đầu không cuối. Và đêm về, để đầu tựa vai, để tay đan tay ấp ủ, chở che.

THIÊN DI

;
;
.
.
.
.
.