Thức quà quê - bình bát dầm đá đường

.

Bình bát còn có tên là na xiêm, nhưng cái tên bình bát dân dã, dễ đọc hơn. Người lớn thường kháo nhau rằng, ăn bình bát để chữa bệnh tiêu chảy, sốt, giun sán và huyết trắng ở phụ nữ.

Trái bình bát chín vừa giúp giải khát, vừa có công dụng chữa bệnh. Ảnh: youmed.vn
Trái bình bát chín vừa giúp giải khát, vừa có công dụng chữa bệnh. Ảnh: youmed.vn

Nhỏ em họ ở quê ra thăm với túi đồ lỉnh kỉnh toàn quà. Nó cười xởi lởi, có xíu cây nhà lá vườn mang cho mấy cháu chứ nhiều nhặn gì đâu. Bọn con nít thi nhau lục túi dì, tranh phần nhí nhố, duy chỉ có mấy trái bình bát nhìn kém hấp dẫn nên bị chúng bỏ lại. Cũng lâu lắm rồi tôi mới gặp lại thứ quả đã từng gắn bó suốt thời tuổi thơ.

Ở quê, không ai trồng bình bát, chúng thường mọc hoang ven bờ ao với thân cao tầm 2-5m. Mà cũng chẳng ai thèm bứng nhổ, cứ để giống cây dại này tự nảy mầm, rồi đơm hoa kết trái. Chắc bởi bình bát sống lặng lẽ quá, cây lá cứ xanh um, không mùi hương quyến rũ, lẫn hẳn vào đám cây cỏ khác nên ít ai để ý. Vậy mà cây bình bát nào cũng sống dai, khỏe lạ thường. Chúng như bọn con nít vùng quê, chỉ cần hấp thụ khí trời, chất dinh dưỡng của đất mẹ mà mạnh mẽ đâm chồi.

Trái bình bát có hình trái tim, khi còn sống có màu xanh lá, giấu mình kín đáo vào những tán cây, không nhìn kỹ thì không dễ gì phát hiện. Chỉ khi chín, trái mới chuyển sang màu vàng, mặt ngoài hiện rõ từng ô. Bình bát có cùi to ở giữa, với từng múi nhỏ như trái na nhưng không thơm, vị ít ngọt, lại hơi chát. Vì lẽ đó, bình bát còn có tên là na xiêm, nhưng quê tôi hiếm ai gọi tên này. Cái tên bình bát dân dã, dễ đọc, đã in sâu vào tâm trí từ người lớn đến trẻ nhỏ vùng quê. Người lớn hay kháo nhau rằng ăn bình bát để chữa bệnh tiêu chảy, sốt, giun sán và huyết trắng ở phụ nữ.

Còn với bọn trẻ con chúng tôi ngày xưa, thời mà một cây cà rem hay gói mì ăn liền bóp nhuyễn vẫn là thứ quà xa xỉ thì nào quan tâm gì đến những bài thuốc ấy, chỉ cần gọt sạch vỏ, bỏ cùi, dầm thêm chút đường chút đá là bình bát đã trở thành món ăn vặt miễn phí hấp dẫn.

Chúng tôi thường tự làm cây móc với thân tre nhỏ chẻ đầu bẻ cong lại, phía dưới cột thêm cái nón lá cũ rồi đi lùng sục khắp các ao trong làng. Bình bát ra trái nhiều vào mùa mưa, tầm tháng 6 đến tháng 9, cứ vài ba ngày thì cả nhóm tụ họp đi thọc bình bát chín về chia nhau. Bọn tôi vặt sạch luôn những trái chỉ vừa ánh vàng, mang về bỏ vào khạp gạo vài ngày là ăn được.

Hồi đó, cứ chiều chiều, đứa nào đứa nấy cầm một ly lớn bình bát dầm ra khoảng đất trống trong xóm chơi nhảy dây, tạt lon, chơi một hồi lại chạy tới ăn vài muỗng. Vậy mà chẳng bao lâu các ly đều hết nhẵn. Hột bình bát còn được để dành, rửa sạch, phơi khô rồi cất trữ, đợi tới Tết hay đám tiệc trưng dụng để đánh dấu cờ lô tô cho xôm tụ.

Bây giờ, nhà cửa, đường sá được xây mới, dần chiếm hết khoảng không gian ngày xưa, nhưng mỗi dịp về quê vẫn thấy dáng mấy cây bình bát mọc hoang nơi bờ ao chẳng ai nỡ chặt. Đôi khi nhìn trái bình bát chín vàng rụng đầy, tự dưng thấy lòng xa xót, giữa bao nhiêu thức quà vặt hấp dẫn, đi vài bước là có một quầy bán buôn lớn nhỏ, mấy ai còn nhớ món bình bát dầm đá đường ngày xưa…

THANH LAM

;
;
.
.
.
.
.