Đà Nẵng cuối tuần

Văn miếu, Văn thánh, Văn từ, Văn chỉ

13:34, 10/10/2021 (GMT+7)

* Xin cho biết ý nghĩa, quy mô của các thiết chế văn hóa tôn vinh Nho học ngày trước: Văn miếu, Văn thánh, Văn từ, Văn chỉ. (Nguyễn Văn Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng)

Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.Ảnh: V.T.L
Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.Ảnh: V.T.L

- Văn miếu, Văn thánh là cách gọi tắt của Văn Thánh miếu, nghĩa là ngôi miếu thờ vị Thánh về văn theo quan niệm của Nho giáo xưa .

Theo bài viết Đôi nét về Văn từ, Văn chỉ Việt Nam đăng trên Tạp chí điện tử Thế giới Di sản (thegioidisan.vn), Văn miếu đầu tiên của Việt Nam là Văn Miếu Thăng Long được tạo lập năm 1070 dưới triều Vua Lý Nhân Tông. Văn miếu ở các châu, huyện, được cho xây dựng từ năm 1414, sau Văn miếu đầu tiên gần 4 thế kỷ. Ở Huế, Văn Thánh miếu được thành lập năm 1692. Đến năm 1803, theo lệnh của vua Gia Long, khắp các dinh, trấn đều lập Văn miếu (theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục).

Song song với sự xuất hiện hệ thống Văn miếu và các trường học, trường thi Nho học tại các địa phương là sự hình thành và phát triển của một mạng lưới dày đặc các Văn từ, Văn chỉ khắp các tổng, huyện, làng, xã. Văn từ, Văn chỉ thường được xây dựng tại các vùng đất cổ có truyền thống khoa bảng, chứ không ở trung tâm tỉnh lỵ, chủ yếu là tiện đường đi lại để dễ tổ chức tế tự. Thông thường Văn từ lớn hơn Văn chỉ. Quy mô xây dựng nhỏ dần từ cấp tổng, huyện đến xã, thôn.

Theo sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, nơi thờ Khổng Tử và các vị Tiên Nho, nếu để lộ thiên thì gọi là Văn chỉ, nếu lợp mái thì gọi là Văn từ. Cũng có nơi, người dân địa phương vẫn gọi là Văn chỉ dù được lợp mái. Xưa, các Văn từ, Văn chỉ là nơi tôn vinh Nho học, diễn ra các hoạt động tế tự, ban bố các chính sách khuyến học... của Hội Tư văn.

Bài viết “Bát Tràng, làng gốm, làng khoa bảng” đăng trên báo Hànộimới (hanoimoi.com.vn) cung cấp một thông tin lý thú. Theo đó, xưa kia Văn chỉ Bát Tràng thường ngày được dùng làm trường học. Trừ dịp xuân tế và thu tế, đây là nơi Hội Tư văn bàn việc học hành, biểu dương người thành đạt, bình thơ và trang trọng đọc tên 364 vị tiên nho của làng được thêu trên hai bức trướng bằng vóc. Văn chỉ Bát Tràng còn là nơi sơ khảo học trò của làng trước khi họ đi thi. Riêng làng Bát Tràng có Hào chỉ, nơi sinh hoạt của các vị không phải là quan viên Tư văn nhưng đang tham gia điều hành việc làng. Bát Tràng là làng quê trọng văn học, trọng người đỗ đạt; những người giàu có, quyền chức mà kém chữ không được vào Hội Tư văn và không được sinh hoạt trong Văn chỉ.

Ở Đà Nẵng, ngày trước trên địa bàn Hòa Vang có Văn chỉ La Châu cách trung tâm thành phố về hướng tây nam khoảng 25km, tọa lạc ở làng La Châu, tổng Phước Tường thượng, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam; nay thuộc thôn La Châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Người có công sáng lập Văn chỉ La Châu là Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh (1818-1862), một người con của làng La Châu. Ông thi đậu Tam Giáp đồng Tiến sĩ, đứng hàng thứ 4, khoa Mậu Thân năm 1848. Tên ông được khắc vào văn bia số 12, tại khu Văn Thánh miếu ở Kinh thành Huế xưa, nay thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Văn chỉ La Châu là một trong những công trình văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật có giá trị, nhưng tiếc thay tất cả đã bị phá hủy sau hai cuộc chiến tranh. Ngày nay, Văn chỉ La Châu chỉ còn lại nền móng của ngôi nhà thờ cũ và 5 văn bia. Tuy không còn nhưng Văn chỉ cũng đã một thời gắn bó và đi vào tâm thức của người dân La Châu hơn 150 năm qua.

ĐNCT

.