Nền tảng YouTube tuyên bố sẽ gỡ bỏ các video có thông tin sai lệch về các loại vắc-xin ngừa Covid-19 đã được kiểm duyệt.
YouTube đã gỡ hơn 130.000 đoạn video từ năm ngoái sau khi phát hiện vi phạm về chính sách liên quan Covid-19. Ảnh: CNN |
Thông báo của YouTube khẳng định: “Chúng tôi nhận thấy có những thông tin sai lệch về các loại vắc-xin ngừa Covid-19. Chúng tôi đang ở thời điểm mở rộng quá trình xử lý vấn đề thông tin sai lệch về Covid-19 cho tới các loại vắc-xin”. YouTube còn thông tin thêm: Những nội dung sai lệch cho rằng vắc-xin ngừa Covid-19 gây ra bệnh tự kỷ, ung thư hoặc vô sinh, hay việc có khả năng theo dõi những người tiêm đã vắc-xin, cũng sẽ bị gỡ bỏ.
Chính sách kiểm soát các bài đăng về vắc-xin của YouTube sẽ được mở rộng đối với tất cả loại vắc-xin đang được sử dụng và được cơ quan y tế địa phương, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng minh an toàn, hiệu quả. Theo đó, những tuyên bố sai về tiêm chủng phòng các bệnh như sởi, viêm gan B, cũng bị gỡ khỏi YouTube. Nền tảng này xác nhận đã gỡ hơn 130.000 đoạn video từ năm ngoái sau khi phát hiện những vi phạm về chính sách liên quan Covid-19.
WHO từng cảnh báo, tin giả về vắc-xin ngừa Covid-19 đang gây tổn hại cho các chương trình tiêm chủng, làm suy yếu cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia, thậm chí đẩy tính mạng người dân vào nguy hiểm. Trưởng ban Chỉ đạo kỹ thuật của WHO, bà Maria Van Kerkhove nói rằng, tình trạng lan truyền thông tin sai lệch chính là một yếu tố nguy cơ giúp virus tiếp tục lây lan và gây hại. Các chuyên gia y tế thế giới gọi những thông tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội là loại virus “siêu lây lan” và gây nguy hiểm không kém SARS-CoV-2.
Các loại vắc-xin ngừa Covid-19 đang được sử dụng trong các chiến dịch tiêm chủng trên khắp thế giới, mang lại hy vọng sớm đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường. Các nội dung liên quan tới hiệu quả của vắc-xin, cách thức vắc-xin hoạt động... được nhiều người quan tâm, tìm kiếm trên mạng. Tuy nhiên, không ít thông tin sai lệch, không có căn cứ khoa học, khiến mọi người hoang mang, không đi tiêm chủng hay tẩy chay vắc-xin... đã được phát tán trên các nền tảng như Facebook, TikTok, Twitter.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng kêu gọi các nền tảng mạng xã hội kiểm duyệt những thông tin sai lệch liên quan vắc-xin. Theo ông, “đại dịch duy nhất” đang hoành hành ở Mỹ là sự lây nhiễm ở những người chưa tiêm vắc-xin. Số ca mắc Covid-19 với biến thể Delta hiện tăng trở lại ở Mỹ, nhất là ở những bang tỷ lệ tiêm chủng thấp.
HOÀNG ĐẶNG (theo The Hill, Fox Business)