Chúng ta phải sống khác

.

Khi đã xác định không thể đạt được “Zero Covid”, chúng ta đã sẵn sàng tâm thế sống chung với dịch bệnh. Nghị quyết số 128/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11-10-2021 về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, thích ứng, kiểm soát hiệu quả Covid-19" và Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12-10-2021 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128/NĐ-CP đã “luật hóa” và cụ thể hóa tinh thần đó.

Sống chung với dịch bệnh hay sống chung với virus có cùng biểu hiện là sự thay đổi, cụ thể là thay đổi cách sống. Chúng ta phải sống khác. Vậy “khác” như thế nào?

Xin bắt đầu bằng câu chuyện mới nhất của doanh nhân trẻ Hoàng Tuấn Anh ở Thành phố Hồ Chí Minh. Anh nổi tiếng từ giữa năm 2020 khi “phát minh” ra ATM gạo, chia sẻ gạo an toàn đến tay người nghèo, giúp họ vượt qua cái đói trước mắt. Tiếp đến là ATM khẩu trang và năm 2021 này, khi Covid-19 bùng phát ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Hoàng Tuấn Anh tiếp tục sáng tạo ra ATM ôxy, bắt đầu từ tháng 8. Tính đến nay, ATM ôxy đã triển khai 23 trạm tại 22 trụ sở Quận - Huyện Đoàn và Thành Đoàn Thủ Đức, mở rộng tại 418 trạm y tế lưu động với quy mô hơn 7.000 bình ôxy. Qua đó, Hoàng Tuấn Anh đã hỗ trợ bình ôxy cấp cứu kịp thời hơn 30.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà có triệu chứng trở nặng hoặc người dân có nhu cầu đổi ôxy để tiếp tục điều trị các bệnh nền, bệnh mạn tính.

Lăn lộn mấy tháng trời với bệnh nhân Covid-19, đầu tháng 11-2021, Hoàng Tuấn Anh bị mắc Covid-19. Trẻ, khỏe như chàng trai sinh năm 1986 này mà có lúc bị virus Delta “vật” đến mức phải dùng đến bình ôxy để trợ thở khi chỉ số SPO2 tụt giảm chỉ còn 83-85. Hơn 10 ngày qua, Hoàng Tuấn Anh căng mình chiến đấu với Covid-19, nhiều người tưởng vì vậy mà anh “buông súng”, bỏ mặc tất cả...

Không hề, “cha đẻ” của ATM ôxy vẫn điều hành công việc nhóm từ thiện của mình, tiếp tục hỗ trợ bình ôxy cho các F0 không chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh mà mở rộng xuống các tỉnh miền Tây - nơi Covid-19 đang lây lan mạnh, như An Giang, Bạc Liêu…, miệt mài suốt ngày lẫn đêm.

Thử nghĩ, một khi đã cống hiến cho cộng đồng nhiều rồi, bản thân lại đang trong tình thế hiểm nguy như vậy, Hoàng Tuấn Anh có quyền chọn cho mình lối sống an toàn, từ bỏ mọi thứ để chăm sóc bản thân trước đã. Nhưng anh (và đồng đội) đã không chọn cách đó. Thái độ sống mà anh chọn là cống hiến, sẻ chia và dấn thân. Đấy phải chăng là lý tưởng sống cao đẹp như một tấm gương để lớp lớp bạn trẻ ngày nay soi vào và học tập. Và sau những trải nghiệm sâu sắc, chưa từng có qua đại dịch, người Việt chúng ta biết yêu thương nhau hơn, sống ít vị kỷ hơn, biết nghĩ tới tha nhân nhiều hơn.

Chúng ta đã thay đổi quan điểm và chiến lược, thay vì giãn cách hay phong tỏa vô hạn định thì từng bước mở cửa để phục hồi sản xuất - kinh doanh, trả lại cuộc sống bình thường cho người dân. Vừa chung sống thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, vừa mở cửa thông thương, đón khách quốc tế, thu hút đầu tư thì mới tích lũy được thêm nguồn lực để ứng phó với mọi mối đe dọa, trong đó có đại dịch Covid-19 dự báo sẽ còn kéo dài.

Mục đích như trên đã rõ. Nhưng cũng chính vì để đạt được mục đích ấy mà có nơi có chỗ đã hiểu sai hoặc cố tình làm sai. Chẳng hạn như kế hoạch mở cửa du lịch trở lại, hầu hết các địa phương có tiềm năng về lĩnh vực này đều rục rịch chuẩn bị, có vài nơi đã tiến hành. Ai cũng biết du lịch đi kèm với rất nhiều dịch vụ như ẩm thực, lưu trú, vận chuyển, mua sắm…, trong khi toàn bộ những dịch vụ này muốn bao giờ mở cửa trở lại, mở đến mức nào đều phải bám sát diễn biến dịch theo từng cấp độ (vùng màu).

Đại dịch một lần nữa nhắc nhở rằng hãy quan tâm nhiều hơn đến giấc ngủ ngon của cộng đồng.

DƯƠNG QUANG

;
;
.
.
.
.
.