Gian nan thử sức

.

Đối với sinh viên ngành du lịch năm cuối hoặc mới ra trường, 2 năm đại dịch Covid-19 là “liều thuốc” thử thách sự kiên nhẫn để khởi đầu công việc chuyên môn.

Thực tập ít, tốt nghiệp muộn

Học ngành du lịch, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng khóa 2018-2021, P.T.U (trú đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê) dự kiến tốt nghiệp vào tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, đã bước qua tháng 11, U. vẫn chưa ra trường. “Em phải có chứng chỉ tiếng Anh TOEIC 450 và chứng chỉ Tin học văn phòng mới đủ điều kiện tốt nghiệp. Dự định tháng 5-2021, em có chứng chỉ nộp nhà trường và một tháng sau đó tốt nghiệp là vừa. Thế nhưng, Covid-19 bùng phát nên kế hoạch thi lấy các chứng chỉ bị dừng kéo dài”, P.T.U tâm sự.

Tống Lý Như Quỳnh trong buổi làm việc tại nhà hàng. Ảnh: H.D
Tống Lý Như Quỳnh trong buổi làm việc tại nhà hàng. Ảnh: H.D

Đây không phải lần đầu tiên việc học của U. bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. Trước đó, hồi đầu năm 2021, U. đăng ký đi thực tập tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) với vị trí nhân viên buffet nhà hàng. Lần đầu tiên xa nhà trong dịp Tết Nguyên đán với nhiều cảm xúc lưu luyến, U. vẫn háo hức chọn đi tận 3 tháng để trải nghiệm thực tế. Nhưng rồi kỷ niệm nhớ nhất trong hành trình lại là việc bị rút ngắn khóa thực tập chỉ còn nửa chặng đường. Phải trở về sớm khi dịch phức tạp, U. tiếc nuối bởi đó là trải nghiệm thực tế quý giá nhất trong suốt 4 năm học.

Cùng lớp với P.T.U, Tống Lý Như Quỳnh may mắn hơn khi được thực tập trọn vẹn gần 4 tháng tại một khu nghỉ dưỡng ở Hội An (tỉnh Quảng Nam). Khi thành phố Đà Nẵng cho phép các dịch vụ hoạt động trở lại hồi đầu tháng 10-2021, Quỳnh được làm việc với vị trí Tổ trưởng quản lý nhân viên tại nhà hàng Đô Bất Tử (đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà). Có điều, cũng trong tình cảnh tương tự, Như Quỳnh chưa biết khi nào mới được cầm tấm bằng tốt nghiệp. “Em cần có chứng chỉ tiếng Trung để đủ điều kiện ra trường. Việc thi cứ hoãn tới hoãn lui vì dịch. Nghe đâu tháng 12 tới sẽ có đợt thi lấy chứng chỉ tiếng Trung nhưng giờ vẫn chưa nhận được thông báo gì, không biết có lại chờ đợi thêm nữa không”, Như Quỳnh chia sẻ.

Trong khi đó, Bùi Đình Tr., SV năm cuối, Viện Đào tạo và Nghiên cứu du lịch, Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng hiện chưa tìm được doanh nghiệp để xin vào thực tập dù thời hạn tốt nghiệp không còn bao lâu nữa. Đình Tr. bày tỏ: “Nếu hỏi Covid-19 gây khó khăn gì nhất cho em thì đó là việc không kiếm được nơi để thực tập. Em học chuyên ngành Quản trị nhà hàng và khách sạn, mà các cơ sở kinh doanh dịch vụ này ngưng hoạt động thì lấy đâu ra chỗ tiếp nhận SV. Nếu không được trải nghiệm thực tế, có lẽ em phải tiếp tục học học phần thay thế cho đến khi ra trường”.

Luyện ngoại ngữ, giữ lạc quan

Không tránh khỏi cảm giác chờ đợi mỏi mòn khi du lịch cứ lên lịch mở cửa rồi lại từ từ nghe ngóng tình hình dịch bệnh, nhưng những bạn trẻ vẫn lạc quan chia sẻ kế hoạch rằng, họ đang tranh thủ những ngày nhàn rỗi luyện ngoại ngữ để khi có thể bắt tay vào việc thì ở tâm thế sẵn sàng và tự tin.

Học thêm ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng đang là ưu tiên hàng đầu trong danh sách các công việc chuẩn bị cho ngày bước chân thực sự vào lĩnh vực du lịch. “Em đã được thi TOEIC hồi đầu tháng 11 này, khả năng kết quả sẽ tốt vì những ngày qua em dành hầu hết thời gian nâng cao trình độ tiếng Anh”, P.T.U tươi cười cho hay. Bùi Đình Tr. lại chọn các video trên mạng để nâng cao trình độ ngoại ngữ . Theo Đình Tr., làm công việc phục vụ nhà hàng có nhiều khách nước ngoài, tiếng Anh lưu loát giúp mang lại sự tự tin giao tiếp. Hơn nữa, em vẫn tin tưởng dịch sẽ qua, du lịch sớm hồi phục và cần ngay lượng lớn người lao động trong ngành này. Khách quốc tế cũng đến Đà Nẵng nhiều hơn nên bản thân phải chủ động chuẩn bị đón ngay cơ hội.

Có thể nói, những thử thách các SV năm cuối ngành du lịch đang đối mặt vẫn chưa “thấm tháp” so với lứa SV ra trường trước đó 1 năm. Nguyễn Hữu Gia Thành (trú đường Trần Xuân Lê, quận Thanh Khê), học ngành Quản trị khách sạn và du lịch, Trường Đại học Duy Tân, tốt nghiệp năm 2020 và hăm hở bước chân vào nghề với vị trí giám sát nhà hàng. Được đúng 2 tháng thì Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Đà Nẵng đợt 1, nhà hàng dừng hoạt động vì không thể gánh nổi chi phí mặt bằng 150 triệu đồng/tháng. Mất việc và mất luôn mấy tháng lương không được trả nên buổi đầu bước chân vào nghề của Gia Thành không hề thuận lợi.

Dù vậy, hiện tại Gia Thành xác định “sống chung với dịch” bằng quyết tâm luyện tiếng Nhật. Biết tiếng Anh và đã có một năm học văn hóa tại Hàn Quốc nên Gia Thành có thể sử dụng cơ bản hai ngôn ngữ này. Không dừng ở đó, Thành đang dành thời gian ở nhà học tiếng Nhật với kỳ vọng qua dịch sẽ có việc làm tốt hơn. “Dịch bệnh cho em thấy rằng phải có sự đầu tư nghiêm túc và lâu dài về kiến thức mới xây dựng được công việc chắc chắn cho bản thân. Em muốn khi dịch được kiểm soát ở mức an toàn sẽ sang Nhật học và làm việc tiếp. Sau đó trở về Đà Nẵng sử dụng những trải nghiệm có được ở các nơi để tạo dựng công việc mới cho chính mình. Khó khăn nào rồi cũng sẽ qua, kể cả đại dịch, nên thay vì buồn chán, em vẫn đang nỗ lực nuôi dưỡng ước mơ của mình để sớm trở thành hiện thực”, Nguyễn Hữu Gia Thành bộc bạch.

HƯỚNG DƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.