Hai người vợ của Chí sĩ Thái Phiên

.

Thái Phiên (1881-1916) là nhân vật lịch sử. Những nghiên cứu gần đây của các tác giả đã hé lộ thêm vài điều về đời tư, đặc biệt về hai người vợ của ông.

Đình làng Quang Châu, quê bà Trần Thị Băng, vợ hai của Chí sĩ Thái Phiên.  Ảnh: V.T.L
Đình làng Quang Châu, quê bà Trần Thị Băng, vợ hai của Chí sĩ Thái Phiên. Ảnh: V.T.L

Vườn hoa trắng cho người vợ đầu

Trịnh Thị Nhuận (1881-1908) là vợ đầu của Thái Phiên. Theo tác giả Nguyễn Trương Đàn trong tác phẩm Chí sĩ yêu nước Thái Phiên qua những tư liệu mới (NXB Đà Nẵng, 2017), bà là con gái thứ hai của ông Trịnh Thiện Giáo, một người giàu có ở làng Nghi An (nay là phường Hòa An, quận Cẩm Lệ). Với cảnh nhà “tai mắt trong làng”, nhiều ruộng đất, ông Giáo là người có học nhưng không chịu đi thi để làm quan mà ở nhà sống bằng nghề nông. Ông không chỉ chuyên trồng mà còn thu mua, chế biến và buôn bán thuốc lá Cẩm Lệ, trong nhà luôn có vài chục người chuyên làm các công việc này.

Buôn bán nhiều nhất với Huế, ông quen biết khá thân với ông Đoàn Bổng, một người sống ở đường Đông Ba (đường Huỳnh Thúc Kháng ngày nay) và làm thơ lại ở Bộ Hộ. Về sau ông đã vận động Đoàn Bổng tham gia tổ chức Việt Nam Quang phục hội do Thái Phiên lãnh đạo.

Có tài liệu cho rằng, Thái Phiên cưới bà Trịnh Thị Nhuận vào năm 1898 khi cả hai mới 17 tuổi. Nhiều người không đồng tình với mốc thời gian này vì cho rằng lúc đó ông Phiên còn quá trẻ và tại sao 5 năm sau (năm 1903), con gái đầu của ông mới chào đời. Một số nhà nghiên cứu phỏng đoán hai người cưới nhau vào những năm đầu thế kỷ 20, lúc này bà Nhuận khoảng 19-20 tuổi.

Nguyễn Trương Đàn cho biết, bà Nhuận tính tình sôi nổi, lanh lợi, hoạt bát. Trong hoạt động yêu nước, chính bà là cánh tay đắc lực cho Thái Phiên trong việc đi buôn chuyến để gây dựng kinh tài cho Duy Tân hội. Bà thường đi liên miên, buôn bán rất có duyên. Có những chuyến đi buôn phải kêu 2-3 người gánh bạc về. Bạc đưa về có lần bị ướt, ông nội bà đổ ra nong phơi trong buồng.

Vợ chồng Thái Phiên - Trịnh Thị Nhuận sống với nhau rất đầm ấm và có một người con là Thái Thị Tuyết. Cuộc sống đang sum vầy êm ấm thì không hiểu sao bà Nhuận đột ngột qua đời vào ngày 6-4-1908, khi mới 27 tuổi, con gái mới được 4-5 tuổi. Thái Phiên đau buồn an táng vợ ở vườn Sửu, là khu vườn rộng do ông Trịnh Thiện Giáo cho con rể, hiện nằm ở phía tây nam sân bay Đà Nẵng. “Thái Phiên tỏ lòng thương nhớ người bạn đời xấu số và để tang vợ bằng cách trồng đầy một vườn hoa trắng xung quanh mộ của bà Nhuận và nhiều tháng liền quanh quẩn chăm sóc vườn hoa trắng” (sđd trang 30).

Và “đau buồn sau cái chết đột ngột của vợ, Thái Phiên đã tìm sự quên lãng trong thú giao du cùng các nhà Cách mạng” (Nguyễn Sinh Duy, Thái Phiên và cuộc Duy Tân khởi nghĩa, Tạp chí Bách Khoa số 123 năm 1962).

Mái tóc thấm máu chồng của người vợ thứ hai

Người vợ thứ hai của Thái Phiên tên là Trần Thị Băng, đến nay vẫn chưa rõ năm sinh và năm mất (có thể mất năm 1916). Bà là con gái của nhà phú hộ Học Băng, tên thật là Trần Thượng Hữu ở làng Quang Châu, nay là thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Gọi là Học Băng vì “ông Trần Thượng Hữu đã đậu một kỳ sát hạch, được ăn lương của nhà nước bảo hộ lúc bấy giờ mà tiếp tục đi học, được gọi là học sinh và Băng là gọi theo tên của người con đầu (của ông - ĐNCT) như cách gọi thông thường trước đây” (Nguyễn Trương Đàn, sđd, trang 34).

Trong tác phẩm Phong trào Duy Tân, ở trang 161, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân cho biết, ông Học Băng có nhiều đóng góp cho phong trào: “Nông hội Yến Nê rộng chừng 20 mẫu ta. Đất này do lý hương tự ý cắt cho một phần, phần khác do những người có tâm huyết cúng vào. Người có công đầu là ông Học Băng ở Quang Châu (ông gia của liệt sĩ Thái Phiên), ông có chân học sinh, giỏi, giàu lớn… Ông luôn xung phong bỏ những món tiền rất lớn để giúp cho bất kỳ công tác nào của Phong trào Duy Tân”.

Trần Thị Băng là con gái đầu của một gia đình đông con, gồm 15 người cả trai lẫn gái. Theo Nguyễn Trương Đàn trong sách đã dẫn, cuộc hôn nhân của bà với Thái Phiên là do Tú tài Đỗ Tự (người làng Diệm Sơn, nay là xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), một đồng chí của Thái Phiên, làm mai mối và được ông Trịnh Thiện Giáo, cha vợ trước của Thái Phiên đứng làm chủ hôn.

Về thời gian đám cưới thì không có tài liệu nào đề cập cụ thể, nhưng chắc chắn phải sau năm 1911 vì bà Trịnh Thị Nhuận, vợ trước của Thái Phiên mất ngày 6-4-1908 và ông rất đau buồn, theo lời Nguyễn Trương Đàn được dẫn ở trên. Thiết nghĩ, với tình cảm tha thiết như vậy, Thái Phiên phải để tang vợ ít nhất 3 năm.

Cuộc hôn nhân với bà Trần Thị Băng chắc chắn tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động cách mạng của Thái Phiên. Thứ nhất, ông không phải mưu sinh để nuôi vợ con vì nhà bà Băng giàu có. Không những không phải lo kinh tế gia đình, mà Thái Phiên còn chắc chắn được phía nhà vợ hỗ trợ tài chính cho phong trào. Học Băng là người giàu có, yêu nước và cũng rất hào sảng. Thứ hai, nhà ông Học Băng ở Quang Châu rất thuận lợi cho hoạt động của Thái Phiên, dù nằm gần đường thiên lý Bắc - Nam nhưng rất kín đáo, được bao bọc bởi hàng rào tre rậm rạp lại nằm giữa đoạn đường từ nhà Thái Phiên (Nghi An) với nhà của Đỗ Tự (Miếu Bông).

Có nhà nghiên cứu cho rằng, Thái Phiên lấy con gái phú hộ Học Băng nhằm tạo thuận lợi cho công tác kinh tài của tổ chức. Nói như vậy rất dễ gây hiểu nhầm về cuộc hôn nhân… trong sáng này. Nguyễn Sinh Duy trong bài đã dẫn cho rằng, đám cưới giữa Thái Phiên và Trần Thị Băng được tổ chức với lễ nghi đơn giản, chỉ có một bữa tiệc gọn nhẹ tại nhà ông Học Băng có Tú tài Đỗ Tự tham dự. Rồi sau đó Thái Phiên chia tay gia đình ông bà Học Băng và người vợ trẻ để đi hoạt động cách mạng. Có lẽ do chi tiết này mà trong truyện Rồi máu lên hương, Nguyễn Văn Xuân cho rằng, bà Băng chỉ gần chồng vỏn vẹn 2 lần là đêm tân hôn và lúc… ra pháp trường.

Trong tác phẩm để đời Hương Máu, Nguyễn Văn Xuân đã tiểu thuyết hóa cái chết của bà Trần Thị Băng, là hôm xử chém Thái Phiên ở bãi chém An Hòa, bà Băng đã mặc sẵn đồ tang và khi Thái Phiên bị chém, bà xổ mái tóc dài của mình chạy đến thấm hết máu của Thái Phiên rồi để nguyên như vậy không chịu tắm gội cho đến lúc chết.

Nguyễn Trương Đàn cho rằng, đến nay nhiều người - nhất là những người ở quê và trong tộc họ của bà - rất tin vào những câu chuyện mà các nhà văn viết về bà.

LÊ THÍ

;
;
.
.
.
.
.