Hò Quảng và Hồ Quảng

.

* Trong các buổi biểu diễn dân ca bài chòi, có lúc tôi nghe người dẫn chương trình giới thiệu điệu hò Quảng, cũng có lúc họ nói là điệu hồ Quảng. Vậy từ nào đúng, hò Quảng hay hồ Quảng? (Bùi Ngọc Thành, Hải Châu, Đà Nẵng)

Hò Quảng là một trong 4 làn điệu chính của dân ca Bài chòi Quảng Nam. Trong ảnh: CLB Bài chòi Sông Yên (huyện Hòa Vang) biểu diễn tại Hội làng Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Ảnh: V.T.L
Hò Quảng là một trong 4 làn điệu chính của dân ca Bài chòi Quảng Nam. TRONG ẢNH: CLB Bài chòi Sông Yên (huyện Hòa Vang) biểu diễn tại Hội làng Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Ảnh: V.T.L

- Hò Quảng và Hồ (viết hoa) Quảng là hai làn điệu khác nhau.

Hò Quảng là một trong 4 làn điệu chính của dân ca bài chòi Quảng Nam, gồm xuân nữ, cổ bản, xàng xê và hò Quảng. Hò Quảng được cho là một lối khác của nói vè, tức ngâm thơ theo âm điệu địa phương có nhạc điệu, làn điệu kèm theo, nên được coi là một thể dân ca, một điệu hát riêng. Có khi được gọi là nói thơ, thi kể chuyện bằng thơ với vần điệu hấp dẫn.

Hò Quảng được Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) dẫn nguồn tin từ Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam, nhắc đến trong bản tin “Quảng Nam: Tập huấn kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật bài chòi”. Theo đó, trong 10 ngày, từ ngày 4 đến 14-10-2021, tại thành phố Tam Kỳ, Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam tổ chức lớp tập huấn “Truyền dạy, bồi dưỡng kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật bài chòi cho các nghệ nhân, Câu lạc bộ/ Nhóm những người có khả năng tiếp thu và thực hành di sản bài chòi”. Tại lớp tập huấn, học viên được nghệ nhân bài chòi ở thành phố Hội An hướng dẫn đàn và hát các làn điệu dân ca bài chòi khu V như: xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hò Quảng và các điệu lý, điệu hò.

Trong khi đó, Hồ Quảng là tên gọi một trong 3 nhánh cải lương, gồm: cải lương xã hội, cải lương tuồng cổ (giả sử) và cải lương Hồ Quảng.

Bài viết “Cải lương Hồ Quảng” đăng trên clbgiaidieuphuongnam.blogspot.com (CLB Giai điệu phương Nam, trực thuộc Nhà Văn hóa Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, cải lương Hồ Quảng là một loại hình nghệ thuật phối hợp giữa 3 nghệ thuật: cải lương, tuồng kịch Bắc Kinh và tuồng kịch Quảng Ðông. Cuối thập niên 1940 sang đầu thập niên 1950, những nghệ sĩ như Phùng Há, Cao Long Ngà, Năm Phỉ có dịp sang Quảng Ðông học hỏi “vũ đạo” của các nghệ sĩ tuồng kịch truyền thống ở đây và mang “vũ đạo” này trên sân khấu khi về nước, đạt được nhiều thành công.

Về sau, các nghệ sĩ pha điệu hát Hồ Quảng vào các tuồng cải lương. Khi được khán giả chấp nhận, cải lương Hồ Quảng trở thành một bộ môn riêng, với nhịp trống, điệu hát và y trang Bắc Kinh, Quảng Ðông, phối hợp với cách hát cải lương và ca vọng cổ Nam Bộ. Cải lương Hồ Quảng có y trang rực rỡ và cách diễn bằng “biểu tượng” không thua gì hát bội, nhưng hát bội lại khó nghe, khó hiểu, trong khi đào kép trong cải lương Hồ Quảng thì nói ít, diễn nhiều, khi hát thì hát theo lối vọng cổ và một số làn điệu của cải lương rất dễ nghe.

Tuy là một bộ môn nghệ thuật sân khấu Việt Nam có một nguồn gốc khác phức tạp, nhưng theo kết luận của bài đã dẫn, cải lương Hồ Quảng vẫn mang bản sắc Việt. Qua cách trình diễn của các nghệ sĩ Việt Nam, tất cả các loại hình nghệ thuật này phối hợp nhuần nhuyễn với nhau, tạo thành một sắc thái riêng. Khán giả thưởng thức một vở tuồng diễn theo lối cải lương Hồ Quảng nhìn thấy ngay là nó rất Việt Nam, không lẫn với ca kịch Trung Hoa được. Điều đó thể hiện cái tài của người nghệ sĩ, cũng là đặc thù của văn hóa Việt Nam.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.