Học sinh giỏi Văn chia sẻ bí quyết thoát ly văn mẫu

.

Thầy cô giáo dạy Ngữ văn thường khuyến khích học sinh tham khảo các bài văn mẫu. Tuy nhiên, chuyện học sinh bị “trật tủ” trong các kỳ thi là khá phổ biến do học thuộc văn mẫu. Chỉ cần đề thi thay đổi một chút yêu cầu thì học sinh lúng túng hoặc làm lạc đề, thậm chí có những em ngồi chép lại đề để không phải bỏ giấy trắng.

Những cuốn sách tham khảo Ngữ văn lớp 8. Ảnh: newshop.vn
Những cuốn sách tham khảo Ngữ văn lớp 8. Ảnh: newshop.vn

Em Lê Đăng Quốc, học sinh lớp 11, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà) kể: “Lúc ôn thi vào lớp 10, em học tủ một số bài văn mẫu vì nghĩ rằng đây là những bài văn hay, sẽ dễ đạt điểm cao nếu mình học thuộc rồi vào đó chép lại. Nhưng em thấy rằng chỉ cần đề ra “mẹo” một chút thì em rất khó để thoát ra những bài văn mẫu đã học thuộc để viết theo ý mình. Ngoài lý do bị ảnh hưởng tâm lý, em còn bị phụ thuộc quá nhiều vào bài văn mẫu, nên bài thi cũng chỉ đạt điểm trên trung bình”.

Ở bậc THPT, do khối lượng kiến thức nhiều, không thể học thuộc văn mẫu nữa, Quốc bắt đầu thay đổi cách học.“Em đọc tham khảo các bài văn mẫu và nhớ ý rồi diễn đạt lại theo cách của mình. Dù chỉ đạt điểm khá môn Văn nhưng em thấy học Văn như thế rất thú vị, em viết bài nhanh hơn”, Quốc cho biết.

Đinh Văn Tiên Sơn, cựu học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh đoạt giải Nhất môn Ngữ văn kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 thành phố Đà Nẵng năm học 2020-2021 cho rằng, văn mẫu là nguồn kiến thức thú vị để tham khảo và trau dồi thêm, mỗi quyển sách tham khảo cho mình khía cạnh riêng của người viết ra.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong tiếp cận với sách tham khảo môn Văn, Sơn cho biết: “Trong quá trình học môn Văn, em thường tham khảo thêm những dẫn chứng, cách lập luận. Lúc chọn văn mẫu, nên lựa những quyển sách của các nhà xuất bản uy tín hoặc của các thầy cô nổi tiếng chứ không nên lựa những quyển sách đại trà”.

Thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú nhận xét: “Có nhiều học sinh lệ thuộc văn mẫu đến mức cứ nhắc đến tác phẩm nào thì tìm những bài phân tích sẵn rồi chép chứ không quan tâm đến câu lệnh của đề bài, cũng không đọc thử nội dung. Những bài làm này đều nhận được lời phê “không bám sát yêu cầu của đề” hay nặng hơn là “lạc đề” và không thể vượt quá điểm trung bình”.

Theo thầy Hòa, có những em học thuộc văn mẫu rồi chép nên khi phân tích tác phẩm Vợ nhặt (Kim Lân) vẫn đưa chi tiết mua hai hào dầu vào bài. Hay khi phân tích Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) vẫn nhắc đến cánh tay trẻ tráng của người lái đò. Những chi tiết này, sách giáo khoa đã lược bỏ. Chấm bài kiểm tra đánh giá thường xuyên của học sinh, chỉ cần giáo viên vào Google tra vài dòng hay nhất trong bài làm là truy được nguồn tham khảo, giáo viên đành ghi vào ô lời phê: “Chép từ trang: http...”.

Lê Minh Bảo Châu, cựu học sinh Trường THPT Trần Phú, đoạt giải Nhất môn Ngữ văn kỳ thi học sinh giỏi thành phố Đà Nẵng năm học 2020-2021 cho rằng: “Đọc văn mẫu không hẳn không tốt cho việc học Văn. Cách đọc và mục đích đọc như thế nào mới là điều quan trọng. Đọc để tích lũy thêm một số tri thức, không đọc để tự rập khuôn tư duy và giới hạn sức sáng tạo của bản thân”.

Theo Đinh Văn Tiên Sơn, học sinh nên tập kỹ năng tự diễn đạt khi học môn Văn và nên bắt đầu viết từng đoạn ngắn. “Nếu học thuộc văn mẫu đến mức phụ thuộc, các bạn sẽ rất khó diễn đạt được suy nghĩ của mình. Tập cách tự viết văn, cũng hỗ trợ cho các môn học khác như viết bài thuyết trình, viết tiểu luận. Lên bậc học cao hơn, các bạn khối A nếu không nhuần nhuyễn kỹ năng viết sẽ gặp rất nhiều lúng túng”, Sơn chia sẻ.

HÀ TRẦN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích