Hương rượu lòn bon vẹn tròn một dạ

.

Ở xứ Tiên (vùng đất trung du Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) quê tôi, hầu như nhà nào có vườn đều trồng vài ba cây lòn bon. Nhà có đất rộng trồng cây dày lấy trái đem bán làm kế sinh nhai. Lòn bon là loại trái “chim ăn trả hạt cho người”. Cây không cần chăm sóc nhiều, mọc lên ở đó giữa mưa nắng dãi dầu, bám đất khô cằn bạc màu vẫn xanh tốt. Dường như thổ nhưỡng nơi đây là “vùng đất hứa” để cây gắn bó và cho quả ngọt.

Ở Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), hầu như nhà nào có vườn đều trồng vài ba cây lòn bon.  Ảnh: facebook.com/cadao
Ở Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), hầu như nhà nào có vườn đều trồng vài ba cây lòn bon. Ảnh: facebook.com/cadao

1. Trái lòn bon to hơn đầu ngón tay cái, vỏ dẻo vàng nhạt, cơm màu trắng đục hoặc trong suốt, ngọt thanh, chua nhẹ. Điều đặc biệt là dù có vị chua nhưng ăn lòn bon lúc đói vẫn không xót ruột.
Bốn cây lòn bon nhà nội có tuổi đời hơn cả tuổi má. Dẫn má về nhà, ba chiết cành trồng thêm một cây lòn bon mới, thủ thỉ: “Trái lòn bon trong tròn ngoài méo. Khéo thương nhau thì một dạ trước sau”. Cây mới bén rễ bám đất, vừa cho đợt quả đầu tiên thì một cây cũ trốc gốc sau đợt bão tạt ngang nhà. Những trái lòn bon non rụng tan tác ngơ ngác trôi theo dòng nước.

Lòn bon thường nở bung hoa trắng ngà từ đầu hè. Rồi những trái tròn dính thành từng chùm dài chi chít trĩu cành. Ngày nhỏ, tôi thường cắp rổ ra vườn phụ má hái trái lòn bon chín mang ra chợ bán. Trái càng cuối mùa càng ngọt, má để dành lại một ít, tỉ mẩn bóc hết vỏ rồi đem ngâm với đường cát. Đợi tới cuối năm thì thẩu lòn bon ngâm đường của má đã có thể uống được.

Rượu lòn bon chua chua ngọt ngọt, thơm nhẹ, không gắt, uống kèm đá lạnh khá ngon. Ngày Tết, nếu quá ngán bánh tét thịt heo muối thì chỉ cần nhấm nháp ly rượu lòn bon là kích thích vị giác thèm ăn lại liền. Vì lên men tự nhiên nên thật ra rượu lòn bon giống như thứ nước trái cây uống mãi chẳng say. Vậy mà tôi vẫn say, vì quá ghiền nên thường len lén má uống cạn mấy chén đầy.

2. Những trái lòn bon từ vườn má hái gửi xuống Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), gửi ra Đà Nẵng, gửi vào tận miền Nam. Tôi cũng theo chúng xa nhà mải miết nơi vùng đất mới. Rất nhiều lần đứng giữa Sài Gòn nhiều thức ngon trái lạ, tôi lại thèm quay quắt được dí nhau tranh với lũ kiến đen từng trái lòn bon chín. Tới khi Chạp gom gần hết cái lạnh của đất trời thổi về xứ Quảng, tôi mới theo dòng người đổ xô về quê đón Tết. Hết mùa, cây không chờ được người về, lũ kiến lặng thinh nhìn tôi xa lạ. May mà ly rượu lòn bon má vẫn còn để dành cho đứa con gái chưa quên nguồn cội.

Tôi về nhà, uống lại ly rượu xưa, vị ngon ngọt xua tan hết những đắng cay tủi hờn của một năm trời nơi gác trọ tha hương. Rốt cuộc, những khó khăn tổn thương phải gánh chịu bên ngoài cánh cửa căn nhà mình, đến cuối cùng đều cần người nhà xoa dịu. Về nhà, phải là một từ ngữ thân thương và dịu dàng nhất thế gian này. Nếu không có Tết, chúng tôi biết sẽ đi đâu về đâu vào những ngày cuối năm lạc lõng trong lòng!

3. Tết này, nội vẫn nhắc chuyện ra Giêng kiếm mối cho má. Nội biết má chẳng chịu, nhưng nội cứ nhắc hoài như để vơi bớt cảm giác xót xa khi nhìn những nếp nhăn đếm tuổi trên mặt má. Tôi thấy má cười, rót ly rượu lòn bon đặt lên bàn thờ ba, rồi chỉ tay ra vườn cây của nội.

- Má thấy 4 cây lòn bon đang nương tựa nhau mà sống không? Má con mình cũng phải trở thành chỗ dựa cho hai đứa cháu nội của má như rứa chớ.

Câu chuyện quen thuộc của nhà tôi bên cạnh ly rượu lòn bon chỉ đơn giản vậy thôi, mà ẩn chứa tình thương cả một đời nội và má. Cho tới ngày tôi lớn lên, câu hát ru mỗi chiều của nội vẫn còn day dứt: “Thương con sông Tiên bao đời chảy ngược”. Sông Tiên có hiểu tấm lòng của nội hay không, tôi chẳng rõ. Nhưng chị em tôi biết rằng, nội thương má nhiều lắm.

Chính bởi thế, dù ngoài kia có bao nhiêu cuộc vui, thì đối với tôi, cái Tết an vui nhất sẽ là về nhà, nghe nội hỏi má, bao giờ má lấy chồng.

NY AN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích