Kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2021)

"Muốn sang thì bắc cầu kiều…"

.

Dân gian đúc kết đạo thầy trò thành tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” và ca dao “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”… dễ hiểu, dễ nhớ, như trở thành một định đề bất biến trong quan hệ ứng xử ở mọi hoàn cảnh xã hội, xưa cổ cũng như tân thời. Đó chính là truyền thống tôn sư trọng đạo.

Cựu học sinh Trường THCS Trưng Vương (Đà Nẵng) khóa 1990-1994 về thăm trường và thầy, cô giáo cũ.  (Ảnh chụp trước khi xảy ra Covid-19). Ảnh: HOÀNG DƯƠNG
Cựu học sinh Trường THCS Trưng Vương (Đà Nẵng) khóa 1990-1994 về thăm trường và thầy, cô giáo cũ. (Ảnh chụp trước khi xảy ra Covid-19). Ảnh: HOÀNG DƯƠNG

Nghề dạy học bây giờ vẫn vững vàng là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với đại diện 60 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu cả nước diễn ra vào ngày 14-11 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa thành công là tương lai của dân tộc Việt Nam”.

Quan hệ thầy - trò rất khuôn phép, chuẩn mực

Dịp kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2021), Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản cuốn sách “Những người thầy trong sử Việt”. Sách kể về nhiều nhà giáo nổi tiếng tài năng và đức độ ngày trước, trở thành gương sáng cho hậu thế noi theo.

Trong số đó có “Vạn thế sư biểu” (Thầy của muôn đời) Chu Văn An - minh sư của nhiều đời vua và công hầu khanh tướng triều Trần. Tới thời Trần Dụ Tông, vì nhà vua bỏ bê triều chính, tạo lập phe cánh, ăn chơi trác táng, thầy Chu dâng “Thất trảm sớ” tấu nghị chém đầu 7 nịnh thần để giữ phép nước, song bị vua bỏ ngoài tai, nên bèn giũ áo từ quan, về Chí Linh (Hải Dương) quy ẩn.

Trong hàng ngàn học trò thành danh của Tư nghiệp Chu Văn An có Phạm Sư Mạnh, làm quan đến chức Tể tướng. Một lần, Tể tướng về thăm thầy, tiền hô hậu ủng, trống giong cờ mở gây kinh động cả vùng. Vừa bước vào nhà, Tể tướng họ Phạm lập tức bị ân sư nặng lời quở trách về cái sự phô trương, rồi bỏ vào trong, không tiếp. Trò Mạnh biết thầy giận lắm, bèn quỳ gối mãi bên ngoài, chờ đến khi thầy nguôi giận bước ra, trò xin lỗi rồi mới dám đứng dậy ra về. Từ đó, những lần sau đến thăm thầy, dường như đại quan chỉ quá bộ với trang phục giản tiện.

Chuyện kể trên đề cao tầm vóc của danh nhân Chu Văn An nói riêng và vị thế người thầy nói chung. Trong xã hội phong kiến, thầy chỉ đứng sau vua, xếp trên cha mẹ (quân, sư, phụ). Trong một xã hội trọng vọng tam cương, ngũ thường và khoa bảng; tộc họ và gia đình lấy sự đỗ đạt, thành danh của con cháu làm đà tiến thân và vinh hiển vốn thường thấy của thuở trước, thì thiên chức của người thầy được trọng thị gần như tuyệt đối là điều dễ hiểu. Thầy thay cha mẹ học trò dạy lễ nghĩa trước, truyền thụ tri thức sau (tiên học lễ, hậu học văn) nên vai trò lớn lắm.

Vì lẽ ấy mà vị thế người thầy xưa dù qua hình ảnh ông thầy đồ ở trường làng hay quan Tư nghiệp nơi cửa Khổng sân Trình cũng đều rất đáng kính. Quan hệ thầy - trò do vậy rất khuôn phép, chuẩn mực; một tiếng “thầy” nghe rất thiêng liêng. “Học trò học nghề hay học chữ, ở với người dạy cho mình đều có nghĩa là thầy trò. Học trò phải kính trọng thầy, phải quý mến thầy, mà nhất là thầy dạy học chữ phải kính trọng hơn nữa” (Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục).

Giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu

Xưa thì vậy, nay cũng vẫn thế. Dân gian đúc kết đạo thầy trò thành tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” và ca dao dễ hiểu, dễ nhớ, như trở thành một định đề bất biến trong quan hệ ứng xử ở mọi hoàn cảnh xã hội, xưa cổ cũng như tân thời. Đó chính là truyền thống tôn sư trọng đạo.

Sự biến chuyển của văn hóa - xã hội theo hướng ngày càng đa dạng, phức tạp và sự va đập giữa lối sống cũ và mới làm cho nghề giáo lẫn mối quan hệ thầy trò hiện nay có chút thay đổi so với trước. Gian lận thi cử, mua bán văn bằng, bạo lực học đường, thầy miệt thị trò, trò xúc phạm thầy, nhà giáo bị vật chất chi phối dẫn tới làm chuyện sai lạc… đã xảy ra ở nơi này, nơi kia gây bao nhức nhối với không riêng ngành giáo dục - đào tạo mà với cả xã hội. Nhưng rõ ràng đó là hiện tượng chứ không phải bản chất và mục tiêu tốt đẹp mà giáo dục - đào tạo hướng tới.

Hãy quên những điều tệ hại ấy đi và nhìn nhận công bằng, chính xác hơn rằng những giá trị nhân bản cốt lõi của giáo dục vẫn còn đó, trở thành xu hướng hành động chủ đạo của xã hội công nghiệp hiện đại: kính thầy - yêu trò, uống nước nhớ nguồn. Đạo nghĩa này trong tâm thức, hành vi của người Việt đâu dễ gì phai! Và, nghề dạy học bây giờ vẫn vững vàng là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Năm 2021, nhà giáo đón ngày truyền thống của mình (20-11) trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Do Covid-19, suốt cả nửa năm, gần 20 triệu học sinh, sinh viên và khoảng 1 triệu giáo viên, giảng viên không được đến lớp; hàng ngàn giáo viên trường tư thục mất việc, mất thu nhập. Đời sống khó khăn thì khó có thể làm tròn sứ mệnh.

Thiếu “lương sư” làm sao “hưng quốc”?! Do vậy, Nhà nước luôn xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, trong đó lấy người thầy làm động lực nâng chất lượng dạy và học, thì lúc này đây cần thể hiện sự quan tâm đặc biệt hơn nữa đối với đội ngũ quan trọng này bằng cả tuyên bố lẫn hành động. Về nhiệm vụ chăm lo này, xin dẫn lại đúc kết của Hồ Chủ tịch: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì đừng nói gì đến kinh tế, văn hóa”.

DƯƠNG QUANG

;
;
.
.
.
.
.