Miên man dã quỳ

.

“Mùa khô tới bởi sắc vàng/ Cao nguyên đẹp bởi miên man dã quỳ”. Nhớ về hoa dã quỳ, tôi lại nhớ tới những vần thơ của tác giả Hoa Nhã My.

Hoa dã quỳ nở vàng rực cả lối đi. Ảnh: NGHĨA NGUYÊN
Hoa dã quỳ nở vàng rực cả lối đi. Ảnh: NGHĨA NGUYÊN

Mùa này, trời Tây Nguyên lất phất những hạt mưa kèm theo gió se lạnh vào buổi sáng và đến trưa thì nắng hửng lên vàng rực. Tôi lại nhớ khoảng thời gian sống ở Tây Nguyên, cũng vào thời điểm này, trên những con đường về buôn làng, những rẫy cà phê chín rộ, trái đỏ mọng trĩu kịt nhìn đến là mê. Nhưng điều làm tôi chú ý hơn cả là dọc hai bên đường có một loài hoa mọc và nở vàng rực cả lối đi. Những cánh hoa màu vàng tươi tắn vươn mình về phía mặt trời, buổi sớm mai sương còn đọng trên cánh hoa, nắng xiên xéo lấp lánh rất đẹp. Tôi khá bất ngờ về loài hoa vàng ấy. Cô em gái cho hay đó là loài hoa dã quỳ, loài hoa dân dã, gắn liền với vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.

Thế là suốt mùa hoa dã quỳ, tôi và em mỗi sáng cứ đi, mải miết ngắm những bông hoa vàng xinh đẹp. Tôi nhớ những buổi sớm tinh mơ, Tây Nguyên se lạnh, hai anh em cứ đi mải miết ngắm hoa, mỏi chân lại ghé vào một quán nhỏ gọi cho mình ly cà phê để thưởng thức. Hương cà phê xứ Tây Nguyên nồng nồng, thơm ngất ngây, vị đắng cứ quyện hòa nơi đầu lưỡi. Từ quán cà phê nhỏ ấy, ở nơi ban công, khách có thể ngắm những đóa dã quỳ rung rinh trong gió. Hoa dã quỳ đẹp nhất là khi nắng lên, những tia nắng vàng đậu trên cánh hoa khiến chúng càng thêm kiêu hãnh. Rồi bất chợt một cơn gió nhẹ lướt qua, hoa rung rinh, xào xạc tạo thành một lớp sóng vàng, cuộn vào nỗi nhớ những người con Tây Nguyên và cả những du khách phương xa.

Với tôi, dã quỳ là loài hoa dân dã, bình dị nhất, không sang trọng như hoa hồng, quý phái như hoa ly hay đằm thắm như hoa huệ, dã quỳ mang một sức sống đầy hoang dại. Những cánh hoa mộc mạc, thanh khiết và rực rỡ như tâm hồn người dân phố núi, màu hoa dã quỳ như gom hết màu nắng trong năm để khoe sắc một lần. Cô em gái cười đùa nói rằng dã quỳ đại diện cho những cô gái xứ Tây Nguyên, khiến tôi phải lặng đi một vài phút suy ngẫm. Ở Tây Nguyên, lòng tôi như được rắc thêm nắng bởi màu hoa dã quỳ ấm áp. Đâu đâu cũng thấy có mặt của loài dã quỳ thân thương. Dã quỳ len lỏi trong lòng thành phố nhỏ, vây quanh những ngôi nhà sàn, phủ vàng cả triền đồi nhớ thương…

Miên man với dã quỳ, tôi càng thương hơn truyền thuyết về loài hoa mang tên cho đôi tình nhân bất hạnh. Truyền thuyết kể lại rằng, K’Lang và H’Limh là hai người con của cộng đồng dân tộc Lạch, họ yêu nhau thắm thiết. Vào một ngày nọ, con trai của tù trưởng bộ tộc Stiêng, vì tình riêng nên gây cảnh binh đao muốn cướp H’Limh về làm vợ. Trong loạn lạc, nàng đi tìm chàng và họ đã chết cùng nhau dưới mũi tên tẩm độc. Nơi K’Lang và H’Linh gục xuống có một loài hoa mọc lên…, nhân gian gọi đó là hoa dã quỳ. Loài hoa mọc rất nhanh, vàng rực tượng trưng cho lòng thủy chung son sắt của đôi trai gái. Nhiều đôi trai gái đã chọn lưu giữ kỷ niệm của mình bằng những bức hình bên loài hoa dã quỳ xinh đẹp. Thậm chí, có người còn chọn hoa cưới là hoa dã quỳ thay cho hoa hồng như thường lệ. Hoa dã quỳ là cuộc sống, là tâm hồn của con người Tây Nguyên!

Mùa hoa dã quỳ khiến tim tôi lại rạo rực. Tôi nhớ những sớm mai đi bên triền dã quỳ vàng rực, được chạm, được hít hà mùi hương ngai ngái, hăng hắc của loài hoa hoang dã Tây Nguyên. Tôi hứa với lòng mình, như ước nguyện thuở khi tôi vừa chạm đất miền đất đỏ bazan rằng có một ngày tôi sẽ trở lại. Dã quỳ ơi, chờ tôi nhé!

ĐÀO THANH TÙNG

;
;
.
.
.
.
.