Niềm vui ngày hạnh ngộ

.

Trở lại nhịp sống bình thường sau khi hết giãn cách xã hội là niềm mong mỏi của nhiều người. Với những người có hoàn cảnh khá đặc biệt, họ càng cảm thấy vui sướng và hạnh phúc khi được gặp lại người thân sau bao ngày xa cách, trông ngóng.

Khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, các bạn trẻ có điều kiện tính chuyện trăm năm về chung một nhà. Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU
Khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, các bạn trẻ có điều kiện tính chuyện trăm năm về chung một nhà. Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU

1. Dù quê nhà chỉ cách nơi ở hơn 30km, nhưng kể từ khi Covid-19 xảy ra và diễn biến phức tạp, ông Trương Công Tín (phường Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu) luôn sống trong lo âu vì có mẹ già ở quê đang ốm nặng. “Sau gần 5 tháng, từ đợt giãn cách xã hội đầu tiên ở thành phố là ngày 7-5 và ngày 17-5 gần chỗ tôi là khu vực cách ly y tế, đến nay, tôi mới được về quê. Mẹ tôi năm nay 92 tuổi, phải trông cậy vào em ruột chăm nom. Bà hiện mất trí nhớ, từng bị ngã 2 lần gãy 2 xương chậu, do già yếu không thể mổ được nên chỉ nằm một chỗ. Những ngày phong tỏa, sợ bà có mệnh hệ nào thì không biết phải xoay xở như thế nào”, ông Tín chia sẻ.

Mấy anh em của ông Tín sống xa quê nên mọi việc ở nhà đều trông cậy vào cô em gái. Mỗi tháng, mỗi người góp 1 triệu đồng để chăm mẹ ốm đau. Khi chưa xảy ra dịch bệnh, thỉnh thoảng dăm bữa nửa tháng ông Tín thường về thăm mẹ. Đến khi thành phố áp dụng “ai ở đâu thì ở đó”, ngày nào ông cũng lo lắng.

Vì vậy, khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, ông Tín cấp tốc về quê. “Với trạng thái bình thường mới, mọi người chỉ khai báo y tế điện tử, ai không thao tác rành trên điện thoại thì khai báo bằng giấy. Chỉ có khó khăn một chút, khi khai báo y tế theo quy định của Đà Nẵng thì dữ liệu có sẵn là đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19, còn quê ông Quảng Nam khai báo y tế theo mẫu khác. Dù sao được về thăm mẹ là mừng lắm rồi. Tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở bà con hạn chế đi xa nếu thấy không cần thiết”, ông Tín giải thích thêm.

2. Câu chuyện của bà Lê Thị Dung (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) là một trường hợp khác. Bà Dung quê ở tỉnh Quảng Trị, vào thành phố Đà Nẵng chăm cháu khi con dâu vừa sinh hồi đầu tháng 2. Những tưởng mỗi cuối tuần sẽ được về quê thăm chồng và lo công việc hương khói cho ông bà thì Covid-19 bất ngờ bùng phát một lần nữa khiến bà bị kẹt lại. “Tôi không quen sống ở phố, suốt ngày ở trong phòng trọ chật chội, không đi đâu được. Trong khi đó, chồng một mình ở quê đau ốm phải tự lo liệu cơm nước hằng ngày. Nhà ở quê là nơi thờ tự ông bà tổ tiên nên tôi phải lo việc cúng quảy mỗi khi có giỗ”, bà Dung kể.

Mặc dù đã được tiêm một mũi vắc-xin ở Đà Nẵng, nhưng phải đến khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, bà Dung mới được về quê. Về đến nhà, bà thực hiện cách ly tại nhà theo quy định của chính quyền địa phương. Ngày giỗ bố, bà Dung chỉ làm mâm cơm nho nhỏ, không thể mời bà con đến dự. Để an toàn phòng dịch, mỗi anh em trong gia đình tự tổ chức cúng giỗ bố ở nhà riêng. Dù vậy, bà Dung an tâm phần nào khi được ở cạnh chồng trong những ngày chồng đau ốm. Các con bà ở xa cũng đỡ lo lắng hơn.

3. Cũng như bao sinh viên khác, chị Lê Tuyền (sinh viên năm 4, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) bị mắc kẹt ở quê khi dịch bệnh xảy ra. Những ngày thành phố chưa thực hiện phong tỏa, Tuyền vẫn tranh thủ chạy xe máy từ huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) ra quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) để tham gia các khóa học ban đêm như Tin học, Tiếng Anh, Tiếng Trung. “Lúc thành phố thực hiện giãn cách xã hội, nhà trường chuyển qua dạy trực tuyến. Nhưng em vẫn chưa thể trả phòng thuê trọ được vì mắc kẹt ở quê nên rất lo lắng. Khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, em vội chạy ra Đà Nẵng trả phòng ngay để tiết kiệm tiền, rồi quay về quê”, Tuyền bộc bạch.

Tuyền cho biết, ngay khi Đà Nẵng đã kiểm soát được dịch bệnh, nhưng với tình trạng dịch ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hiện nay, nhà trường cũng chưa thể tổ chức dạy trực tiếp được vì nhiều sinh viên còn ở trong vùng dịch. “Việc dạy học trực tuyến có thể kéo dài nên em quyết định về quê. Hơn nữa, em là sinh viên năm cuối nên chương trình học không nhiều, chỉ lo dịch bệnh ảnh hưởng đến việc thực tập. Do đó, thành phố bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới, em cũng yên tâm hơn”, Tuyền cho biết.

Liên quan đến việc học, trong thời gian qua, hàng ngàn cha mẹ có con phải ở quê đã rất lo lắng, nhất là khi bước vào năm học mới. Trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ cho phép nhiều gia đình có điều kiện thuận lợi hơn trong việc đưa con trở lại thành phố. Chị Nguyễn Đan Tâm (phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà) có con mắc kẹt tại tỉnh Quảng Bình cho biết, con của chị ở quê với ông bà, máy tính không có, mạng wifi lại chập chờn. Chương trình dạy học có nhiều kiến thức mới, ông bà không thể hướng dẫn cháu làm bài tập được. Đặc biệt, bé học chương trình cải cách nên còn bỡ ngỡ với nhiều kiến thức và phương pháp mới. Việc học trực tuyến cũng không thuận tiện đối với trẻ nhỏ như học trực tiếp. “Bé rất nhớ mẹ và tôi cũng vậy nên khi đón bé vào, hai mẹ con vui mừng lắm. Cả ngày hôm đó, bé cứ quấn quýt lấy mẹ và kể về nhiều việc bé đã làm trong thời gian ở với ông bà. Tôi cảm nhận tình yêu thương mà bé dành cho tôi. Cũng nhờ thời gian sống xa mẹ, bé trưởng thành hơn, biết tự lập và quan tâm đến người khác”, chị Tâm vui mừng chia sẻ.

HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.