Nông dân nổi danh chiến tướng

.

Huyện Hà Đông xưa, nay là thành phố Tam Kỳ, là một trong những cái nôi của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam. Hồ Đức Học là một trong những chiến tướng góp phần tô điểm thêm truyền thống yêu nước của vùng đất này.

Nơi từng là căn cứ Suối Đá của Nghĩa hội Quảng Nam năm xưa (ảnh trái) và khẩu súng thần công của nghĩa binh Hồ Đức Học, được tìm thấy tại đây năm 1985. Ảnh: A.T
Nơi từng là căn cứ Suối Đá của Nghĩa hội Quảng Nam năm xưa (ảnh trái) và khẩu súng thần công của nghĩa binh Hồ Đức Học, được tìm thấy tại đây năm 1985. Ảnh: A.T

Theo gia phả tộc Hồ ở Tú Hòa (xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) và theo Tập san Phú Ninh - Đất và Người phần IV (UBND huyện Phú Ninh, 2015, lưu hành nội bộ), Hồ Đức Học hay còn gọi là Hồ Đức Phước sinh năm Đinh Dậu (1837) tại làng Dương Lâm (nay thuộc xã Tam Dân).

Gia đình Hồ Đức Học nhiều đời giữ các chức sắc hương lý trong làng. Là con trai cả, ông cùng với các em trai phụ giúp cha mình là Hồ Đức Hổ chăm lo việc nước, việc làng, giúp nhân dân an cư, lạc nghiệp và phát triển kinh tế. Cha con ông liên kết với tộc Nguyễn khai tạo mương dẫn nước từ Núi Chúa về tưới tiêu cho các cánh đồng quanh vùng, mở đường từ xã Tam Lộc về làng mình để tiện cho nhân dân trong vùng giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa... Những việc làm, uy tín, đức độ của gia đình ông nhanh chóng lan rộng và được nhân dân trong vùng mến mộ.

Năm 1884, khi Tiến sĩ Trần Văn Dư về nhậm chức Chánh Sơn phòng Dương Yên, Hồ Đức Học được trọng dụng và được phong Chánh Thất phẩm nhận nhiệm vụ cùng với các văn thân, sĩ phu yêu nước trong huyện Hà Đông tích cực tuyển dân binh, tích trữ lương thực và xây dựng các căn cứ án ngữ trên trục đường đi đến Sơn phòng. Năm sau, hưởng ứng Chiếu Cần Vương, ông tham gia Nghĩa hội Quảng Nam và trở thành một trong những chiến tướng có nhiều đóng góp quan trọng cho Nghĩa hội với những trận đánh mưu trí, dũng cảm làm cho quân địch khiếp sợ...

Ngày 4-9-1885, Hồ Đức Học cùng Nguyễn Hàm (tức Tiểu La Nguyễn Thành) chỉ huy một bộ phận nghĩa quân ra án ngữ ở mặt triền phía bắc thành tỉnh La Qua đánh nghi binh để thu hút và phân tán lực lượng địch tạo điều kiện cho quân ta nhanh chóng tiếp cận và chiếm thành. 21 ngày sau, quân Pháp mở cuộc tấn công chiếm lại thành tỉnh La Qua, tiến quân ồ ạt theo hai hướng chính: đường thủy từ Huế, Đà Nẵng vào cửa biển Hội An và đường bộ theo hướng quốc lộ vào Bắc Vĩnh Điện. Trước tình hình ấy, Tiến sĩ Trần Văn Dư cùng Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu và các chiến tướng quyết định rút đại bộ phận về căn cứ Sơn phòng Dương Yên để bảo toàn lực lượng, phục vụ cho một cuộc chiến đấu lâu dài.

Tháng 11 năm đó, quân Pháp huy động lực lượng hùng hậu cả về quân số, vũ khí và phương tiện chiến tranh cùng với quân Nam triều tiến đánh Sơn phòng Dương Yên. Nghĩa quân Nghĩa hội lập nhiều phòng tuyến chống trả, chặn đường tiến quân của quân Pháp. Thế nhưng, do phải chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn lực lượng, vũ khí, lương thực... nên sau một thời gian chống trả, cầm cự anh dũng, kiên cường, nghĩa quân của Nghĩa hội đã bị thất thủ.

Tiến sĩ Trần Văn Dư không may bị giặc Pháp bắt và bị xử chém vào ngày 13-12-1885. Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu tiếp tục lãnh đạo Nghĩa hội, cùng với các chiến tướng dốc hết tâm huyết xây dựng nhiều căn cứ trọng yếu, chiêu mộ nghĩa binh, củng cố và bố trí lực lượng nghĩa quân để chặn đánh, cản bước tiến của quân Pháp và quân Nam triều.

Tại vùng đất Tú Hòa - Tam Dân - Phú Ninh, dựa vào địa thế hiểm trở, Nguyễn Duy Hiệu giao cho Hồ Đức Học (lúc đó đang giữ chức “Tán lý quân lương” của Nghĩa hội) khẩn trương xây dựng căn cứ Suối Đá tại khu vực giáp ranh 3 xã Tam Dân (huyện Phú Ninh), Tiên Lộc, Tiên Thọ (huyện Tiên Phước).

Đầu năm 1886, Hồ Đức Học cùng một chiến tướng tổ chức trận tập kích tại Suối Đá đánh trả 500 lính Pháp và Nam triều tấn công vào căn cứ Nà Lầu (Tiên Thọ) và Dương Yên (Bắc Trà My) của Nghĩa hội. Ông dựa vào địa hình địa thế, sử dụng cách đánh mưu trí, linh hoạt, đợi địch lọt vào trận địa mai phục của nghĩa quân là ra lệnh cho bẫy đá từ trên cao lăn xuống, đồng thời khai hỏa súng thần công làm đội hình quân địch rối loạn, hoảng sợ. Sau đó, nghĩa binh từ bốn phía đồng loạt dùng giáo, mác đánh giáp lá cà gây thương vong cho hàng trăm quân địch. Bị tập kích bất ngờ và tổn thất khá lớn, địch hoảng loạn tháo chạy về Khánh Thọ Đông (Tam Thái). Không để cho địch chấn chỉnh đội hình và chờ viện binh, ngay trong đêm đó, Hồ Đức Học chỉ huy nghĩa quân tiếp tục tấn công truy kích, tiêu diệt thêm một số quân địch, làm cho chúng rút chạy toán loạn.

Không chỉ tham gia chỉ huy đánh bại các cuộc tấn công của địch lên các căn cứ của Nghĩa hội, Hồ Đức Học cùng với các chiến tướng còn nhiều lần tổ chức các trận đánh vào hang ổ của địch và liên kết với phong trào chống Pháp ở các tỉnh lân cận, xây dựng căn cứ liên hoàn vững mạnh. Ông từng chỉ huy đưa quân vào Quảng Ngãi hỗ trợ cánh quân của Cử nhân Lê Trung Đình đánh chiếm tỉnh thành Quảng Ngãi, bắt giữ các quan lại, thả tù phạm, thu ấn tín, binh khí và tiền lương...

Xong nhiệm vụ, trên đường về Sơn phòng Dương Yên, đoàn quân của ông bị quan quân của Nguyễn Thân chặn đánh nhiều nơi, nghĩa quân bị hy sinh khá nhiều nhưng may mắn Hồ Đức Học thoát được vòng vây. Trở về Sơn phòng Dương Yên, ông tiếp tục phò tá Nguyễn Duy Hiệu củng cố lực lượng, xây dựng đồn lũy, huy động lương thực của nhân dân quanh vùng và ở quê nhà... để tính kế lâu dài chống lại quân Pháp và lính Nam triều.

Năm 1887, Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu bị bắt, những người tham gia Nghĩa hội bị truy lùng ráo riết. Trước tình cảnh đó, Hồ Đức Học cùng với tướng lĩnh và những nghĩa binh còn lại băng rừng, vượt núi tìm đường về quê nhà chờ thời cơ. Tuy nhiên, trên đường về đến Dương Miếu thì bị quân của Nguyễn Thân phục kích tại Đèo Ươi  - Dốc Miếu (xã Tiên Thọ), ông cùng với nghĩa binh dũng cảm ra sức chống cự nhưng thế giặc quá mạnh nên ông đã tử trận tại đây vào ngày 21-4-1887. Thi thể ông được nghĩa binh đưa về an táng ở vườn Thầy Cung - Ngọc Tú (xã Tam Dân ngày nay)...

Cách dùng người tường tận, tin tưởng của Nguyễn Duy Hiệu đã đem lại những kết quả có lợi cho Nghĩa hội lúc bấy giờ, như ghi nhận trong sách Đại Nam thực lục: “Ông Nguyễn Duy Hiệu biết cách dùng người, không câu nệ tầng lớp xuất thân, Hồ Học chỉ là một nông dân cũng nổi danh là chiến tướng...”. 

AN TRƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.