Thích ứng an toàn với Covid để phục hồi du lịch

.

Sau khi ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19, Chính phủ đồng ý 5 địa phương gồm Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh được thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11-2021. Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đã tổ chức “Chương trình triển khai kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch Đà Nẵng trong giai đoạn bình thường mới” nhằm từng bước phục hồi hoạt động du lịch, thúc đẩy sự liên kết, hợp tác và cam kết của các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng trong việc sẵn sàng đón du khách trở lại trong điều kiện an toàn mới.

Du lịch Phú Quốc. Ảnh: S.T
Du lịch Phú Quốc. Ảnh: S.T

Sau gần hai năm đại dịch hoành hành, nhằm thích ứng tốt hơn với tình hình dịch bệnh, Chính phủ các nước đang khuyến khích người dân chuyển dần sang trạng thái "sống chung" thay vì đạt mục tiêu "zero Covid-19" (không còn Covid-19) như trước đây. Trong xu thế các nước thích ứng sống chung với dịch, sau một thời gian phải hạn chế đi lại, nhiều người Việt sống tại các nước bắt đầu những chuyến du lịch khi chính phủ các nước này nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách để kích cầu phát triển kinh tế.

Chung sống an toàn với Covid-19

Tất bật với chuyến đi vội vã cuối mùa thu, ông L.P.C (bang Florida, Mỹ) cho biết, lá đỏ và lá vàng chỉ có vỏn vẹn trong một tháng từ cuối tháng 10 và đầu tháng 11, do vậy phải tranh thủ đi mới kịp xem, nếu trễ thì phải chờ sang năm sau. “Các bang tôi đi có vẻ giống như hồi chưa có dịch, mọi hoạt động đã trở lại bình thường. Chỉ riêng khi đi máy bay thì người dân phải mang khẩu trang. Florida từng là bang bị ảnh hưởng dịch nặng nhất vào năm 2020, mỗi ngày có khoảng vài chục ngàn ca nhiễm, buộc phải thực hiện giãn cách 30 ngày. Nhưng sang năm 2021, họ đã thay đổi phương án chống dịch, họ xem như sống chung với dịch và mở cửa hoạt động lại bình thường”, ông C. chia sẻ.

Hiện mỗi ngày Mỹ có khoảng 5.000 - 7.000 ca nhiễm Covid-19. Người dân khuyến cáo nên mang khẩu trang khi đến những chỗ đông người như chợ, siêu thị, khuyến khích người dân đi tiêm vắc-xin. Ông L.P.C cũng cho biết, để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, Mỹ đã lập nhiều trạm xét nghiệm miễn phí tại các nơi công cộng, người dân nào cảm thấy mình không ổn hoặc có biểu hiện bị nhiễm bệnh thì tự đến các trạm này để kiểm tra. Kết quả sẽ được gửi qua email. “Ai dương tính với SARS-CoV-2 thì tự cách ly tại nhà hoặc tự điều trị. Cơ quan chức năng chỉ thông báo cho người dân biết, còn cá nhân tự xử lý. Những trường hợp bị bệnh nặng thì gọi 911 để được đưa đi bệnh viện”, ông C. giải thích thêm.

Đối với ngành du lịch của Mỹ, chỉ cách một năm đã tạo ra sự khác biệt rất lớn. Tháng 9 năm ngoái, du lịch nước này phải đối mặt vô vàn khó khăn vì lượng đặt phòng giảm rất sâu vào dịp nghỉ lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, đến tháng 9 năm nay, tình hình đã đảo chiều khi có nhiều khách sạn thông báo kín chỗ đặt trước cho kỳ nghỉ lễ, bất chấp sự gia tăng đáng lo ngại về số ca nhiễm mới do biến thể Delta rất dễ lây lan.

Chị Triêu Nhan (thành phố Tulsa, tiểu bang Oklahoma, Mỹ) cũng cho biết, mỗi bang có một quy định riêng tùy theo số lượng người nhiễm nhiều hay ít. Nhưng khi đi máy bay thì bắt buộc phải đeo khẩu trang. “Ở thành phố tôi ở, người dân đã đi lại bình thường. Tuy nhiên, ở các công sở vẫn có biển thông báo quy định giữ khoảng cách gần 2m. Đa số người dân Mỹ đi du lịch bằng ô-tô vì việc đi lại giữa các bang bằng đường cao tốc rất thuận tiện. Khi đi du lịch bằng ô-tô thì không có quy định gì cả, du khách có thể mang khẩu trang hay không thì tùy. Còn ở chỗ công cộng như khách sạn, nhà hàng, siêu thị, khu mua sắm... thì phải tuân theo quy định ở đơn vị đó”, chị Triêu Nhan cho biết thêm.

Nới lỏng để khôi phục kinh tế

Trong thời gian qua, nhiều nước châu Âu cũng đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa và nới lỏng các yêu cầu về đi lại cũng như nhập cảnh. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành du lịch, Liên minh châu Âu (EU) đã giới thiệu hệ thống đèn giao thông Covid-19 để người dân có cái nhìn tổng quan hơn về tình hình dịch bệnh ở từng quốc gia thành viên. Bên cạnh đó, EU cũng áp dụng Chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19 với hy vọng sẽ là “bàn đạp” để khôi phục ngành du lịch khu vực sau một năm đìu hiu.

Chị Ngọc Lan (Paris, Pháp) cho biết, bên này người dân giờ chẳng còn để ý gì đến dịch bệnh nữa nhưng họ vẫn đeo khẩu trang ở mọi nơi. Các hoạt động du lịch, dịch vụ đã mở cửa. Mọi người đã đi du lịch bình thường nhưng phải tiêm 2 mũi vắc-xin. Đặc biệt, muốn đi xem phim, vũ trường, nhà hàng thì bắt buộc phải có chứng nhận tiêm vắc-xin. “Người dân giữa các nước châu Âu cũng đi du lịch qua lại với nhau bình thường. Hồi tháng 7, cả nhà tôi đã đi Tây Ban Nha chơi 3 tuần mà không phải thực hiện cách ly. Nếu bạn bị nhiễm thì mới cách ly, còn âm tính thì không. Mình cũng không cảm thấy lo sợ gì. Có lẽ người dân họ muốn quên đi Covid”, chị Lan chia sẻ.

So với các nước phương Tây, các nước ở châu Á hứng chịu hậu quả Covid-19 muộn hơn nên người dân vẫn còn tâm lý lo sợ và thận trọng. Tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh và các điều kiện kinh tế - xã hội, mỗi nước đều có cách ứng phó khác nhau để thích ứng phù hợp, từng bước khống chế dịch bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế. Chị Vy Oanh (Tokyo, Nhật Bản) cho biết, ở Nhật, hầu hết người dân đã được tiêm phòng nhưng họ vẫn phải đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người và thường xuyên xịt cồn sát khuẩn.... “Người dân cũng đã được đi du lịch trở lại nhưng tôi vẫn hạn chế đi, một phần vì không có thời gian, một phần lo sợ dịch bệnh”, chị Oanh bộc bạch.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.