Thơ Ông Văn Khôi: Giá trị của lòng yêu thương

.

Ông Văn Khôi không chú tâm luận giải về giá trị cuộc sống trong thơ của mình. Ông sống với cảm xúc, trải nghiệm và tích lũy từng chi tiết đời thường để rồi sẻ chia, giãi bày chân thành đến khắc khoải. Tình yêu thương, lòng biết ơn, sự trân trọng từng giây phút sống, niềm tin cùng tinh thần lạc quan… là những giá trị cuộc sống dung dị mà người đọc cảm nhận khi tiếp xúc với thơ và con người của Ông Văn Khôi.

Ông Văn Khôi không phải là người viết chuyên nghiệp, nghề chính của ông là dạy học. Tốt nghiệp khoa Ngữ Văn Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1967, ông trở thành thầy giáo dạy Văn cho đến khi rời bục giảng, nghỉ hưu năm 2003 tại Đà Nẵng. Gắn bó với văn chương nên ngoài công việc chính, ông còn viết nhiều, chủ yếu là thơ ca và một số tiểu luận về nghề. Ông Văn Khôi đã ra mắt nhiều tập thơ như Gửi nhớ theo sông (NXB Hội Nhà văn, 1915), Sân trường dấu yêu (NXB Đà Nẵng, 2016), Năm tháng vơi đầy (NXB Đà Nẵng, 2017), Danh nhân đất Việt (NXB Đà Nẵng, 2018), Nơi trở về (NXB Đà Nẵng, 2019).

Thơ là tiếng lòng và cuộc đời

Nhà giáo Ông Văn Khôi từng trải lòng:“75 năm cuộc đời cũng là 75 năm đất nước trải qua bao biến động… Cuộc đời và đất nước với nhiều đổi thay khiến mỗi người không thể không suy nghĩ để lòng luôn xáo động với bao nỗi vui, buồn”. Những nỗi niềm ấy được ông gửi gắm vào từng câu chữ, ý tứ. Thơ chính là tiếng lòng của ông, cuộc đời của ông, từ thuở còn là cậu bé học sinh miền Nam trên đất Bắc, một sinh viên đại học, một thầy giáo dạy Văn cho đến bây giờ. Có thể nói, đất nước và con người, nghĩ suy và trải nghiệm là những điều mà Ông Văn Khôi muốn giãi bày, chia sẻ trong thơ.

Thơ Ông Văn Khôi chân thực đến cảm động. Đó là cuộc sống cùng những biến động, đau thương, gian khó, khải hoàn. Đó là con người cùng những mất mát, hy sinh, những tâm hồn đẹp, cao thượng và bình dị. Đó là những tâm sự khắc khoải, đau đáu với đời, với nghề. Và sau tất cả, chính là những giá trị cuộc sống mà chúng ta vẫn thường trân trọng.

Trong thơ mình, Ông Văn Khôi không chú tâm luận giải về giá trị cuộc sống. Ông sống với cảm xúc, trải nghiệm và tích lũy từng chi tiết đời thường để rồi sẻ chia, giãi bày chân thành đến khắc khoải. Từ đó, như một lẽ tự nhiên, những giá trị cuộc sống trong thơ ông cứ sáng dần trong một vẻ đẹp tự nhiên, hài hòa. Tình yêu thương, lòng biết ơn, sự trân trọng từng giây phút sống, niềm tin cùng tinh thần lạc quan vượt qua cảnh ngộ… là những giá trị cuộc sống dung dị mà người đọc cảm nhận được khi tiếp xúc với thơ của ông và con người thực của ông.

Rời xa gia đình và quê hương Đà Nẵng ngay khi còn nhỏ tuổi, Ông Văn Khôi được sống trong vòng tay yêu thương đùm bọc của nhân dân miền Bắc suốt thời gian học tập và trưởng thành. Nỗi thương nhớ quê hương miền Nam còn chìm trong khói lửa luôn đau đáu trong tim ông: Một tiếng chim kêu cũng nhớ nhà/ Ơi những em thơ những mẹ già/ Giờ đây ai mất ai còn nhỉ/ Nghe tiếng chim rừng gọi xót xa (Một tiếng chim). Quê hương trong thơ Ông Văn Khôi còn là những gương mặt người thân cùng những cuộc đời bi tráng. Đó là người cha liệt sĩ đã hy sinh trong công cuộc giải phóng dân tộc. Đó là người chú ruột trong đoàn quân hào hùng ra trận và mãi mãi không trở về: Độc lập, tự do tiếng lòng reo náo nức/ làm con sóng chú đi trong thác lũ cuộc đời (Tưởng niệm).

Thơ Ông Văn Khôi còn dành những thương quý, nâng niu khi khắc họa hình ảnh người phụ nữ. Đó là người mẹ, người cô, người chị của ông, hiện thân của những người phụ nữ miền Nam mà cả cuộc đời tận tụy lo toan cho gia đình thay chồng đang chiến đấu hay thay cha mẹ nhọc nhằn nuôi em; hình ảnh người chị gái một đời nhẫn nại được ông nhớ lại bằng những chi tiết chân thật đến xót lòng.

Đặc biệt, Ông Văn Khôi dành nhiều tâm huyết, bút lực để nói về người vợ tào khang đã đồng hành với ông trong hơn nửa thế kỷ. Ông bà gặp nhau và nên duyên ở tuyến lửa Quảng Bình những năm bom rơi đạn nổ. Khi ấy, ông là giáo viên và bà là thanh niên xung phong trở về từ Trường Sơn. Một tình yêu đẹp nhưng cuộc sống hôn nhân không mấy thảnh thơi bởi khó khăn, bệnh tật dai dẳng. Ấy vậy mà những vần thơ viết tặng vợ của Ông Văn Khôi vẫn thấm đẫm yêu thương, chia sẻ: Dìu nhau qua gian nan… em chưa được ngày vui trọn vẹn/ bé nhỏ đôi vai gánh đời trĩu nặng/ Giã từ tuổi xuân cho mái ấm gia đình/ chochồng cho con chẳng có cho mình (Mừng em lên lão).

Sự trải nghiệm, vốn sống và thời gian

Trong bối cảnh xã hội hiện đại nhiều khó khăn, thách thức, đây đó phải đối diện với sự suy giảm của những giá trị đạo đức, sự lỏng lẻo của cấu trúc gia đình, những vần thơ mộc mạc thấm đẫm tình người của Ông Văn Khôi như một lời khẳng định về một giá trị trường tồn của cuộc sống, giá trị của lòng yêu thương.

Tình yêu của Ông Văn Khôi còn dành cho nghề dạy học: tôi đã đi trọn kiếp làm thầy/ biết mấy buồn vui đong lắc vơi đầy/ Con tằm nhả tơ một đời nhẫn nại (Nhìn lại). Người thầy giáo không phút nào rời xa bục giảng ấy gọi những công việc bình thường của mình là thiên chức người thầy. Ông đã sống hết mình với thiên chức đó cùng học trò, đồng nghiệp ngay cả khi phải chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh trên tuyến lửa với tay súng, tay phấn, hay khi đau đớn ôm thi thể học trò sau một trận bom dữ dội tan hoang mái trường.

Ông Văn Khôi đã đi, sống và dạy học ở nhiều vùng đất. Sự trải nghiệm, vốn sống và thời gian là tài sản vô giá của ông. Cuộc sống đầy ắp những biến cố, những sự kiện, những vui buồn đã giúp ông ý thức được giá trị thời gian của riêng mình: bè bạn, học trò, bao người ra đi không về nữa/ Quảng Bình cho con thêm một cuộc đời (Theo lời Bác). Ông mang ơn cuộc sống, con người. Ông trân trọng tất cả những gì đã làm nên ngày hôm nay của mình dù đoạn đường đi chưa phải đã hết gian nan, khó nhọc: Thiên lý vạn sầu bão giông bỏ mặc/ Giọt lệ tạ ơn năm tháng cứ vơi đầy (Giọt lệ tạ ơn).

Với Ông Văn Khôi, cuộc sống càng áp lực bao nhiêu thì lòng biết ơn giúp ông giải tỏa được bấy nhiêu. Ông nâng niu từng nụ cười, từng giọt nắng bởi chúng không chỉ làm dịu lòng những lúc nhọc nhằn mà còn cho ông thêm sức lực: Khi ta cười lên/ Đời như trẻ lại/ Để đời là mùa xuân mãi mãi/Là nỗi đau chôn chặt tự lòng sâu (Cảm ơn).

Thầy giáo Ông Văn Khôi đã gần sang tuổi tám mươi. Trái tim của ông không còn khỏe, cần có sự can thiệp của y học. Những ngày này, ông vẫn đọc và viết, thăm con cháu, gặp gỡ bạn bè. Nhưng có một công việc quan trọng mà hằng ngày ông không thể xao nhãng. Đó là vai trò của một điều dưỡng viên tận tụy, chuyên nghiệp, chăm sóc người vợ của mình từ mũi tiêm, viên thuốc đến bữa ăn, giấc ngủ một cách chu toàn, đầy yêu thương. Trong bộn bề ấy, ông vẫn mong muốn: Cho ta một phút bình yên/ Để nghe thấm đẫm niềm riêng nỗi đời (Rơi vào nửa đêm).

NGÔ LIÊN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.