Về hai điệu múa truyền thống của dân tộc Cơ tu

.

* Hai điệu múa Tung tung và Da dá của đồng bào Cơ tu có nhiều cách viết khác nhau. Xin cho biết ý nghĩa hai điệu múa này và cách viết được cho là chuẩn nhất. (Trương Văn Toàn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng)

- Hiện có nhiều sách báo, tài liệu ghi không đồng nhất về tên gọi hai điệu múa của người Cơ tu: Tung tung - da dá (Tạp chí Tia Sáng - Bộ Khoa học và Công nghệ); Tung tung za zá (Báo điện tử Dân Việt); Ting tung - Dạ dạ (Cổng thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc)...

Múa Tung tung - Yaya trong Ngày hội Di sản văn hóa tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng ngày 21-11-2020. Ảnh: V.T.L
Múa Tung tung - Yaya trong Ngày hội Di sản văn hóa tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng ngày 21-11-2020. Ảnh: V.T.L

Tác giả Nguyễn Trọng Nghĩa (Phòng Đào tạo, Trường Đại học Phú Xuân - Huế) trong bài viết “Múa Tung tung - Yaya trong lễ hội của người Cơ tu” đăng trên Tạp chí Di sản Văn hóa (Cục Di sản văn hóa) số 1 (50) - 2015, trang 85-87, có cách giải thích tên gọi hai điệu múa nổi tiếng của người Cơ tu này, theo chúng tôi, là khả tín nhất.

Theo đó, về từ nguyên, “Ya-ya” được ghép bởi hai từ “Ya”, một từ để chỉ người: người đàn bà/mẹ/bà tổ trong ngôn ngữ nhiều tộc người khu vực Đông Nam Á vốn có chung một nguồn gốc. Ngôn ngữ Cơ tu có nhiều biến thể của từ “Ya”, song đều để chỉ về giới nữ như “Aye” là bà; “Yaya”/“Jaja” là mẹ vợ hay mẹ chồng.

Cũng theo cách lập luận này, trong điêu khắc nhà cộng đồng, cổng làng, người Cơ tu gọi mô típ trang trí quen thuộc “Người đàn bà múa” là “Padil Yaya”. Rõ ràng, với việc đặt tên cho điệu múa của dân tộc mình là Yaya, hẳn người Cơ tu ngầm ám chỉ đây là điệu múa mang những đặc trưng và tính biểu tượng của người phụ nữ.

Trong tâm thức người Cơ tu, người phụ nữ đại diện cho cộng đồng múa điệu Yaya luôn được đồng nhất với mẹ Lúa, nữ thần Lúa và nữ thần Mặt trời. Khi biểu diễn, cánh tay của người múa nâng lên để ngang vai, bàn tay luôn xòe lên trời, mô phỏng hình cột lễ vốn là biểu tượng cho thần Lúa - mẹ Lúa.

Về điệu múa Tung tung, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tên gọi “Tung-tung” đơn thuần chỉ bắt nguồn từ âm thanh đặc trưng của tiếng trống, vốn là nhạc khí chủ đạo cho điệu múa. Khi tham gia múa, nam thanh niên Cơ tu đóng khố, vai đeo tấm choàng thổ cẩm, chân đi đất, tay nắm chắc vũ khí (khiên, dao, mác...). Đi theo đội múa là đội nhạc cụ, cồng chiêng... Các chàng trai vừa nhảy lên theo nhịp trống, vung tay thị uy vũ khí một cách hùng dũng, vừa hú vang, thể hiện tinh thần chiến thắng trước mọi khó khăn, khắc nghiệt của thiên nhiên và kẻ thù.

Theo quan niệm của người Cơ tu, cả hai điệu múa này được trình diễn tập thể cùng một thời điểm, trong cùng một không gian lễ hội trọng đại của cộng đồng và theo một quy tắc nhất định. Khi tiếng trống nổi lên, con gái bước ra múa trước, sau đó con trai mới bước vào tiếp theo. Đội hình múa gồm những vòng tròn trong, ngoài, nhưng nguyên tắc bất di bất dịch là vòng trong là nữ, vòng ngoài là nam.

Trong không gian lễ hội của bản làng Cơ tu, điệu múa Tung tung - Yaya là vũ điệu hòa trộn giữa sức mạnh của người đàn ông và sự mềm mại của người phụ nữ. Đó cũng là sự ngầm thể hiện một nguyên lý âm - dương hài hòa để người sinh vật thịnh, mùa màng tươi tốt.

Tác giả kết luận: “Với tất cả những giá trị ấy, điệu múa Tung tung - Yaya của người Cơ tu (Quảng Nam) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để các cấp, các ngành và toàn xã hội nói chung có điều kiện tốt hơn trong việc hỗ trợ công tác bảo tồn và phát huy cho muôn đời sau di sản văn hóa quý báu này trước nguy cơ bị mai một, thất truyền”.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.