Gọi chim về phố

.

Những ngày thành phố thưa người, tôi nhận ra có rất nhiều tiếng chim hót trên những tầng cây…

Những chú chim bồ câu trên đường phố Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH LINH
Những chú chim bồ câu trên đường phố Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH LINH

Chạy những vòng xe lang thang trên phố vắng, rẽ ngang cây cầu, tôi bất chợt bắt gặp những đàn chim từ đâu kéo về, chấp chới liệng bay, rồi nhẹ nhàng thả xuống trắng xóa trên những hàng cây ven sông. Tôi dừng lại, muốn thu vào điện thoại một vài khung hình, nhưng rồi nhận ra chẳng có nơi nào cất giữ được những cảnh sắc đẹp đẽ, đầy xúc cảm ấy trọn vẹn bằng trái tim mình. Khi ngắm nhìn cảnh vật bằng trái tim, tôi không chỉ thấy đường nét, mà còn nghe âm thanh. Tiếng chim ríu rít giữa những tầng cây quả thật là thứ âm thanh hết sức dễ chịu không trầm buồn mà cũng chẳng quá reo vang.

Một đàn chim không biến nơi mình sống thành khu rừng nhưng nó là tín hiệu cho biết màu xanh đang dần hồi sinh. Để gọi được chim bay về phố hoàn toàn không phải là câu chuyện một sớm một chiều.

Đằng sau vẻ bình yên hiện tại là nhiều ngày tháng chuẩn bị, đợi chờ.

Cách đây mấy năm, theo lời kêu gọi của chính quyền thành phố, hàng ngàn hạt giống, mầm cây đã được gieo xuống đất. Những con đường đi bộ dọc bờ sông, những khoảng đất trống ở công viên, những vách ngăn, khoảng hở chắn giữa các vỉa hè dần dần đều được thảm xanh che phủ.

Từ đó trở đi, mọi người không chỉ trồng thêm cây mà còn yêu thương, cứu chữa cây xanh. Cụ thể, ngay sau đợt bão mạnh nhất xảy ra vào năm ngoái, những công nhân môi trường dù hết sức tất bật, bận rộn vẫn cật lực vào vai “bác sĩ” cây xanh. Họ đêm ngày thực hiện các cuộc tiểu phẫu, đại phẫu chạy chữa cho từng “bệnh nhân” cây xanh. Cây đau đến đâu thì cứu đến đó, không chặt ngang, không triệt hạ. Như hiểu được tấm lòng của người, sau khi bão dứt, nắng bừng lên vài tháng, từng cành tán lại ngay ngắn vươn mình, đâm chồi nảy lộc. Từng đàn chim, cò, sẻ nâu lại ríu ran gọi nhau về.

Ở thành phố này, tôi có nhiều người bạn yêu cây, hiểu về cây. Họ có các chuỗi quán cà phê, homestay, khách sạn, nhà hàng... So với việc dựng một hòn non bộ, xây một khu tiểu cảnh nhân tạo, việc trồng một hàng cây, nhân giống một bờ giậu hoặc tha lôi một gốc cây to về đến sân vườn phải mất chi phí và tốn thời gian chờ đợi hơn rất nhiều. Thế nhưng, quan điểm của các bạn rất rõ ràng,rằng mọi dịch vụ được tạo nên đều hướng đến sự nghỉ ngơi, thư giãn cho khách hàng và mọi người sẽ khó chạm vào thư giãn khi không gian thiếu đi nguồn năng lượng yên tĩnh, thân thiện từ cây xanh.

Đến bây giờ, tôi không biết đã có đôi chim nào bay về làm tổ trên những công trình của các bạn mình hay chưa, nhưng mỗi ngày trôi qua, thấy các bạn vẫn tất bật dành nhiều thời gian và ý tưởng cho việc trồng cây. Hôm nay, các bạn gieo mầm. Những món quà xứng đáng sẽ được đền đáp vào ngày mai.
Nghĩ đến hình ảnh từng đàn chim bay đi bay về, tôi nhớ đến câu ca dao “chim bay về núi tối rồi” của ông cha xưa. Ban ngày, chim có thể bay đi kiếm ăn ở đầm lầy, biền bãi, cánh đồng, nhưng chỉ cần mặt trời sụp xuống, những cánh chim lại xao xác gọi nhau quay về núi cũ. Núi có nhiều cây, con cái, gia đình của chim đều ở đó. Và chim chỉ mất một ngày để nhận ra nơi chốn nào là bình yên, thân thuộc, nơi nào thật sự mang đến an toàn cho tổ ấm của mình. Vậy mà, đôi khi đời người lại phải đánh đổi, mất mát đi quá nhiều mới kịp nhận ra, mỗi ngôi nhà, mỗi thành phố nơi mình sống, điều cần nhiều nhất chính là sự bình an.

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.