"Làm bạn" với cảm xúc bằng trị liệu nghệ thuật

.

Chị Nguyễn Hương Linh (32 tuổi) là một trong số hiếm hoi những nhà trị liệu nghệ thuật tại Việt Nam được đào tạo chính quy quốc tế. Hoạt động chuyên nghiệp trong một nghề “mới toanh” như bước trên con đường thênh thang nhưng cũng có lúc khiến chị cảm thấy đơn độc.

Nhà trị liệu nghệ thuật Nguyễn Hương Linh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhà trị liệu nghệ thuật Nguyễn Hương Linh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Công việc của nhà trị liệu nghệ thuật hiện tại không quan trọng đang “ngồi ở đâu” mà vấn đề là “dùng công cụ” gì để chữa lành những tổn thương tâm lý. Chọn Hội An và Đà Nẵng là nơi làm việc cũng là cách chị Linh mong muốn kết nối với thiên nhiên và con người để nuôi dưỡng tâm hồn mình, đồng thời có thể mang trị liệu nghệ thuật đến gần hơn với tất cả mọi người trên cả nước.

Hướng đến hạnh phúctừ trong ra ngoài

Tốt nghiệp cử nhân Kiến trúc (BA in Architecture) tại Đại học Nghệ thuật quốc gia Hàn Quốc (Korea National University of Arts) ở Seoul năm 2014, chị Nguyễn Hương Linh trở thành kiến trúc sư, nhưng công việc vẫn khiến chị luôn cảm thấy thiếu một cái gì đó để bản thân thực sự hạnh phúc. Lựa chọn chất lượng cuộc sống theo cách riêng của mình, chị Hương Linh chuyển sang làm tự do như: dạy tiếng Anh, thiết kế đồ họa và viết sách cho trẻ em.

Hơn chục đầu sách của chị được các nhà xuất bản First News - Trí Việt, Kim Đồng, Phụ nữ đặt hàng và ra mắt trong giai đoạn này. Rồi hạnh phúc như vỡ òa khi chị được giới thiệu một ngành học mà bấy lâu bản thân mơ hồ tìm kiếm, nay đã có thể gọi tên: Trị liệu nghệ thuật (Art Therapy).

Chị Nguyễn Hương Linh là nhà sáng lập MAI:tri - Dịch vụ Trị liệu nghệ thuật và nâng cao sức khỏe tâm trí. Chị đã trải qua các khóa đào tạo: Lòng trắc ẩn chánh niệm (Mindful Compassion Training), Đại học Naropa, Colorado (Mỹ); Sự phát triển tính dục và tham vấn - trị liệu tâm lý về sự đa dạng tính dục - đợt 1, Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam và khóa Fly By Light về kỹ năng làm việc với thanh, thiếu niên và cộng đồng, bởi One Common Unity, Washington, D.C (Mỹ).

Được nhận học bổng toàn phần Fulbright chương trình thạc sĩ chuyên ngành Trị liệu nghệ thuật (MPS Art Therapy) tại Trường Nghệ thuật Thị giác (School of Visual Arts) ở New York (Mỹ) năm 2017, chị Linh có niềm tin vững chắc rằng đây chính là lối rẽ của mình. Dấu ấn “khởi nghiệp” khá dễ thương khi chị Linh từ Mỹ về Việt Nam hồi tháng 5-2020. Lúc thực hiện cách ly y tế tập trung, chị rủ những du học sinh trở về cùng chuyến trải nghiệm trị liệu nghệ thuật và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Mọi người cảm thấy vô cùng thú vị khi những nét vẽ vụng về có thể nói lên lo âu trong tâm hồn họ. Kể cả những người tưởng rất gần gũi như cha mẹ, anh em cũng chợt nhận ra họ chưa hề biết những góc khuất nội tâm của nhau.

Sáng lập không gian Trị liệu nghệ thuật với tên gọi MAI:tri Việt Nam, chị Nguyễn Hương Linh muốn mượn ý nghĩa của chữ “Maitri” trong tiếng Phạn là lòng trắc ẩn và tình yêu thương vô điều kiện để nhắc nhở bản thân trên con đường này. Ngoài trị liệu cá nhân và nhóm, chị Linh rất tâm đắc với các dự án cộng đồng khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, chủ yếu tập trung vào bệnh nhân ung thư, người đa dạng tính dục (LGBT) và trẻ em dễ bị tổn thương.

Tại Đà Nẵng, tháng 4 năm nay, chị Linh cùng SCI (dự án phi lợi nhuận Sáng kiến Ung thư Muối - Salt Cancer Initiative) tổ chức trị liệu tâm lý cho bệnh nhân ung thư. Ngoài ra, chị còn tổ chức những buổi hội thảo cho cộng đồng LGBT tại đây. Tiếc là tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chương trình dài hơi phải tạm hoãn. Dù hành trình chỉ mới bắt đầu, nhưng theo chị Linh, sự lắng nghe và thấu hiểu đã mang đến thật nhiều cảm xúc vi diệu. Hy vọng qua Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các dự án cộng đồng tại Đà Nẵng sẽ tiếp tục trở lại.

Chị Nguyễn Hương Linh  (bìa trái, hàng trước) trong một hội thảo về trị liệu nghệ thuật tại Đà Nẵng.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chị Nguyễn Hương Linh (bìa trái, hàng trước) trong một hội thảo về trị liệu nghệ thuật tại Đà Nẵng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

“Làm bạn” với lo âu

Tạm dừng sự kiện trực tiếp đông người do ảnh hưởng của Covid-19, bù lại chị Nguyễn Hương Linh lại càng bận rộn với nhiều buổi trực tuyến giảng dạy về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho những người hoạt động công tác xã hội; tham gia dự án hướng dẫn cân bằng cảm xúc cho các nữ doanh nhân trên cả nước; tổ chức chương trình trị liệu tâm lý cho doanh nghiệp về vấn đề nhân viên kiệt sức do làm việc trực tuyến kéo dài…

Chị Hương Linh chia sẻ: “Theo tôi biết, cả nước hiện chỉ có vài nhà trị liệu nghệ thuật có bằng cấp chính quy. Vì quá ít nên có rất nhiều việc phải làm; tuy vậy, bận rộn không có nghĩa là không đơn độc. Thứ nhất, trị liệu nghệ thuật chưa có mã ngành tại Việt Nam nên chưa có tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp chính thức. Thứ hai, chúng ta còn lẫn lộn giữa người tham vấn tâm lý với trị liệu tâm lý, bác sĩ tâm thần, vốn được gọi chung là “bác sĩ tâm lý”… Thứ ba, chúng ta cũng chưa có lực lượng giám sát chuyên nghiệp. Ở Mỹ, nhà trị liệu nghệ thuật sẽ được chuyên viên giám sát theo dõi, định hướng, cố vấn trong hàng ngàn giờ làm việc, sau đó mới được cấp chứng chỉ hành nghề độc lập. Để tuân thủ các nguyên tắc hoạt động chặt chẽ của quốc tế, tôi tự mời chuyên viên giám sát là người nước ngoài. Thứ tư, vì đây là lĩnh vực quá mới với nhiều người, dù ở nước ngoài đã có hàng chục năm rồi, nên nhận thức về nghề này còn nhiều khiêm tốn. Chẳng hạn có người đến các buổi trị liệu nghệ thuật rồi “vỡ mộng” vì cứ nghĩ sẽ được… học vẽ; ngược lại nhiều người bất ngờ vì họ được chia sẻ và lắng nghe…”.

Được đào tạo chuyên sâu về sang chấn (trauma) và hoàn thành 960 giờ thực tập trị liệu nghệ thuật trong hai năm, sau tốt nghiệp, chị Linh còn theo học các khóa về điều trị rối loạn căng thẳng do sang chấn (PTSD), ứng dụng chánh niệm (mindfulness) và thân nghiệm (embodiment) trong phục hồi sau sang chấn. Đây cũng là những lĩnh vực chị quan tâm về sau này.

Trong quá trình thực hành lâm sàng, chị nhận thấy sự sang chấn xảy ra ở nhiều lứa tuổi từ người già đến trẻ em và trong nhiều hoàn cảnh. Đặc biệt, hậu Covid-19, sang chấn do đau buồn, mất mát là điều hiển hiện. Dư chấn ở đây không chỉ rơi vào những trường hợp mất người thân mà có thể xảy đến với mọi người, dễ thấy nhất là sự “mất bình thường cũ”, xáo trộn, kiệt sức, cô lập… Điều này tạo ra nhiều lo âu bởi con người luôn muốn tìm kiếm sự an toàn và lo sợ trước thay đổi.

Để vượt qua giai đoạn này, theo chị Nguyễn Hương Linh, giải pháp tốt nhất là nhận diện và chấp nhận nỗi lo, nói cách khác là “làm bạn” thay vì đối đầu. Việc chống lại hay cố phớt lờ những khúc mắc tâm lý không giúp mang lại hiệu quả. Có thể thấy, sức khỏe tâm thần dù đã được quan tâm nhiều hơn nhưng thực tế vẫn chưa được đối xử công bằng như sức khỏe “cơ bắp”. Con người có xu hướng nhanh chóng ra hiệu thuốc hoặc tìm bác sĩ khi cảm thấy nhức đầu, đau bụng, trong khi những dằn vặt nội tâm thường bị trì hoãn chờ tự nguôi ngoai.

Tùy nhu cầu và bối cảnh phát sinh vấn đề tâm lý sẽ có giải pháp tương ứng, nhưng cơ bản theo chị Linh, nếu vấn đề ở mức nhẹ có thể tìm đến yoga, thiền định, khí công, các phương pháp kết nối thân-tâm hoặc các hoạt động thể chất khác để giúp giải phóng năng lượng tiêu cực. Nếu sức khỏe tâm thần trầm trọng hơn có thể nhờ đến các hoạt động tham vấn tâm lý. Thay vì phán xét, trách cứ, việc tìm “công cụ” để “đối thoại” với năng lượng lo âu và mất phương hướng cần được quan tâm nhiều hơn. Là nhà trị liệu, bản thân chị Linh cũng không tránh khỏi có lúc “căng như dây đàn”. Những lúc ấy, chị cũng dừng lại để “hỏi thăm” chính mình như chăm sóc một thân chủ.

Trị liệu nghệ thuật là gì?

Trị liệu nghệ thuật được hiểu là trị liệu (qua) nghệ thuật thị giác, một cách trị liệu bằng nói chuyện kết hợp với thực hành nghệ thuật. Đôi khi ngôn ngữ nói không thể diễn đạt hết điều muốn nói, hoặc điều chúng ta không ý thức được, đó là lúc tác phẩm nghệ thuật có thể nói hộ.

“Nghệ thuật” trong trị liệu nghệ thuật được hiểu là nghệ thuật thị giác. Người nhận trị liệu chủ yếu làm việc với các chất liệu nghệ thuật có thể nhìn thấy, chạm hoặc cầm nắm được. Chất liệu không giới hạn trong vẽ, mà rất đa dạng, bao gồm nặn đất, cắt dán (collage), điêu khắc, cắt khâu vải, thêu, dệt, trang trí hộp/mặt nạ, tranh tường, mosaic khảm, nhuộm...

Nhiều người lầm tưởng thân chủ trong phiên trị liệu nghệ thuật cần có năng khiếu nghệ thuật. Tuy nhiên thực tế, người nhận trị liệu không cần bất cứ kinh nghiệm hay “hoa tay” nghệ thuật. Điều duy nhất họ cần là sự cởi mở và sẵn lòng cho bản thân được thử. Trị liệu nghệ thuật dành cho tất cả những ai đang cần hỗ trợ về tâm lý.

THU HOA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích