Người Thầy

.

“Em hãy viết về thầy Hữu, giáo viên Văn, Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh, xã Hòa Châu. Thầy có nhiều điều để mình trân quý lắm…”. Tôi nhận được ít nhất 3 lời giới thiệu như thế này cùng với cảm xúc rưng rưng từ những đồng nghiệp của thầy Đặng Hữu tại huyện Hòa Vang.

Thầy Đặng Hữu bên các em đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 của Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh, năm học 2020-2021.  (Ảnh do nhân vật cung cấp, chụp trước thời điểm giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19)
Thầy Đặng Hữu bên các em đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 của Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh, năm học 2020-2021. (Ảnh do nhân vật cung cấp, chụp trước thời điểm giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19)

Và chúng tôi đã có được cuộc hẹn sau nhiều sự gián đoạn.

“Văn mới đúng nhất với con người mình”

Qua cổng thôn Phong Nam một đoạn ngắn là đến Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh, nơi thầy Đặng Hữu (SN 1972) đã gắn bó 20 năm. Thoáng thấy bóng dáng cao gầy trên chiếc xe máy cũ ghé vào cổng trường, tôi đoán là thầy dù chưa từng gặp nhau trước đó. Đúng như vậy, thầy đến sớm và bắt đầu cuộc nói chuyện với rất nhiều sự e ngại. Cảm thấy “bị” lên báo nhưng cũng không muốn phụ lòng ai, thầy Hữu phân vân: “Mấy hôm nay tôi băn khoăn dữ lắm, nghĩ răng mình được ưu ái, mình có xứng đáng không. Hơn nữa, tôi chỉ muốn làm việc trong thầm lặng…”.

Nếu chưa được giới thiệu trước, có lẽ nhiều người tưởng thầy Hữu chỉ là một bác nông dân chất phác từ vóc dáng đến cách ăn mặc. Mà điều này cũng không sai khi hiện tại thầy vẫn dựa vào mảnh vườn để mưu sinh như nguồn thu nhập quan trọng của gia đình.

Thầy Đặng Hữu về dạy tại ngôi trường cạnh nhà, nay là Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh từ năm 2001. Gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp cấp 3, thầy phải mưu sinh bằng nhiều nghề từ làm ruộng đến làm thuê, làm thợ… 5 năm lăn lộn kiếm sống, song nỗi “thèm học” vẫn không thôi cháy bỏng và thầy quyết định thi vào ngành Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. “Con đường đến với môn Văn cũng lạ. Tôi vốn là học sinh đội tuyển Toán. Theo lẽ tự nhiên, mình sẽ ôn lại môn sở trường để đi thi nhưng tự dưng lúc đó thích Văn. Sau vài năm ra trường, tôi cảm nhận môn Văn đến như định mệnh. Thì ra, văn chương mới đúng nhất với con người nội tâm của chính mình. Và môn Văn trong cảm nhận của tôi còn mang một ý nghĩa cao quý, đó là giúp các thế hệ học trò không chỉ có kiến thức, mà qua đó các em hiểu người, hiểu đời hơn, nhất là biết đồng cảm với những nỗi khổ, niềm thương trong tâm hồn. Thành quả có thể không đến ngay qua những điểm số, những kỳ thi, nhưng Văn ngấm trong các em để trở thành con người tử tế mà tôi cảm nhận được sau mỗi lần gặp lại”, thầy Hữu tâm sự.

Lối vào nghề gian nan, ngắt quãng, nhưng bây giờ nhìn lại, thầy Đặng Hữu càng biết ơn năm tháng nhọc nhằn đã trở thành chất liệu sống động trong từng bài giảng và những nếm trải ấy càng khiến thầy thương hơn học trò nghèo của mình. Có em bố mẹ ly hôn, sợ em bỏ bê việc học, thầy đến bên khẽ nói: “Thầy biết rồi, cố lên em nghe!”. “Chỉ cần thế thôi, em ấy đủ hiểu lòng thầy nên không nghỉ học”, thầy Hữu bùi ngùi nhớ.

Học trò đã nuôi dưỡng lý tưởng trong thầy

Khi về nhận công tác ở ngôi trường làng cũng là nơi ngày xưa mình theo học, thầy Đặng Hữu có chút lo âu, rằng học trò biết thầy quá rõ sẽ khó vâng lời. Nhưng hành trình 20 năm qua đã cho thấy một lẽ: Càng gắn bó lại càng thương...

Trong mắt các giáo viên ở Trường THCS Nguyễn Hồng Ánh, Tổ Văn nói chung và thầy Tổ trưởng Đặng Hữu nói riêng đã góp công rất lớn để một ngôi trường bình dị nơi thôn quê tạo được tiếng vang trong tất cả đợt thi học sinh giỏi cấp thành phố. Đội tuyển Văn lớp 9 của nhà trường do thầy Hữu phụ trách từ 3 năm nay gần như 100% học sinh đi thi thành phố đều đoạt giải nhất, nhì, ba. Đây là điều khá “khác thường” đối với một ngôi trường không thuộc “trường điểm”, “trường chuẩn”.

Đối với thầy Hữu, thành quả này nhờ Tổ Văn có truyền thống dạy tốt qua nhiều thế hệ giáo viên đi trước, bản thân thầy chỉ góp công tiếp nối. Việc nỗ lực giảng dạy cũng là điều hiển nhiên của mọi thầy, cô giáo phụ trách đội tuyển mà thôi. Nhưng với cô Nguyễn Thị Sương, Hiệu trưởng nhà trường: “Công lao của thầy Hữu không thể đo đếm. Thầy không chỉ dạy theo số tiết quy định mà dành tất cả sức lực và sự quan tâm cho học trò. Ở đây, ai cũng biết thầy Hữu dạy Văn giỏi nên bao năm qua rất nhiều người tìm đến xin được kèm cặp thêm nhưng thầy đều từ chối mở lớp, dù thầy còn có mẹ già 80 tuổi, 2 con thơ đang mang bệnh và vợ phải nghỉ việc chăm con. Là trụ cột gia đình, thầy thà chấp nhận làm ruộng để kiếm sống ngoài đồng lương giáo viên eo hẹp…”.

Lý do cuộc hẹn với thầy Hữu bị gián đoạn cũng bởi con gái đầu của thầy năm nay đang học lớp 7 vừa trải qua cuộc phẫu thuật u não. Nhưng như thầy chia sẻ, thầy “hài lòng và an yên với cuộc sống riêng của mình”, chỉ hễ khi nhắc đến 3 tiếng học-trò-cũ, thầy mới bật khóc và cứ thế trong suốt cuộc trò chuyện, như thể có điều gì đó nghẹn ứ trong lòng không thể nói thành lời. Thầy bảo, học trò đã nuôi dưỡng lý tưởng trong thầy. Chưa bao giờ thầy thấy mình thiếu thốn hay mơ mộng giàu sang, bởi chỉ cần các em nhắn tin: “Thầy ơi, thầy phải khỏe lên!”, “Thầy ơi, chúng em đang ở bên thầy!”, thì có biến cố nào cũng được xoa dịu hết. Học trò còn nhớ thầy là thầy còn “dạy không biết mệt mỏi” và phải tốt lên thêm.

Cô Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang nhắc về thầy Đặng Hữu qua một kỷ niệm: “Tôi may mắn được trao đổi nhiều với thầy về chuyên môn nên rất trân quý tình yêu nghề của thầy. Có lần mời thầy chấm thi tuyển giáo viên Văn, nghe một cô giáo dự thi giảng hay quá, thầy chạy đến bên tôi nói: Nếu cô này trúng tuyển thì học sinh nào được học sẽ rất hạnh phúc”. Mong ước của thầy Hữu cũng vỏn vẹn xoay quanh câu chuyện học trò. Giữa ghế đá sân trường vắng lặng của những ngày chỉ dạy trực tuyến, thầy khép đôi bàn tay, hướng mắt nhìn xa xăm: “Tôi được dạy 10 năm nữa là đến tuổi hưu. Tôi ao ước đến lúc đó mình có thể tạo dựng Tổ Văn thật vững vàng để mỗi thầy, cô giáo đều tự tin tung cánh giữa bầu trời. Như vậy học sinh sẽ được nhờ lắm”.

Khép lại cuộc trò chuyện, thầy Hữu nhẹ nhàng quay sang tôi nhắc, như cái cách thầy vẫn tâm tình: “Em nè, viết khiêm tốn về thầy thôi em nghe!”.

Thầy lại e ngại…, kể cả khi đã chọn cách sống thanh lành để giữ vẹn tròn niềm yêu nghề, yêu trò da diết.

Trần Thị Ngọc Thùy (SN 1996), giáo viên Văn, Trường THCS Nguyễn Văn Linh, quận Cẩm Lệ:
Thầy mở cho em lối vào nghề giáo
Năm lớp 7, em được thầy Hữu gọi vào đội tuyển của trường rồi cứ thế em học Văn đến khi đậu Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng. Thầy đã mở cho em con đường rất rõ ràng để hôm nay em cũng được trở thành giáo viên dạy Văn. Từng giờ lên lớp của thầy luôn đầy ắp sự tận tình, nhiệt huyết khiến em ngưỡng mộ, nay trở thành động lực để em noi theo và tự dặn lòng không ngừng cố gắng.

Nguyễn Tấn Thiện (SN 1997), Công an quận Liên Chiểu:
Thầy như người cha hiền lành
Thầy là giáo viên chủ nhiệm của em năm lớp 9. Thầy mộc mạc, hiền lành, lúc nào cũng đến lớp với sự tận tâm, như quên mình để dạy dỗ, miễn sao tụi em chịu học là thầy vui. Thầy không chỉ dạy mà còn dõi theo cuộc sống của chúng em. Nhớ năm đó một bạn trong lớp không thi lớp 10 vì hoàn cảnh gia đình, thầy đau lòng lắm, thầy cứ đến nhà bạn khuyên nhủ, động viên. Thầy xứng đáng với mọi lời tôn vinh nhưng đôi khi chúng em không thể diễn tả hết bằng lời.

THU HOA
 
;
;
.
.
.
.
.