Nhớ mùa lúa chét

.

Tháng 10, tháng 11 âm lịch, mưa phùn và gió bấc liên tục phủ lên cánh đồng một không gian cô đơn mang màu xám lạnh. Thế nhưng, mười ngón chân nội vẫn bấm chặt xuống bùn. Nội miệt mài chắt chiu từng bông lúa chét.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Như nhiều nơi khác, cánh đồng quê tôi trước đây một năm sản xuất hai vụ chính. Vụ đông xuân “gối đầu” qua vụ hè thu. Riêng vụ hè thu, sau khi thu hoạch, bà con bỏ hoang, cho đất nghỉ qua mưa lũ, gần cuối tháng Chạp mới bắt đầu xuống giống vụ đông xuân. Thời gian ruộng nghỉ, từ gốc rạ ra lúa non, phát triển thành cây rồi trổ đòng cho hạt. Sự cựa mình mang tính tiếp diễn này khiến những bông lúa lần nữa được tái sinh.Chưa cần tìm hiểu, chỉ nghe qua cái tên thôi cũng đủ thấy mùa lúa chét chất chứa rất nhiều góp gom và thương mến. Để kết thành mùa, cánh đồng lúc ấy không có những công ruộng phấp phới như biển vàng. Ở đó cũng không có sự tấp nập, rộn ràng người xe gặt hái, không có cảnh chim chóc ríu ran gọi bầy để cùng nhau no hạt. Mùa lúa chét là món quà mà đất trời tặng thêm cho kẻ khó.

Không có sự tái sinh nào trên đời là dễ dàng. Những thân lúa cũng vậy. Sau một mùa dài, bộ rễ đã hoạt động hết công suất, góp nhặt dưỡng chất từ muôn nẻo để nuôi cây lớn, trổ ra những cành vàng. Thân, rễ lúa đã rệu rã, mệt nhoài, muốn được nằm xuống để nghỉ ngơi, tàn lụi. Thế nhưng, khi mùa đi qua, chỉ cần một cơn mưa trút xuống, bộ rễ lại rút cạn sinh lực của mình, chắt chiu những giọt tinh chất cuối cùng để nuôi cây lớn. Lúa lần nữa xé thân, nảy ra những chiếc đòng đòng, dần tựu thành mùa mới.

Mùa lúa chét là mùa phụ, không được đợi chờ nên phải chịu lắm thiệt thòi. Những nhánh lúa lớn lên trên tinh thần được chăng hay chớ, trăm sự được mất đều nhờ trời. Những vồng đất không hề được vun xới, bón phân. Lúa mọc lẫn với cỏ dại, nhưng cũng chính vì sự thuận tự nhiên này mà gạo thu được từ lúa chét rất sạch, luôn thơm ngon và bùi dẻo.

Ngày xưa tôi hay cùng nội tơi nón ra đồng mót lúa chét. Hai bà cháu chân đất bấm bùn đi từ sớm. Sau lưng nội là cái bao tải, trên tay tôi là chiếc liềm dài. Hai bà cháu lầm lũi trong làn mưa bụi, lội từ đồng gần đến đồng xa. Tôi ở trên bờ, nội ở dưới ruộng, cứ thế thu hái từng chét lúa nhỏ. Đến xế trưa, vai đủ nặng, nội quảy lúa về nhà.

Lúa chét lớn lên đã thương, đến khi thu hái về cũng cần được nâng niu nhiều hơn nữa. Nhớ có năm, lụt đến sớm, khi lúa chét chỉ mới kịp chín đỏ đuôi thì nước từ sông đã tràn lẹm lên đồng. Những bông lúa cong mình, ngã rạp. Bùn muối lúa lớp lang. Trong những đận này, người thương lúa như nội lại càng vất vả và dày công. Lúa sau khi được gánh về thì hong, phơi, đập, đạp. Nội bước thấp bước cao bưng từng thúng lúa ra bờ ao trước nhà để đong đãi, dần sàng.

Nhoài người bên bờ ao, nội uyển chuyển như nghệ sĩ múa. Nội đẩy thúng lúa ra xa, rồi lại thu thúng lúa gần vào lòng mình. Đều tay, nhịp nhàng, nội lặp đi lặp lại như thế khiến bao nhiêu hạt lúa dẹt đều nổi lên trên rồi theo nước dạt ra xa khỏi miệng thúng. Một lúc sau, khi hài lòng với thành phẩm có được, nội mới gác lúa, để rỏng nước phía bờ rào.

Mùa lúa chét năm trầy mười trật nên được hạt nào nội tôi quý hạt đó. Buổi thu tàn, hầu như hôm nào đất trời cũng mây mẩy nước, phải khó khăn lắm mới có một vài ngày mặt trời hé nắng. Nội chờ đến dịp thì đem lúa ra phơi. Những hạt lúa dần tơi ra, óng vàng, cọ vào nhau xam xáp. Những ngày không có nắng, nội đem phơi lúa ở chỗ ráo nhất dưới những chân bàn. Tôi vẫn nhớ như in những vách ngăn mà nội thường tỉ mỉ sắp xếp để con cháu trong nhà không nô giỡn, làm lúa bén vào chân. Nội bảo: “Muốn no thì phải chăm làm. Một hột thóc vàng, chín hột mồ hôi. Chỉ cần qua Tết, đến kênh buổi giêng hai, nhà đông con thì có bao nhiêu thóc gạo trong nhà cũng thiếu. Lúa chét lúc bấy giờ chính là những hạt ngọc hạt vàng, nên liều liệu mà chắt chiu”.

Cuộc sống bây giờ đã đổi khác, công việc làm nông ở quê tôi cũng được lên lịch thời vụ rất kịp thời, tỉ mỉ. Cứ xong vụ chính, những chiếc máy cày, máy phay lại tù tì xáo trở đất đai. Những gốc rạ bị chôn sâu vào lòng đất. Những bông lúa chét vì thế cũng không còn cơ hội được trở thành kẻ nối nhịp, đắp bù đầy hào phóng giữa hai mùa vui.

Nhiều lần về thăm quê, thong dong trên bờ đê, tôi thả mắt xa xa về phía không gian mờ xám. Tôi nhớ nội, ở nơi nào đó, liệu người còn mót lúa trên đồng xa…

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.